Chuyện lái xe tải, xe container, xe khách đường dài sử dụng ma túy vốn là chuyện được nói nhiều năm qua. Sau khi xảy ra vụ tai nạn tại Bến Lức, Long An, các cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất đối với các tài xế xe tải, tài xế xe container và đã phát hiện nhiều trường hợp dương tính với ma túy. Điều này củng cố thêm thông tin về một bộ phận lái xe có sử dụng ma túy. Nhưng chưa có một chế tài cụ thể nào để xử lý triệt để vấn đề này ngoài việc doanh nghiệp đuổi việc tài xế khi có kết quả kiểm tra y tế, phát hiện tài xế sử dụng ma túy.
Khi các con nghiệm ngồi sau vô lăng thì hậu quả thật không tưởng tượng được và vụ tai nạn kinh hoàng ở Kim Thành, Hải Dương ngày hôm qua như một tiếng chuông chát chúa cảnh báo tệ nạn này. Sử dụng rượu, bia đã có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng nhưng khi các tài xế “ngáo đá” thì hậu quả không phải chỉ một người chết mà hàng loạt người chết như vụ việc ở Bến Lức và Kim Thành.
Các tài xế này đương nhiên sẽ đối mặt với mức án rất nặng để trả giá cho hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra. Nhưng nếu cứ gây ra hậu quả rồi trả giá bằng tù tội như vậy không phải là cách giải quyết triệt để nỗi đau do tai nạn giao thông. Vấn đề cần làm ngay là phải ngăn chặn, không để tái diễn chuyện này thêm một lần nào nữa.
Trong số các nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn thảm khốc nói trên, không thể không nói tới trách nhiệm của chủ phương tiện (cá nhân hoặc doanh nghiệp). Các ông chủ sử dụng lao động là các tài xế nghiện ma túy, nghiện rượu này chỉ mới chịu trách nhiệm dân sự, bồi thường là hết nên vẫn còn những chuyện đau lòng xảy ra.
Hiện trường vụ tai nạn xảy ra trên QL1 (đoạn qua huyện Bến Lức, tỉnh Long An)
|
Ở khía cạnh chủ doanh nghiệp, dĩ nhiên các doanh nghiệp không muốn có tai nạn, hiển nhiên là vậy vì họ cũng bị thiệt hại về tài sản. Nhưng, họ có thực sự làm hết trách nhiệm để phòng ngừa tai nạn do các con nghiện ngồi trên tài sản của họ gây ra hay chưa và cách nào để giàng buộc trách nhiệm của chủ doanh nghiệp đối với việc ngăn chặn tai nạn thảm khốc từ trong chứng nước, đó mới là việc cần phải làm ngay bởi nếu như còn có chuyện sử dụng các tài xế nghiện ngập này, tai nạn không thể giảm và các vụ việc thảm thương như hai vụ tai nạn vừa qua sẽ còn tiếp tục xảy ra.
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Anh Tú, VPLS Khánh Hưng, ĐLS TP Hà Nội để làm rõ thêm các quy định của pháp luật cũng như định hướng xây dựng pháp luật để ngăn chặn tai nạn thảm khốc từ trong chứng nước.
Thưa Luật sư Trần Anh Tú, theo quy định của pháp luật hiện hành, đã có thể xử lý hình sự đối với chủ doanh nghiệp có tài xế ngáo đá, gây tai nạn giao thông chưa, thưa ông?
Đối với việc tài xế có sử dụng ma túy điều khiển phương tiện, hiện nay đã có quy định của pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ phương tiện. Cụ thể, tại Điều 264 Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định, việc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Điều luật đã quy định rõ, người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện là người không có giấy phép lái xe, người đang ở trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà nồng độ cồn vượt mức cho phép và người sử dụng ma túy.
Luật sư Trần Anh Tú |
Tuy nhiên, việc xử lý các trường hợp chủ phương tiện có tài xế “ngáo đá” gây tai nạn hoàn toàn không dễ vì ngoài quy định của Bộ luật hình sự thì còn thiếu cơ chế để áp dụng quy định này.
Ông có thể nói rõ hơn tại sao lại khó có thể xử lý chủ doanh nghiệp có tài xế ngáo đá gây tai nạn, thưa ông?
Trước hết, bản thân doanh nghiệp cũng không muốn có tai nạn, đó là một thực tế vì họ là người bị thiệt hại trực tiếp về tài sản; là người phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân, nên có thể nói, trong các vụ tai nạn thì họ là đối tượng tổn thất lớn về tài sản và họ thực sự không muốn có tai nạn.
