Bi kịch của những kẻ lụy tình
M. khá xinh xắn, thông minh, năng động và học rất giỏi. Du học ở Anh về, với tấm bằng loại ưu, cô vào làm Trưởng Phòng kinh doanh của một công ty nước ngoài với thu nhập khá cao. Nhưng dạo này M. thấy mình hay quên, không tập trung vào công việc, mệt mỏi, buồn chán lơ đãng. Qua người quen giới thiệu, cô tìm đến Phòng khám chuyên khoa tâm thần Bệnh viện - BV Bạch Mai.
Sau chút ngại ngùng ban đầu, cô chia sẻ gặp chuyện buồn về tình cảm. Trước khi sang Anh học thạc sỹ, M. yêu một bạn học được 6 năm. Trong thời gian du học, phần vì khoảng cách địa lý, phần vì thấy cả hai có những nét tính cách không hợp nhau nên cô quyết định chia tay người yêu. Tại Anh, M. quen và yêu một người Anh gốc Việt, làm Giám đốc điều hành một quỹ từ thiện.
Gia đình hai bên đã gặp mặt và chuẩn bị tiến tới hôn nhân, thậm chí M. có kế hoạch sang Anh để làm thủ tục đăng ký kết hôn nhưng khi cô trở lại Anh, thấy thái độ của người yêu, linh tính mách bảo có sự gì đó không lành. Chính vì thế, lẽ ra M. ở lại Anh một tuần nhưng cô về Việt Nam sớm hơn dự định trong tâm trạng buồn chán, đau khổ, tuyệt vọng... Nhiều lúc M đã nghĩ đến chuyện kết thúc cuộc đời mình để chấm dứt mọi đau khổ.
Cũng là chuyện buồn về tình cảm, nhưng T. lại ở hoàn cảnh và tâm trạng khác. Sau khi người yêu chủ động nói lời chia tay, T. đã chạy theo năn nỉ anh này quay lại với mình nhưng người cô yêu vẫn quyết “dứt áo ra đi”. Quá chán nản và tuyệt vọng, cô đã giải sầu bằng hơi men. Ngày nào T. cũng uống rượu, uống cho say, mong quên hết sự đời, cuối cùng cô trở thành “đệ tử” của “ma men”. Khi uống rượu vào cô trở thành người hoàn toàn khác (nóng nảy bất thường, đập phá đồ đạc, chửi cả bố mẹ, anh chị em...). Thấy các triệu chứng thất tình của T. ngày càng trầm trọng, gia đình buộc phải đưa T. vào bệnh viện tâm thần điều trị.
|
Họ cần được chăm sóc chu đáo. |
Kết hôn có khỏi “điên tình”?
M. và T. chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp bị stress về tình cảm dẫn đến những vấn đề về sức khoẻ tâm thần mà các bác sỹ chuyên khoa tâm thần, Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai, tiếp xúc trong quá trình thăm khám.
Theo các nhà chuyên môn, trong cuộc đời, không phải ai cũng được đáp lại tình cảm như mình mong muốn. Những vấn đề gặp phải do chuyện tình cảm là không thể tránh khỏi trong cuộc sống hàng ngày và nó là một yếu tố căng thẳng gây ra những vấn đề sức khoẻ tâm thần thường gặp như bệnh trầm cảm. Người bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, buồn chán, bi quan về tương lai, ngại tiếp xúc với mọi người, ăn kém không ngon miệng, ngủ ít hoặc mất ngủ hoàn toàn, có trường hợp ngủ nhiều.
Những trường hợp nặng không tiếp xúc với môi trường bên ngoài, không ăn uống, ngồi một mình, có hành vi huỷ hoại bản thân và nặng hơn nữa là ý tưởng hành vi tự sát. Hoặc bệnh lo âu, với biểu hiện hồi hộp, bồn chồn, lo lắng căng thẳng, không ngủ được, tim đập nhanh, vã mồ hôi, run chân tay; đứng ngồi không yên...
Cũng theo các chuyên gia y tế, thất tình có thể là yếu tố khởi phát một bệnh loạn thần sẵn có với những biểu hiện hoang tưởng ảo giác. Đối với trường hợp này thì sang chấn tâm lý chỉ là một giọt nước làm tràn ly, bởi căn nguyên chính vẫn là do căn nguyên nội sinh trong cơ thể người bệnh (do yếu tố di truyền).
Lạm dụng chất gây nghiện, với phản ứng là tìm đến các chất gây nghiện như rượu, bia, thuốc lá, cafe, những chất dạng thuốc phiện như morphin, heroin… hoặc có thể sử dụng những chất gây kích thích tâm thần như thuốc lắc hoặc “đập đá” (dẫn chất của amphetamine), cũng là một giải pháp mà những người thất tình lựa chọn. Việc sử dụng các chất kích thích dẫn đến rối loạn tâm thần với trạng thái loạn thần. Việc lạm dụng rượu dễ dẫn đến hoang tưởng, rối loạn hành vi, hội chứng sa sút trí tuệ, xơ gan, viêm gan. Đặc biệt, khi dùng các chất kích thích, hành vi của bệnh nhân bị rối loạn nặng, nếu không kiểm soát được có thể gây nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội.
Trong những trường hợp trên, bệnh nhân dễ bị kích động, đập phá, ảo giác, bỏ đi lang thang…, các biểu hiện mà mọi người thường gọi là “điên tình”. Nhiều người cho rằng, con em mình không phải bị sang chấn tâm lý mà là bị “ma làm”; thậm chí không ít người tin rằng “kết hôn sẽ khỏi”... Nhưng theo bác sỹ Trịnh Bích Huyền -Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, đó là quan niệm hoàn toàn sai lầm.
Bác sỹ Huyền cho biết, chính vì suy nghĩ thiển cận này, nhiều gia đình không đưa con em đi khám và điều trị, mà trông chờ vào các biện pháp mê tín dị đoan như cúng bái, bắt ma, trừ tà… “Đó là những phương pháp mù quáng, phản khoa học, không những không chữa được bệnh, mà còn dẫn đến thảm cảnh tiền mất, tật mang”, bác sỹ Bích Huyền khẳng định.