Đã tốt, cần phải tốt hơn
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định trong thời gian qua, ngành Thuế là một trong những lực lượng tiên phong đi đầu trong việc cải cách hành chính, thuế, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ.
“Thuế, hải quan là hai lĩnh vực trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải cải cách trong thời gian qua. Với sự quyết liệt của Bộ Tài chính trong quá trình tham vấn, đối thoại đã tạo ra được những chuyển biến tích cực trong thời gian qua…”- Chủ tịch VCCI khẳng định.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh: “Ngành thuế đã thực hiện được một chặng đường đầu tiên trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian qua…”.
Dẫn Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2016 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 28/10, trong đó, Việt Nam đã tăng 4 bậc so với bảng xếp hạng năm trước, ông Lộc lưu ý: Tuy Việt Nam đứng vị trí thứ 90 trong số 189 nền kinh tế được xếp hạng, trong đó chỉ số về nộp thuế của Việt Nam dù tăng từ hạng 172 lên 168 nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng bởi đây là lĩnh vực trọng điểm trong mục tiêu cải thiện của Nghị quyết 19 năm 2015 của Chính phủ.
Khẳng định những chuyển biến có lợi cho DN của ngành Thuế, Hải quan theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn lưu ý công tác thuế, hải quan cần làm nhiều việc hơn nữa thông qua ý kiến của DN để lắng nghe, sửa và đáp ứng yêu cầu của DN…
Cởi mở và thẳng thắn
Khoảng 500 đại biểu đại diện cho các DN, hiệp hội DN thuộc mọi thành phần kinh tế đã có mặt tại hội nghị đối thoại và hội trường không còn một chỗ trống…
Trong khi những vướng mắc về thuế chủ yếu liên quan đến kỹ thuật, chính sách thuế được Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn và đại diện Tổng cục Thuế giải đáp, ghi nhận thì các ý kiến liên quan đến lĩnh vực hải quan lại làm “nóng” hội trường về những thủ tục, những chi phí mà DN phải bỏ ra.
Đại diện Cty TNHH An Đô, DN hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng và thuốc bảo vệ thực vật, cho biết DN cảm thấy mệt mỏi trong việc kiểm tra chuyên ngành. Đại diện DN này cho biết, chỉ trong 9 tháng DN đã phải nộp 620 triệu đồng và cử thêm 1 nhân viên chuyên cho việc này.
“Các thủ tục trong việc kiểm tra chuyên ngành không linh động bởi cùng một mẫu hàng mà vẫn phải kiểm tra đi kiểm tra lại. Ví dụ như cái ô che mưa nắng cũng phải kiểm tra chuyên ngành, 1 tấn vải chỉ mất 1 vài triệu đồng tiền thuế, nhưng với 4 mẫu vải có số lượng rất ít, DN cũng phải mất 8 triệu đồng tiền kiểm tra chuyên ngành, cho nên các DN nhỏ chỉ muốn lậu thuế cho nhanh, đỡ tốn kém…” - DN này phát biểu.
Đối với lô hàng thuốc bảo vệ thực vật, DN phải mất 15 ngày mới thông quan được, nếu gặp ngày thứ sáu thì phải đến thứ hai mới được giải quyết. Về hải quan điện tử, theo DN, vẫn chưa tiết kiệm nhiều cho DN bởi vẫn chưa có sự liên kết với các đơn vị liên quan, ngay cùng một cửa khẩu cũng chưa có sự đồng bộ, từ xe vào, xe ra, bến bãi, biên phòng… vẫn 100% là thủ công.
Lắng nghe ý kiến của DN, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn tổng kết có 11 ý và giải đáp từng ý kiến của DN. Ông thừa nhận với công tác hải quan, thông quan hàng hóa, vấn đề mất rất nhiều thời gian nhất là trong 38%/7 triệu lô hàng xuất khẩu phải chịu sự kiểm tra về độ an toàn thực phẩm.
“Sự kiểm tra là cần thiết, nhưng theo nhận định của chúng tôi, mặc dù mất thời gian nhiều nhưng vẫn chưa đưa lại sự an tâm cho DN, người dân, chưa phù hợp với yêu cầu thị trường, thời gian lưu kho quá lâu. Giữa tháng 9, Bộ Tài chính đã gửi công văn lên Chính phủ và Chính phủ đã lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi ban hành các sản phẩm cần kiểm tra hàng hóa…” - Thứ trưởng cho biết.
Cùng chung bức xúc với Cty TNHH An Đô, đại diện Cty CP Thương mại Citycom cho biết, hiện tại với chi phí kiểm tra liên ngành mất khá lớn trong chi phí của DN và đề nghị đối với hàng hóa thường xuyên nên giảm tần suất kiểm tra liên ngành.
Thứ trưởng Tuấn thẳng thắn: “Đối với việc kiểm tra chuyên ngành, chúng tôi đồng tình với việc những hàng hóa nhập khẩu trực tiếp (tức là sản phẩm thép mà trong nước chưa sản xuất được để phục vụ chế tạo) thì giảm tần suất và yêu cầu, còn đối với những mặt hàng khác thì vẫn giữ nguyên”.
Liên quan đến ý kiến của DN về cơ sở dữ liệu về giá, đến việc cấp giấy phép tự động 5 ngày, một cửa quốc gia, Thứ trưởng Tuấn cũng giải đáp thỏa đáng chung cho DN…
“Chúng tôi rất vui mừng vì DN nhỏ như chúng tôi cũng được quan tâm…” - một DN chia sẻ tại hội nghị. Không khí cởi mở, thẳng thắn tràn ngập trong giờ giải lao khi Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn gợi hỏi vướng mắc của DN, nhiều DN thẳng thắn trả lời muốn được trình bày và giải đáp trong hội nghị…
Trên 90% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử
Tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, đến ngày 20/10/2015, hệ thống khai thuế điện tử đã triển khai cho 63 tỉnh, TP với trên 506.000 DN, đạt tỷ lệ 98,95% so với tổng số DN đang hoạt động thực hiện khai thuế qua mạng. Một số Cục Thuế đạt tỷ lệ cao như Cục Thuế TP.Đà Nẵng: 100%, Cục Thuế TP.Hà Nội: 99%, Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh: 99%...
Đến hết tháng 10/2015, tổng số DN đã đăng ký nộp thuế điện tử qua cổng của Tổng cục Thuế là 457.504 DN, đạt trên 90% DN đang hoạt động. Một số Cục Thuế đã đạt kế hoạch 90% số DN đăng ký sử dụng dịch vụ như: Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Nghệ An, Bắc Ninh…
Ông Tuấn cho biết, trong 1 năm qua, chính sách thuế đã có những sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước, xu thế thế giới nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế. Với các giải pháp đã triển khai thực hiện, tổng số giờ nộp thuế của DN đã giảm được 420 giờ. Hiện Bộ Tài chính đang chỉ đạo Tổng cục Thuế đẩy mạnh triển khai nộp thuế điện tử trên phạm vi cả nước, giải pháp này sẽ giảm được trên 10 giờ nộp thuế cho DN.