Đủ hiểu, đằng sau tấm biển “cấm” này là cả một câu chuyện dài, một quá trình xung đột giữa dân và chính quyền sở tại về xây dựng một cái cầu dân sinh cần thiết mà cán bộ xã không làm, dân tự làm và họ không thể quên được sự hành xử thiếu quan tâm của cán bộ xã và thể hiện bằng thái độ kể trên. Như vậy, quan hệ của cộng đồng dân cư nhỏ bé này với chính quyền mà đại diện là các cán bộ xã đã đến hồi “cạn tàu, ráo máng”, tiềm ẩn những hậu quả xấu trong việc quản lý xã hội tại địa phương.
Tương tự, để bảo vệ con đường và an toàn cho chính bản thân mình, những người dân đã dùng đá hộc chặn đường ngăn những xe tải, ô tô né Trạm thu phí BOT giao thông Biên Hòa chạy qua làng họ. Những chiếc xe tải hạng nặng không những làm lún đường, nứt nhà mà còn là mối hiểm họa rất lớn cho cư dân ở đây. Hành vi chặn đường tự phát này xuất phát từ việc bảo vệ chính cuộc sống của người dân. Cũng như hành vi cấm cán bộ xã qua cầu ở trên, việc chặn đường thể hiện thái độ phản kháng của người dân và sự bất lực của chính quyền sở tại, sự việc đã đến đỉnh điểm là không thể dùng lời mà nói với nhau được nữa mà bằng hành động, mặc dù hành động đó có thể là hành vi trái pháp luật. Đó là biểu hiện dứt khoát của sự cạn tình.
Cũng là cạn tình nhưng ở mức độ quan hệ vợ chồng là hình ảnh xảy ra tại phố Xã Đàn (Hà Nội) được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. Theo đó, do nghi ngờ vợ, người đàn ông cố giật điện thoại trên tay người vợ để kiểm tra. Cô vợ hô hoán lên là cướp, mọi người xô lại, đánh anh chồng hộc máu mồm khiến anh phải chắp tay, mếu máo van xin và trình bày “đây là vợ em”. Chỉ đến lúc cô vợ lên tiếng xác nhận thì mọi người mới dừng tay và anh chồng lúc đó đã bị đòn nhừ tử. Quan hệ của họ sẽ ra sao sau sự cố này, cũng như quan hệ của người dân với chính quyền sau việc “cấm cầu”, hẳn rằng chúng ta cũng đoán ra được kết cục của nó với những diễn biến tiếp theo.
Vợ chồng thì có thể ly hôn, “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi” hoặc có thể tha thứ cho nhau vì hành vi, lời nói bồng bột lúc “cơm không lành, canh không ngọt” nhưng dân và chính quyền thì không thể chia tay nhau được. Nếu lỗi thuộc về các cán bộ chính quyền thì hãy xin lỗi người dân, tỏ một thái độ cầu thị và sửa sai bằng những hành động cụ thể của mình là quan tâm đến đời sống nhân dân, đáp ứng những yêu cầu chính đáng của họ và thực thi trách nhiệm của mình.
Tất cả các thái độ bàng quan, vô cảm, thiếu trách nhiệm, cố chấp,... dù trong mối quan hệ chỉ có 2 người hay rộng lớn hơn là quan hệ xã hội đều mang lại những hệ quả xấu. Khi người ta đã cạn tình thì biểu hiện ra đủ những kiểu xử sự khiến “đối tượng” bị tổn thương nặng nề thì họ mới hả dạ! Vì thế, đừng đẩy nhau đến chỗ “cạn tàu, ráo máng”!