Bên bếp lửa bập bùng, già Guông (SN 1942, ngụ làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kom Tum) trầm giọng kể lại: “Cách đây vài chục năm, già của tôi (cha của già Guông-PV) là một trong những người đã trực tiếp nhìn thấy “người rừng không đuôi”…”
Đó là một buổi sáng tinh mơ, già cùng mấy thanh niên làng chuẩn bị đi đến khu rừng có những bụi song (mây), lượm cây tốt nhất về làm đồ dùng sinh hoạt thì nghe thấy những tiếng hú lạ. Tiếng hú vang vọng cả cánh rừng nhưng không giống tiếng con người, cũng không phải tiếng của thú rừng.
Sau một hồi lâu lần mò, rẽ rừng mà đi, cả nhóm đã tiến sát về nơi phát ra tiếng hú. Xuất hiện trước mắt họ là một nhóm bốn, năm con vật lạ, chúng đang ở giữa bãi song rừng. Chúng có mặt hao hao giống người, vóc dáng nhỏ bằng một thiếu niên Rơ Mâm, cao khoảng hơn một mét, người có lông màu xám, không có đuôi. Điều đặc biệt là chúng đi bằng hai chân như con người, dùng tay để trẻ cây song rừng lấy lõi ăn.
Nuôi “sinh vật lạ”
Sau vụ “giáp mặt” người rừng không đuôi ở bãi song, cả nhóm người Rơ Mâm bỏ chạy bán sống bán chết. Về đến tận làng họ mới biết mình may mắn thoát nạn. Chẳng ai bảo ai, nhưng tất cả đều tụ tập ở nhà già làng để báo cho người đứng đầu làng Le biết. Già làng nghe xong liền tiến hành họp cả làng để báo cho già trẻ lớn bé làng Le biết.
Để tránh chuyện xấu xảy ra, già làng còn dặn dò, từ nay khi mọi người đi rừng phải tránh xa khu có những cây song. Đàn bà con gái vô rừng phải đi từng nhóm, có trai làng đi theo và mang theo vũ khí.
Trong nhóm người đi cùng phải có người mang theo tù và (vật dụng báo động của người dân tộc Tây Nguyên - PV), phòng khi phát hiện ra đám con vật lạ kia sẽ báo động cho cả làng biết và có biện pháp ứng phó kịp thời.
Không lâu sau đó, dân làng Rơ Mâm lại được một phen bàn ra tán vào về chuyện một người đàn bà dân tộc Jrai, sống độc thân ở làng bên cạnh đi rừng Chư Mom Ray bắt được một con thú lạ. Con thú ấy chỉ nhỏ bằng cái bắp chuối, có hình thù giống người nhưng lại… không có đuôi. Người đàn bà này đem nó về nhà nuôi nhưng nó chỉ khóc, dỗ thế nào cũng không chịu nín, nó cũng không chịu ăn cháo bắp, cây măng.
Một lần bà này đem con vật lạ ra suối tắm thì thấy nó chộp lấy con nhái ăn ngấu nghiến, nó còn gặm cả ốc suối nữa. Sau một thời gian, con vật lạ này lớn rất nhanh, nhưng nó chén sạch đàn gà của chủ nhà. Nó còn hú về đêm, tiếng hú nghe ghê rợn khiến cả làng Jrai hoảng sợ. Trước áp lực của người dân, sáng hôm sau bà này đã phải gùi lên rừng, thả cho nó đi.
Lời đồn “người rừng” ăn thịt sống
Cũng theo già Guông, cho đến nay, mặc dù cây rừng đã bị lâm tặc tàn phá nhiều, đường xá, giao thông cũng thuận tiện hơn, thế nhưng trong rừng già Chư Mom Ray, trên núi cao vẫn còn nhiều hang sâu, dưới vực thẳm vẫn còn những con suối chưa có người đặt chân đến.
Chỉ cần đi sâu một chút vào rừng sẽ bắt gặp rất nhiều con thú như sóc, thỏ, nai lởn vởn chạy qua ngay trước mặt. Trong rừng cũng có các loại cây quí hiếm có tuổi hàng trăm năm như giáng hương, cẩm lai, gụ, căm xe, sao xanh xuất hiện rải rác ở khắp nơi, nhiều gốc to đến mức cả mấy vòng tay người ôm.
Già Guông nhớ lại, trong khi sự việc “người rừng không đuôi” xuất hiện giữa rừng nguyên sinh vẫn còn đang nóng hổi khiến người đồng bào Rơ Mâm ở làng Le nơm nớp lo sợ thì không lâu sau đó có hai người dân trong làng đi rừng không thấy trở về. Cả làng Le đã đốt đuốc đi tìm mấy ngày liền nhưng vẫn không thấy tăm hơi.
