Chính vì thế, không phải những người làm sách không biết đến những độc hại mà ngôn tình gây ra, nhưng vì chạy theo thị hiếu độc giả, vẫn “nhắm mắt làm ngơ”. Thậm chí, có trường hợp “cố đấm ăn xôi”.
Như trường hợp quyển sách Dụ tình của tác giả Ân Tầm, một quyển sách có nội dung xoay quanh chuyện ngoại tình, cưỡng hiếp. Trong sách nhan nhản những chi tiết tình dục sống sượng, bạo lực, đồng thời lồng quan điểm không hay về người Việt, phụ nữ Việt. Thế nhưng, dù khi mới xuất bản, quyển sách này bị một bộ phận người đọc lên tiếng tẩy chay nhưng không ít nhà làm sách vẫn khăng khăng bảo vệ.
Trong một đọan giới thiệu khi ra mắt sách, Nanubooks - đơn vị phát hành còn cho rằng: Dụ tình được viết bởi thiên hậu của làng ngôn tình Trung Quốc, với văn phong xa hoa mà lộng lẫy” (!). Hiện, sách vẫn bày bản rất nhiều trên các kệ tại các nhà sách lớn, nhỏ trong nước và các trang trực tuyến. Làng sách còn nhiều loại sách như thế.
Những bìa sách như Đạo tình, Cô vợ bỏ trốn của tổng giám đốc, Ông xã đại nhân hết mực cưng chiều, Tổng giám đốc xin kiềm chế, Yêu nhầm chị dâu… được bày bán khắp nơi. Những quyển sách không xuất bản được thì xuất hiện trên các trang đọc sách trực tuyến, quảng cáo giật gân để tiếp cận bạn đọc.
Có thời gian, Cục Xuất bản đã đề nghị “ngừng xuất bản sách ngôn tình”, nhưng chỉ được một thời gian, đâu lại vào đấy. Nhiều tác giả sách trẻ Việt Nam những năm qua, vì hướng đến “ăn khách” cũng chuyển sang viết ngôn tình. Cứ thế, sách ngôn tình len lỏi vào mọi ngõ ngách trong đời sống tinh thần của người trẻ và tiềm ẩn những mầm độc.
Tuy nhiên, khó lòng mà xóa bỏ ngôn tình một khi nó đã có sức ảnh hưởng quá lớn đến văn hóa - giải trí của hầu hết các nước châu Á chứ không chỉ Việt Nam, với công nghệ xuất bản, công nghệ làm phim, công nghệ truyền thông…
Tất cả chỉ còn trông chờ vào sự siết chặt của các cơ quan quản lý truyền thông; sự tỉnh táo trong lựa chọn của người đọc.