Năm 2016, ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính về thuế

Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế .
Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế .
(PLO) - Đây là lời khẳng định của ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế với báo PLVN trước thềm năm mới...
Năm 2015 kết thúc với nhiều dấu ấn đặc biệt trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Thuế: Vừa hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách của năm, vượt chỉ tiêu giảm số giờ nộp thuế theo Nghị quyết 19 của Chính phủ. Phóng viên Báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
*Thưa ông, trong bối cảnh giá dầu năm 2015 giảm sâu và cách xa so với khi xây dựng dự toán, nhưng thu ngân sách vẫn tăng 5%, đặc biệt số thu ngân sách do ngành Thuế quản lý vẫn tăng gần 11%, nguyên nhân nào ngành Thuế có được kết quả đó?
- Phải nói rằng năm 2015 vừa qua là năm kinh tế thế giới có nhiều biến động đã ảnh hưởng trực tiếp đến xuất, nhập khẩu và sản xuất kinh doanh (SXKD) trong nước và tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách. Đặc biệt, việc giá dầu thô giảm mạnh từ cuối năm 2014 đến nay thấp nhất trong vòng 5 năm qua, từ 108 USD/thùng vào thời điểm tháng 6/2014 xuống còn 37 USD/thùng vào ngày 15/12/2015, dự kiến bình quân cả năm đạt khoảng 56 USD/thùng, giảm 44 USD/thùng so với dự toán, tác động làm giảm thu do ngành Thuế quản lý (thu dầu thô và thu nội địa) khoảng hơn 60.000 tỷ đồng...

Tuy nhiên trong bối cảnh đó, cũng có nhiều yếu tố thuận lợi tác động tích cực đến thu ngân sách. Đầu tiên phải kể đến là tình hình kinh tế vĩ mô trong nước: năm 2015 nền kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực, tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,68%, vượt mục tiêu đề ra (6,2%); lạm phát thấp (chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,6%); tín dụng tăng trưởng khá; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng... Sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao; vốn FDI giải ngân đạt khá; một số ngành hàng, DN trọng điểm đóng góp lớn cho ngân sách (ô tô, viễn thông,...) vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng SXKD.

Cùng với đó, công tác thuế nói chung, công tác thu ngân sách nói riêng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính, sự chỉ đạo sâu sát, ủng hộ của cấp uỷ và chính quyền các cấp ở địa phương trong việc khai thác nguồn thu, chống thất thu, thu hồi nợ đọng, tháo gỡ khó khăn cho SXKD; cơ chế, chính sách thu và các quy trình, quy chế kê khai, nộp thuế, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người nộp thuế (NNT) trong năm 2015 về cơ bản tương đối ổn định, có hệ thống và tiếp tục được củng cố, hoàn thiện phù hợp với tình hình mới.

Đặc biệt, kết quả bước đầu về cải cách TTHC thuế, cải thiện môi trường đầu tư tiếp tục nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng DN, tạo thuận lợi trong triển khai công tác thu: cắt giảm được khoảng 420 giờ, số giờ thực hiện TTHC về thuế giảm từ 537 giờ xuống còn 117 giờ, đồng thời giảm được 8 lần khai và nộp thuế GTGT, giảm được 4 lần nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính.

Tính đến hết 31/12/2015 đã có: 511.801 DN thực hiện khai thuế điện tử (đạt 99%) với trên 26,6 triệu hồ sơ thuế điện tử; trên 484,7 nghìn DN đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế (CQT) đạt 95,5% đã có 39 ngân hàng kết nối với CQT để cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử. Riêng trong tháng 12/2015 đã có trên 38 nghìn tỷ đồng nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN) bằng phương thức điện tử (chiếm 72,35% tổng số nộp NSNN) với trên 112,8 nghìn chứng từ nộp thuế điện tử (chiếm 64,78% tổng số chứng từ nộp thuế).

