Mỗi năm khai thác 400 nghìn tấn muối
Mặc dù sản lượng muối được khai thác rất nhiều, nghề muối cũng là ngành nghề lâu đời, muối hồng cũng xuất hiện trên khắp các thị trường sành ăn trên thế giới như Trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu… nhưng trong lịch sử hàng thế kỷ, nghề làm muối hồng tại Pakistan thu được rất ít lợi nhuận.
Theo tờ Business Insider (Mỹ), vấn đề nằm ở chỗ người Pakistan vẫn chưa có những công nghệ để chiết xuất muối tinh khiết từ những khối đá muối thô khổng lồ từ mỏ muối. Hầu hết mọi công việc khai thác muối hồng ở mỏ Khewra đều được thực hiện thủ công. Theo một hướng dẫn viên người Pakistan tên Asif Chauhan, khu mỏ Khewra có tổng cộng 17 tầng, trong đó có 11 tầng nằm dưới lòng đất. Có khoảng 300 thợ mỏ làm việc trong những căn hầm tối. Trong hơn một thế kỷ qua, những công cụ thợ mỏ sử dụng chủ yếu chỉ là cuốc chim, máy khoan cầm tay và thuốc súng.
Đầu tiên, tại ga xe lửa Khewra ở tầng mặt đất, những người thợ mỏ được đưa sâu vào trong lòng núi, còn đường hầm có thể kéo dài tới 40 km để đến điểm khai thác. Những người thợ mỏ dùng máy khoan cầm tay để đục lỗ trên những bức tường đá muối. Sau đó, họ bọc thuốc súng vào trong những bao nhỏ, nhét chúng vào những cái lộ và châm ngòi từ xa.
Trước khi phát nổ, những người thợ sẽ hét lên “Khabardar!” (Hãy coi chừng!) để thông báo mọi người tránh xa khỏi khu vực nguy hiểm. Một tiếng nổ vang vọng khi những tảng đá muối đổ xuống. Sau đó, để an toàn, nhóm thợ mỏ thường phải đợi nửa tiếng trước khi vào thu hoạch những khối đá muối thô. Họ ném vào một chiếc xe đẩy để vận chuyển chúng lên mặt đất.
Một công nhân ở mỏ muối Khewra. |
Đáng nói, lượng muối trên núi được khai thác một cách cẩn trọng để không phá huỷ những cấu trúc cột trụ đá chống đỡ các căn hầm mỏ không bị sụp đổ. Máy kéo vận chuyển những khối muối đã khai thác ra khỏi núi. Mỗi ngày, sản lượng muối thô ước tính lên tới hơn 1.000 tấn.
Theo chia sẻ của Muhammad Qamar (một thợ mỏ làm việc ở Khewra) với tờ Business Insider: “Các thợ mỏ sẽ làm 8 tiếng hàng ngày. Môi trường làm việc trong hầm mỏ sâu từ 9-12 mét dưới lòng đất rất khắc nghiệt, nhưng ít nhất chúng tôi được trả lương cao hơn những nghề thủ công khác và đúng hạn”.
Đá muối thô có thể được vận chuyển trực tiếp đến những người mua có nhu cầu hoặc được đưa đến các nhà máy sơ chế. Tại đây, những người công nhân ném đá muối hồng vào một chiếc máy xay khổng lồ, đến khi muối bột bắn ra và lấp đầy các bao tải nặng khoảng 24 kg để đóng gói.
Quá trình này khiến không khí đậm đặc bụi mịn, muối mặn dính bết trên tóc, quần áo và thậm chí cả lông mi của những người lao động. Sau đó, các công nhân vác những bao tải chất đầy muối thô lên xe tải để vận chuyển đi nơi khác.
Có thể thấy, phương pháp khai thác và sơ chế muối hồng ở Pakistan vừa thủ công vừa nguy hiểm. Tuy nhiên, vì họ chỉ có thể bán đá thô hoặc muối thô cho các nước khác, trước đây chủ yếu là Ấn Độ, nên lợi nhuận từ ngành này rất thấp. Kể cả khi muối hồng Himalaya có thể được bán với giá gấp 20 lần các loại muối khác trên kệ thực phẩm tại các chuỗi siêu thị lớn ở các nước giàu có, số tiền đó không hề quay trở lại với những người thợ mỏ hay các nhà khai thác muối ở Pakistan. Được biết, dù công việc có tính chất nguy hiểm cao, trung bình mỗi người thợ mỏ Khewra được trả ít hơn 1.500 rupee, tương đương khoảng 463.000 VND mỗi ngày.
