Phát biểu trên được Bí thư Thành uỷ (BTTU) Hà Nội đưa ra khi làm việc với Ban Quản lý Khu công nghiệp Bắc Thăng Long gần đây. Đây cũng là một trong những chuyến thị sát đầu tiên của tân BTTU xuống các cơ sở nhằm lắng nghe những phản ánh, tâm tư, nguyện vọng của DN, sau khi người đứng đầu BTTU Hà Nội đã khẳng định sẽ quyết liệt “cải cách hành chính (CCHC), đổi mới lề lối làm việc của cán bộ và các cơ quan công quyền thành phố”.
Ngay tại buổi làm việc, BTTU đã phải dùng đến hai từ “đau đớn” khi ông tiếp nhận được những thông tin phản ánh vẫn còn tình trạng gây nhũng nhiễu, làm khó DN trên địa bàn thành phố.
“Được lời như cởi tấm lòng”, đại diện DN thẳng thắn nêu bức xúc nhất là còn nhiều thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết, gây lãng phí cho DN. Họ dẫn chứng những thủ tục như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư, điều chỉnh cục bộ chức năng, quy hoạch khu công nghiệp… cán bộ trực tiếp hướng dẫn các DN chưa chi tiết, vấn đề quản lý chồng chéo giữa Ban Quản lý khu công nghiệp và chế xuất với các sở hữu trách như Quy hoạch kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, dẫn tới thanh, kiểm tra trùng lắp làm DN mất thời gian “hầu”, mệt mỏi.
Mấu chốt ở đâu? Là người trưởng thành từ DN, BTTU không khó để “đọc vị”. “Tôi đoán là đâu đó các ông vẫn muốn giữ quyền của mình”, ông nói.
TTHC là tham nhũng bao giờ cũng sống ký sinh. Hành vi quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu của cán bộ, công chức đều trực tiếp hoặc gián tiếp có liên quan đến các qui định về trình tự, thủ tục giải quyết công việc của cơ quan nhà nước. Nơi nào, khâu nào mà TTHC rắc rối, phức tạp, thẩm quyền, trách nhiệm không rõ ràng thì ở nơi đó, khâu đó nguy cơ phát sinh tiêu cực rất cao.
Vì vậy, xin nhắc lại, rất lâu rồi, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho thủ trưởng các bộ và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải khẩn trương rà soát toàn bộ các TTHC thuộc phạm vi quản lý để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những qui định gây phiền hà, cản trở công việc của dân, hoạt động của DN, nhà đầu tư.
Đã đến lúc CCHC phải được làm một cách đồng bộ. Một là trình tự, thủ tục giải quyết công việc, ban hành văn bản phải đơn giản hơn, đảm bảo tính pháp lý cao hơn. Hai là, tiêu chuẩn công chức, chức năng, nhiệm vụ của chuyên viên đối với từng loại việc, từng vị trí công tác phải rõ ràng. Khi không còn đủ tiêu chuẩn, vi phạm trình tự, thủ tục hoặc không hoàn thành chức năng, nhiệm vụ, dứt khoát bị xử lý.
Có như thế Bí thư mới không đau. Tất nhiên Bí thư đau một, DN đau mười, cuộc sống đau một trăm.