Hàng loạt cuộc họp đã diễn ra ở nhà rông, với hàng loạt ý kiến khác nhau. Trong đó, một người phát biểu được cho là hợp lý và có nhiều người tán thành nhất là hai người mất tích đã bị “người rừng không đuôi” bắt mất. Cũng có người thắc mắc, nó bắt để làm gì? “Người rừng” có thể ăn con nhái, ăn con gà thì cũng có thể ăn con người được”, một người suy luận. Chắc là vậy, mọi người gật gù tán thành.
Người Rơ Mâm ở Làng Le vẫn còn giữ được những phong tục truyền thống |
Thế là luồng thông tin “người rừng không đuôi bắt con người về ăn thịt” được lan truyền rộng rãi, ai cũng cho rằng như thế là hợp lô-gic. Sự mất tích bí ẩn của hai người trong làng càng làm cho dân làng Le hoang mang, lo lắng. Sau bữa đó, không một người dân làng Le nào dám bén mảng lên núi Chư Mom Ray nữa. Khi mặt trời vừa xuống núi, nhà nào, nhà nấy then cài, cửa đóng. Đám người lớn không dám ngủ, đốt lửa trông trẻ con cho đến sáng.
Sự việc còn tệ hại hơn khi những con vật trong nhà như gà, dê, lợn bỗng dưng bị mất sạch với những vệt máu dài. Thế là, dân làng đinh ninh thủ phạm của những vụ bắt gà, lợn chính là “người rừng không đuôi”. Chẳng còn ai dám nuôi con vật gì nữa.
Buôn làng khi ấy vắng hẳn những con vật nuôi. Già làng họp dân và đề ra phương án, ban ngày cắt cử một đám thanh niên tự vệ trông trẻ con ở nhà rông, đêm đến một đám khác đốt lửa bảo vệ làng. Cũng thật lạ, từ đó người dân làng Le không còn thấy gì bất thường nữa. Buôn làng trở về những tháng ngày bình yên.
Thời gian trôi qua, chuyện về “người rừng không đuôi” cũng lắng xuống dần. Dân làng Le lại rủ nhau vào rừng hái măng, nhưng không ai dám đi một mình. Cũng không ai còn gặp người rừng nữa. Nhưng tất cả người dân làng Le vẫn tin ở đâu đó trong cánh rừng bạt ngàn kia vẫn có sự tồn tại của “người rừng không đuôi” với lời đồn bắt con người về ăn thịt.
Theo dấu người rừng
Để hiểu rõ hơn những luồng thông tin xoay xung quanh “người rừng không đuôi”, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông A Dối (SN 1952, thôn trưởng làng Le, xã Mô Rai):
“Đúng là chuyện về “người rừng không đuôi” tồn tại trong đời sống văn hóa của của người Rơ Mâm chúng tôi từ nhiều đời nay. Người dân làng Le vẫn tin ở trong những cánh rừng bạt ngàn kia có sự tồn tại của “người rừng không đuôi”. Và họ tin tổ tiên của mình đã được gặp gỡ loài vật này. Tuy nhiên sự thật về sự tồn tại của “người rừng không đuôi” như thế nào thì vẫn còn đang được các nhà khoa học nghiên cứu và làm rõ”.
Còn chuyện “người rừng không đuôi” bắt con người về ăn thịt chỉ là suy đoán, không có bất cứ một bằng chứng cụ thể nào cả. Theo cá nhân ông A Dối thì rất có thể hai người làng bị mất tích trong rừng do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất là bị mất mạng do ngã xuống vực sâu, do hổ vồ, hoặc rắn độc cắn. Vì khu rừng quá rậm rạp nên không tìm thấy xác của họ.
Thứ hai là do họ không còn yêu thung lũng Mô Rai, không còn yêu đồng bào Rơ Mâm này nữa nên đã âm thầm rời làng đi. Sợ bị phát hiện nên họ đã chọn cách đi theo đường rừng.
Trên bản đồ địa lý, trong khu bảo tồn rừng Chư Mom Ray thì đỉnh Chư Nâm Rai có độ cao khoảng gần 1.800m. Khí hậu ở đây rất lạnh và từ sau chiến tranh đến giờ rất ít khi con người đặt dấu chân lên vì đỉnh núi này rất hoang sơ, có nhiều thú dữ và đặc biệt là có những đoạn dốc đứng nguy hiểm. Cũng vì khu rừng còn nhiều người chưa từng đặt chân đến cho nên có thể sự tồn tại của các loài vật quý hiếm giống với miêu tả của đồng bào nơi đây.
Trong khi các nhà khoa học vẫn còn đưa ra giả thiết với những nghi vấn từ những chứng cứ cụ thể thì câu chuyện về “người rừng không đuôi” của đồng bào Rơ Mâm vẫn đang được che phủ trong màn sương huyền thoại.