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp cũng không biết rõ về người lao động có nghiện ma túy hay không và chưa có cơ chế bắt buộc để họ kiểm soát tài xế của họ có nghiện ma túy hay không.
Trong thực tế, hầu hết các tài xế khi nộp hồ sơ đều cung cấp giấy khám sức khỏe và có xác định là “đủ sức khỏe” do khi kiểm tra sức khỏe, có nhiều lý do để không thể phát hiện ra tài xế nghiện ma túy. Do đó, khi muốn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ doanh nghiệp thì đây là vấn đề cần phải chứng minh nhưng lại rất khó chứng minh. Vì, hồ sơ lưu trữ sẽ thể hiện tài xế đủ điều kiện về sức khỏe còn dùng ma túy lúc nào thì chủ doanh nghiệp không thể biết. Do vậy, để xử lý chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải về tội này hoàn toàn không dễ dàng, thậm chí là không thể thực hiện được.
|
Như vậy, theo ông để xử lý hình sự được chủ sử dụng lao động của các con nghiện ngồi sau vô lăng thì pháp luật phải có quy định chủ sử dụng lao động bắt buộc phải biết về tình trạng lái xe có nghiện hay không khi tuyển dụng và sử dụng lao động?
Lái xe là một nghề nguy hiểm, từ trước đến giờ là vậy. Do đó, người lái xe phải đủ sức khỏe về thể chất và tâm thần. Nếu giao xe cho người có nhược điểm về thể chất và tâm thần thì chiếc xe trở thành hung thần theo đúng nghĩa của nó.
Do vậy, tôi cho rằng, đối với lái xe tải, xe khách, đặc biệt là các phương tiện tải trọng lớn thì thường xuyên phải kiểm tra sức khỏe của lái xe và chủ doanh nghiệp phải biết rõ về tình trạng sức khỏe tâm thần của lái xe thông qua việc kiểm tra y tế định kỳ để phát hiện lái xe có đủ điều kiện để thực hiện công việc này hay không. Nếu chủ doanh nghiệp không làm điều này, lái xe gây tai nạn thì chủ phương tiện sẽ có lỗi và có thể dễ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều này hiện nay chưa có quy định có tính chất bắt buộc nên khó xử lý.
Hiện nay pháp luật chưa có quy định về việc kiểm tra sức khỏe bắt buộc đối với người lao động là lái xe, như vậy theo ông thì khe hở luật pháp chính là ở luật lao động?
Theo quy định của Bộ luật lao động, hàng năm người sử dụng lao động có nghĩa vụ khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Tuy nhiên, việc khám sức khỏe được xác định theo quy định đối với các bệnh nghề nghiệp chứ chưa có quy định bắt buộc phải xét nghiệm ma túy đối với người lao động. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp có thể xét nghiệm hoặc không xét nghiệm ma tuy đối với người lao động mà không bị coi là vi phạm quy định này.
Trong trường hợp đó, nếu tài xế có nghiện ma túy mà chủ doanh nghiệp không biết thì cũng không thể truy cứu trách nhiệm đối với chủ doanh nghiệp và đây chính là điểm cần hoàn thiện ngay để lấp các chỗ trống trong hệ thống pháp luật.
Theo ông, để hạn chế các con nghiện ngồi sau vô lăng, cần thiết phải quy định việc kiểm tra sức khỏe lái xe như thế nào?
Tôi cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng mà các doanh nghiệp phải làm để bảo vệ tài sản của mình và tính mạng người tham gia giao thông. Đây là việc cần thiết để ngăn chặn tai nạn thảm khốc từ trước khi nó xảy ra.
Theo đó, để cấp giấy phép lái xe, các trung tâm đào tạo nghề cũng phải xét nghiệm ma túy đối với người học. Nếu người học dương tính ma túy thì không được phép cấp giấy phép lái xe.
Đối với người đã được cấp giấy phép lái xe thì thường xuyên phải kiểm tra sức khỏe và trong đó việc xét nghiệm ma túy là yêu cầu bắt buộc. Việc kiểm tra như thế nào để phát hiện một cách hiệu quả nhất tình trạng nghiện ma túy thì cần có hướng dẫn của cơ quan y tế.
Đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động là lái xe, hàng năm phải kiểm tra định kỳ về sức khỏe cho lái xe. Nếu không có kết quả kiểm tra sức khỏe lưu trữ thì có căn cứ xác định chủ doanh nghiệp đã bỏ qua công tác này. Khi xảy ra tai nạn, cơ quan điều tra có thể kiểm tra được ngay và hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm chủ doanh nghiệp sử dụng lao động lái xe về hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông.
Xin cảm ơn ông!