Tổng số tiền đã nộp vào NSNN bằng hình thức điện tử trong năm 2015 đạt trên 157 tỷ đồng. Đã rà soát sửa đổi bổ sung phần lớn các quy trình nghiệp vụ, nhất là các quy trình liên quan đến NNT, đồng thời thực hiện việc rà soát và cắt giảm 63 TTHC, đơn giản hóa 50 TTHC... Bản thân CQT các cấp trong năm vừa qua đã nỗ lực, tập trung thực hiện các giải pháp tăng thu, chống thất thu NSNN, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; tích cực triển khai các giải pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế; tăng cường công tác hỗ trợ NNT, tiếp tục duy trì phối hợp các cơ quan báo đài đẩy mạnh công tác tuyên truyền để chính sách thuế đến gần hơn với người dân và DN; tăng cường công tác quản lý nội ngành, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí… 

Tất cả những yếu trên đã góp phần giúp cho ngành Thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình…

*Tại hội nghị ngành Tài chính vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh có nói rằng trong năm 2016 thu nội địa phải vượt ít nhất 7- 8% mới đủ bù hụt thu do giá dầu giảm. Ngành Thuế sẽ có những giải pháp đột phá nào để thực hiện nhiệm vụ này, thưa ông?

- Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 10 đã thông qua Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2016, theo đó dự toán thu cân đối NSNN là 1.014,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: Dự toán thu nội địa là 785.000 tỷ đồng; dự toán thu dầu thô là 54.500 tỷ đồng (trên cơ sở sản lượng 14,02 triệu tấn, giá 60USD/ thùng); dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 172.000 tỷ đồng. 
Với mục tiêu vượt thêm 7- 8% dự toán thì đây quả là thách thức lớn đối với ngành Thuế. Khi dự toán giá dầu là 60USD/thùng nhưng hiện nay giá dầu chỉ còn 37 USD/thùng, do đó riêng đối với khoản thu từ dầu đến nay đã hụt thu theo dự toán được giao. Vì vậy, cần phải tăng thu nội địa để bù vào khoản hụt thu từ dầu này.

Do vậy, để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2016, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, triển khai thực hiện có hiệu quả cải cách TTHC thuế, tăng cường quản lý thuế theo hướng đơn giản, đồng bộ, minh bạch và đảm bảo kỷ luật, kỷ cương nội ngành, phù hợp với mục tiêu cải cách TTHC để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho NNT, tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN phát triển, ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu vững chắc, lâu dài cho NSNN.

Thứ hai, chỉ đạo CQT các cấp tổ chức rà soát, đối chiếu, phân tích, đánh giá đối với các sắc thuế lớn, những địa bàn, đơn vị trọng điểm, nắm chắc những diễn biến về kinh tế, thị trường, giá cả,... phát hiện sớm các vướng mắc về cơ chế chính sách, bất cập trong công tác quản lý thu tác động đến tình hình SXKD và thu nộp ngân sách của NNT.

Trên cơ sở đó, tham mưu, kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND các cấp tháo gỡ kịp thời, tạo điều kiện cho DN hoạt động SXKD ổn định và phát triển, đôn đốc thu đúng, thu đủ và kịp thời các khoản phải nộp vào NSNN. Thứ ba, tăng cường công tác quản lý thuế trong đăng ký, kê khai và hoàn thuế GTGT, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế góp phần tăng thu cho NSNN. Thứ tư, đổi mới công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT một cách hiệu quả, thiết thực, xuất phát từ yêu cầu của NNT bằng những hình thức phù hợp với đặc điểm vùng, miền, NNT. Thường xuyên lắng nghe, đối thoại với DN để tuyên truyền, giải đáp vướng mắc cho NNT.

Đồng thời, đẩy mạnh và đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ tư vấn pháp luật về thuế cho cộng đồng xã hội để nâng cao ý thức tự giác nộp thuế. Đặc biệt sẽ tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, thực hiện bố trí, sắp xếp đội ngũ công chức, viên chức thuế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; thường xuyên giáo dục nâng cao phẩm chất, đạo đức, văn hoá ứng xử và năng lực đội ngũ công chức, viên chức thuế...

*Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệpViệt Nam cho thấy trên 70% DN hài lòng với cải cách TTHC của ngành Thuế, song có đến 85% DN mong muốn ngành Thuế tiếp tục cải cách hơn nữa. Ông có thể cho biết, trong năm 2016, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, ngành Thuế tiếp tục cải cách vào những lĩnh vực nào?

- Chúng tôi xác định năm 2016 này tiếp tục là năm mà ngành Thuế sẽ vẫn đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính về thuế. Công việc đầu tiên là đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch cải cách thuế giai đoạn 2011-2015, đây là công việc có ý nghĩa quan trọng giúp cho Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nhìn nhận lại kết quả đã đạt được ở cấp độ vận hành và hoạt động của CQT theo các mục tiêu chiến lược; xác định được những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân làm cơ sở để xây dựng Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2016-2020 cho phù hợp.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách và TTHC thuế, đơn giản hóa mẫu biểu thủ tục để giảm thời gian kê khai, nộp thuế cho DN; rà soát, đơn giản hóa thủ tục và minh bạch hóa quy trình nghiệp vụ về hoàn thuế, thanh tra kiểm tra và giải quyết khiếu nại về thuế.

Thứ ba, cải tiến quy trình nghiệp vụ và giám sát việc thực hiện để đảm bảo kết quả cải cách được triển khai trong thực tiễn; xây dựng và công khai cơ sở dữ liệu để đảm bảo 90% hồ sơ hoàn thuế được giải quyết đúng hạn; 90% hồ sơ giải quyết khiếu nại của NNT được giải quyết đúng hạn.

Thứ tư, xây dựng chế độ quản lý rủi ro đối với DN; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về NNT để thực hiện quản lý thuế (thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế,...) theo rủi ro để tăng cường hiệu lực quản lý thuế, chống thất thu NSNN, tạo sự bình đẳng trong tuân thủ pháp luật thuế và không gây phiền hà, khó khăn cho các DN tuân thủ tốt.

Thứ năm, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc giao dịch giữa CQT với DN để tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý thuế. Cụ thể, phấn đấu đến đến hết năm 2015, số DN khai thuế điện tử duy trì đạt mức trên 95%; số DN nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 90%; ứng dụng CNTT trong trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành  để phục vụ quản lý thuế.

Thứ sáu, tăng cường công tác truyền thông và dịch vụ hỗ trợ NNT; hoàn thiện hành lang pháp lý, hỗ trợ và tạo điều kiện để hệ thống đại lý thuế phát triển.

Thứ bảy, nghiên cứu, đề xuất đổi mới công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh; thực hiện đơn giản hoá chính sách và TTHC thuế cho phù hợp với trình độ và năng lực quản lý thuế đối với hộ kinh doanh; áp dụng phương pháp quản lý thuế đơn giản và đa dạng hoá các hình thức thu nộp thuế qua phương tiện điện tử để giảm chi phí hành chính và nâng cao tính tuân thủ, nâng cao hiệu quả quản lý thuế.

Thứ tám, xây dựng cơ chế đánh giá hoạt động của CQT thông qua các tổ chức xã hội dân sự, của NNT về chính sách và TTHC thuế, công tác quản lý và cung cấp dịch vụ của CQT. Việc đánh giá thực hiện đồng thời bằng cách  CQT xây dựng và áp dụng bộ chỉ số đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của CQT các cấp và thông qua các tổ chức độc lập (VCCI, ....) để thu thập ý kiến, thông tin phản hồi, đánh giá sự hài  lòng của NNT với CQT.

Trong năm 2016 này, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành rà soát, đơn giản hoá các thủ tục thu/nộp/thanh toán chế độ bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho DN)...

Xin cám ơn ông!

