Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, năm 2016 “Trung ương (T.Ư) cần chuyển động mạnh mẽ thì địa phương mới chuyển động được, không để kéo dài tình trạng chuyển động “giảm dần” trong CCHC”.
Tán thành quan điểm này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các bộ, ngành cần chỉ đạo công tác CCHC xuyên suốt từ T.Ư đến địa phương theo ngành, hệ thống dọc đến tận cán bộ trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân để công tác CCHC tốt hơn trong năm 2016.
Ghi nhận ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo và kết quả công tác năm 2015, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, CCHC trong đó đột phá là cải cách TTHC, trọng tâm là cải cách công vụ, đã góp phần đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch, chống tham nhũng và phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh dù vẫn còn tình trạng nợ văn bản hướng dẫn, TTHC rườm rà, phức tạp, tạo điều kiện cho cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, chậm ban hành một số quy định quản lý công vụ, công chức, cải cách bộ máy chưa đạt yêu cầu…
Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu năm 2016 tiếp tục triển khai đồng bộ công tác CCHC, trong đó cần đẩy mạnh trách nhiệm người đứng đầu về CCHC. Các bộ, ngành, địa phương phải ban hành kế hoạch CCHC để phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá.
Triển khai Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương chú ý nguyên tắc phân cấp, ủy quyền T.Ư – địa phương, bãi bỏ những quy định bất hợp lý để khắc phục những tồn tại trong bộ máy, tổ chức nhà nước. “Cần nghiên cứu mô hình bộ quản lý đa ngành cho hiệu quả. Chứ giờ một vấn đề mà mấy bộ quản lý nhưng giao cho một bộ được không thì vẫn còn lúng túng”, Phó Thủ tướng gợi ý.
Đồng thời cần tăng cường thanh, kiểm tra công vụ, minh bạch thủ tục, kiên trì mục tiêu cải cách đáp ứng yêu cầu hội nhập, bảo đảm quyền công dân trong tất cả các lĩnh vực. Nâng cao hiệu quả mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông”.
Nhấn mạnh đến tính quyết định của yếu tố con người trong CCHC, Phó Thủ tướng cho rằng, “CBCC phải là công bộc, phục vụ tốt hơn, thái độ phải tốt hơn” nên phải xây dựng chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân với các dịch vụ công. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ công lập… vì bộ máy không thể gánh hết được.