Điều kiện làm việc ở mỏ muối hồng nơi đây rất khắc nghiệt. |
“Mỏ vàng” bỏ ngỏ ở Pakistan
Ngoài sản phẩm muối, những khối đá muối có hình dạng và màu sắc đẹp còn có thể cắt gọt thành các sản phẩm khác để xuất khẩu. Chia sẻ với Đài Phát thanh Công cộng quốc gia Mỹ (NPR), Niaz Hussain Siddiqui, một nhà xuất khẩu muối thành phẩm của Pakistan, chỉ ra những mặt hàng chủ yếu mà công ty ông xuất khẩu sang Mỹ là: gạch lát phòng spa, đĩa sushi và ly rượu tequila. Sau khi kiểm tra chất lượng đá muối, những nghệ nhân chế tác sẽ gọt giũa tạo hình, lắp thêm bóng đèn và đế gỗ để tạo ra những chiếc đèn xinh đẹp.
Siddiqui nói: “Chúng được gọi là khối Zen ở Mỹ. Những nhà bán lẻ ở Mỹ bán những khối đèn đá với giá 16 USD, tương đương với giá bán gần nửa tấn muối thô mà các công ty Pakistan nhận được”. Công ty của Siddiqui xuất khẩu từ 10.000 đến 15.000 đèn muối hàng tháng. Ông cho biết, nếu chính phủ Pakistan có thể xây dựng thương hiệu quốc gia gắn với muối hồng, khách hàng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho sản phẩm này, đồng thời cũng khiến nhu cầu với muối mỏ tăng lên. Siddiqui chia sẻ: “Nếu chúng tôi có thể đạt được điều đó, tôi nói với bạn, đây là một thế giới khác - một thế giới, nơi mà muối hồng Himalaya trở thành niềm tự hào của người Pakistan”.
Các sản phẩm đèn chế tác từ đá muối hồng Khewra. |
Trong một lịch sử dài lâu, Pakistan không thể tinh chế muối hồng thô, vì vậy phần lớn muối được xuất khẩu sang Ấn Độ với giá rẻ. Đài NPR cho biết rằng một tấn muối bán cho Ấn Độ với giá 40 USD có thể thu về 300 USD từ người mua châu Âu. Nhưng không chỉ vấn đề công nghệ nghèo nàn, rất ít nhà sản xuất muối ở Pakistan có thể nói được tiếng Anh để phá bỏ rào cản ngôn ngữ. Đồng thời, họ thường khó thể đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt của Châu Âu. “Chỉ cần một sợi tóc, toàn bộ lô hàng có thể bị trả lại”, một nhà sản xuất tại Pakistan cho hay.
Hiện nay, chỉ có khoảng trên dưới một chục nhà xuất khẩu muối hồng ở Pakistan thấy được cơ hội có thể bán trực tiếp sản phẩm của mình sang châu Âu với nhãn “made in Pakistan”. Muhammad, chủ công ty Himalayan Decor International, mua về 300 tấn muối mỏ mỗi tháng để chế tác ra những sản phẩm nội thất trang trí. Khoảng 80% thành phẩm của công ty này được xuất khẩu chủ yếu sang các nước phương Tây như Mỹ, Anh và Tây Ban Nha – nơi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm có nhiều lợi ích về sức khoẻ.
Tảng đá muối thô vừa được khai thác. |
Còn với công ty RM Salt Pakistan, CEO Waqas Panjwani cho biết họ có thể tinh chế muối ăn từ đá muối thô với công suất 1000 túi muối hồng 1 kg mỗi giờ. Theo Waqas Panjwani, có ba màu muối được tinh chế từ muối thô Khewra, màu trắng có natri clorua, màu hồng có magiê và màu đỏ có sắt; 98% trong số muối thô sẽ là natri clorua, có vị giống như muối biển. Theo đó, giá của một túi muối hồng 1kg bắt đầu từ 0.60 USD cho một nhà sản xuất, nhưng được bán với giá 9 USD trên thị trường bán lẻ.
Nhiều doanh nghiệp muối ở Pakistan đánh giá nhu cầu về muối hồng đang tăng lên từng ngày trên toàn thế giới, nhìn từ doanh số bán hàng của họ. Theo đó, cho đến nay, chỉ có khoảng 220 triệu tấn muối mới được khai thác ở mỏ muối Khewra - một con số chưa thấm vào đâu so với khoảng 6,7 tỷ tấn còn lại. Tuy vậy, dù muối hồng có một lịch sử dài lâu và được coi là thứ tài nguyên quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước Pakistan, khai thác tối đa tiềm năng của nghề muối, nâng cao điều kiện và chất lượng môi trường làm việc của những lao động làm muối vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.