Tin cùng chuyên mục

Tổng cục Thuế quán triệt công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy

Tổng cục Thuế quán triệt công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy

(PLVN) -Tổng cục Thuế yêu cầu, cùng với việc quyết tâm thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, các đơn vị cần tăng cường công tác quản lý nội ngành, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ và trong công tác quản lý thuế để phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt là nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Đọc thêm

Bộ NN&PTNT: Hỗ trợ tích cực phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường

Bộ NN&PTNT: Hỗ trợ tích cực phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường
(PLVN) - Ngày 10/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cùng bà Aler Grubbs, Giám đốc quốc gia Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và bà Martina Stepheny, Giám đốc cấp cao tổ chức FOUR PAWS International (FPI) đồng chủ trì Diễn đàn cấp cao năm 2024 về Một sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người.

Tận dụng các FTA giúp ngân hàng tăng doanh thu

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương).
(PLVN) - Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, cơ hội từ các FTA giúp ngân hàng tăng được số lượng khách hàng, tăng doanh thu. Bởi số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, tham gia vào các FTA, nếu họ tận dụng hiệu quả thì đây là nguồn khách hàng tiềm năng cho hệ thống ngân hàng. Như vậy, trước mắt các cán bộ ngân hàng phải hiểu rõ, hiểu sâu để tận dụng, thực thi các FTA.

Cơ bản đã đủ pháp lý để triển khai điện hạt nhân

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin về dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Tái khởi động dự án điện hạt nhân đang nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội. Trong đó, các chuyên gia về điện cho rằng, phát triển nguồn điện hạt nhân không chỉ giúp đa dạng nguồn cung, mà còn bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh.

FTA Index - công cụ 'hỗ trợ' Quốc hội giám sát, chỉ đạo công tác thực thi FTA

Nhiệm vụ quan trọng của Vụ Chính sách thương mại đa biên là hoàn thành báo cáo kết quả xây dựng Bộ Chỉ số và trình lên Thủ tướng Chính phủ.
(PLVN) - Thông qua FTA Index, cơ quan, doanh nghiệp địa phương có thể soi chiếu được việc thực hiện kế hoạch hành động của Chính phủ gắn với kế hoạch hành động của các tỉnh, thành phố xây dựng FTA Index để xác định được những điểm đã làm được và những điểm cần phải thúc đẩy hơn nữa, từ đó tìm ra những giải pháp, chính sách cụ thể hơn cho các doanh nghiệp trên địa bàn của mình tận dụng được FTA.

Địa chỉ tin cậy giúp địa phương và doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ FTA

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương).
(PLVN) - Cổng thông tin điện tử Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam (Vietnam FTA Portal, gọi tắt là Cổng FTAP tại địa chỉ fta.gov.vn) là một công cụ tra cứu các cam kết về Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các thông tin liên quan một cách thông minh, tiên tiến, có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA .

Khởi động dự án nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast Hà Tĩnh

Khởi động dự án nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast Hà Tĩnh
(PLVN) - Dự án xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast tại KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh) có công suất thiết kế 400.000 xe/năm với tổng mức đầu tư xây dựng 7.300 tỷ đồng. Dự kiến, tháng 6/2026, dự án hoàn thành tiến độ xây dựng cơ bản và đưa vào khai thác vận hành.

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc

Toàn cảnh diễn đàn.
(PLVN) - Chiều 6/12, Cục Trồng trọt, Hội Làm vườn Việt Nam, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình và các đơn vị liên quan phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc”.

Chống hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ: Hải quan chủ động giải pháp đấu tranh, ngăn chặn

Ông Vũ Hoài Linh trao đổi về giải pháp ngăn chặn hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. (Ảnh: TD)
(PLVN) - Tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thời gian qua tiềm ẩn diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong 9 tháng năm 2024, các lực lượng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý trên 39.000 vụ vi phạm, giảm 32,7% so với cùng kỳ năm 2023.