Gần bốn thập kỉ sống trong cảnh “tự cung tự cấp” tránh xa lối sống hiện đại, năm 2013, ông Thanh và con trai được chính quyền đưa về đoàn tụ cùng gia đình. Trở về môi trường mới, hai cha con ông đã bắt đầu hòa nhập nhưng vẫn không nguôi nhớ rừng.
Cuộc sống trong rừng sâu
Ông Hồ Văn Thanh (SN 1932) vốn là người đàn ông bình thường ở ngôi làng nhỏ thôn Trà Kem, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi. Trong một lần Mỹ ném bom xuống ngôi làng khiến người thân của ông thiệt mạng.
Hoảng sợ, ông Thanh ôm đứa con là Hồ Văn Lang (SN 1968) trốn vào rừng sâu. Không liên lạc với bất kì ai, ông lão và con trai sống hoang dã. Tìm một cây cổ thụ giữa rừng sâu, ông Thanh dựng lều để ở và tránh thú dữ. Dân làng từ đó không ai hay biết tung tích ông Thanh.
Ban đầu sức khỏe Hồ Văn Thanh rất yếu |
Hai cha con “người rừng” mặc khố làm từ vỏ cây, học săn bắt, trồng ngô, tìm thức ăn và rau dại trong rừng. Họ ăn bất kì con vật nào bắt được như cá, dơi, rắn, chuột. Nhặt những mảnh bom, vỏ đạn cha con người rừng đã gò thành xoong nồi, tự rèn dao rựa, dùng đá đánh lửa để nấu chín thức ăn.
Theo lời kể của người con, trong rừng họ ăn khoai lang với rau rừng, hiếm khi được ăn cơm. Ở rừng không có muối, bột ngọt nên chỉ hái ớt bỏ vào khi nấu cơm. Mùa mưa phải đào khoai tích trữ.
Ngoài rừng lạnh, hai cha con phải mang theo lửa cầm trước mặt để giữ ấm. Không có quần áo, cả hai đóng khố, thấy thân cây mặc. Khi gió mạnh quá, hai cha con phải vào chui vào hang đá to núp.
Suốt nhiều thập kỉ trôi qua, sống giữa “rừng thiêng nước độc” nhưng họ không gặp vấn đề nào lớn về sức khỏe. Anh Lang nhớ lại mỗi lần ốm thì đi hái lá thuốc trong rừng về xông, hay đào củ ma gan về nấu uống, bị rắn cắn lấy mật ong rừng với củ nghệ xoa lên.
"Người rừng" Hồ Văn Lang |
Cuộc sống săn bắt hái lượm sống qua ngày, với dụng cụ đơn giản như dao, rựa cha con “người rừng” bẫy được con thú nhỏ như khỉ, heo, chồn. Những khi bẫy được con thú lớn thì họ mổ bụng tại chỗ mang về luộc, đem sấy khô treo lên bếp ăn dần. Mỗi khi thấy người lạ hai cha con đóng kín cửa.
Hòa nhập với cuộc sống hiện đại
Cho đến một ngày có người đi rừng phát hiện ra hai cha con liền báo với chính quyền địa phương. Ngày 7/8/2013, nhóm cán bộ khoảng 10 người huyện miền núi Tây Trà, phải mất 5 giờ trèo đèo lội suối đã tìm thấy hai cha con “người rừng”.
Lúc này, ông Thanh bị ốm, người con trai sợ hãi nhưng không dám bỏ chạy. Đoàn người phải “áp tải” họ về để chăm sóc, bàn giao cho người thân. Nhiều ngày sau đó, sức khỏe ông Thanh rất yếu không ăn miếng cơm nào. Còn người con thái độ sợ sệt, lạ lẫm. Họ trao đổi bằng ngôn ngữ riêng.
Nhiều lần gia đình báo với chính quyền vì thấy anh Lang có ý định quay trở lại rừng. Chính quyền phải cắt cử người canh chừng, đề phòng anh này chạy trốn bất ngờ. Người thân phải tập cho Lang từ mặc quần áo vải, đến thức ăn có muối.
Dụng cụ hai cha con người rừng tự chế tác |
Dần dà, hai cha con ông Thanh thích nghi được với cuộc sống hiện tại. Đầu tiên, người con hốt hoảng khi nghe tiếng xe máy nhưng sau đó tỏ ra thích thú. Tuy nhiên nhiều người hiếu kì kéo đến xem “người rừng” khiến cha con họ trở nên lạc lõng.
Ai cũng muốn tận mắt sờ nắm những vật dụng mà cha con người rừng đã tự chế tác như khố, áo vỏ cây, xoong nồi, rìu rựa như thời đồ đá vốn lâu nay chỉ thấy qua phim ảnh, trong các bảo tàng.
Tiếp xúc với “người rừng” một nhiếp ảnh gia nước ngoài nhận định Lang có nhiều hành động giống đứa trẻ. Anh không có khái niệm thời gian, chỉ biết ngày và đêm. Lang cũng không biết đến nguồn năng lượng nào khác ngoài lửa và mặt trời.
Thời gian sống trong rừng, cha con Lang chỉ bị cảm cúm và đau bụng một vài lần. Nhưng trở về cuộc sống đời thường, họ lại bị nhiễm vi khuẩn và vi rút. Những loại nhiễm khuẩn này người dân trong làng vốn đã có khả năng miễn dịch.
Để thích nghi với cuộc sống văn minh, họ phải mất một thời gian khá dài. Trong khi ông Thanh chỉ quanh quẩn ở nhà thì người con vẫn luôn nhớ về cuộc sống ở rừng. Mặc dù được chính quyền xây nhà, nhập hộ khẩu nhưng anh Lang vẫn lên đỉnh núi làm rẫy và ít khi về nhà. Mỗi khi đi anh mang theo vài bộ quần áo, ít nước suối và 5 kg gạo.
Cha con ông Thanh hòa nhập với cuộc sống hiện đại |
Không nói được tiếng Kinh, anh Lang chỉ bập bẹ tiếng Kor - thứ ngôn ngữ của đồng bào vùng cao Tây Trà. Nhờ chăm chỉ làm rẫy, anh mang được lúa, khoai, mỳ về nhà. Người đàn ông đã biết nấu nướng, tự chăm sóc bản thân và đang dần hòa đồng với mọi người hơn.
Chia sẻ cuộc sống cá nhân, Lang nói đôi khi nghĩ đến lập gia đình nhưng tự nhận đã già nên không ai thèm lấy. Sau 4 năm, “người rừng con” đã có phần dạn dĩ hơn.
Anh Hồ Văn Tri, con trai út của ông Thanh cho biết hiện nay bố đã thoát rừng khá lâu nhưng vẫn chưa nguôi ngoai nỗi nhớ về căn chòi “tổ chim” của mình. Nhiều đêm, ông lão vẫn bỏ ra chòi chất củi ngồi hay vót chông đi quanh vườn tìm chuột. Thậm chí, “người rừng” này còn định đào hố chôn cây làm chòi nhưng bị con trai ngăn cản.
Sở thích của ông Thanh là xem sách, chuyện tranh nói về rừng núi và xem ti vi không biết chán. Ông ít ra ngoài, không giao lưu với người lạ.
(Còn nữa)