Theo như báo cáo của SOG, đây là những hoạt động hiệu quả đến cuối năm 1967, gây cho Bắc Việt Nam nhiều thiệt hại. Chương trình có tên gọi "vượt qua giới tuyến".
Chương trình "vượt qua giới tuyến"
Từ 1961, nhân viên lực lượng đặc biệt đã hỗ trợ nhiều đề án của CIA được triển khai theo chỉ thị của tổng thống Kenedy, bao gồm: Toán thu thập tình báo, biệt đội sơn cước và thám báo biên giới, và biệt đội không vận dân sự... có nhiệm vụ trinh sát hoặc tập kích các toán quân đối phương vượt qua biên giới hoặc thu thập tình báo ở Lào. Theo Bill Colby, trong giai đoạn đó (1961-1963) 41 điệp vụ được thực hiện.
Đại uý lực lượng đặc nhiệm Jerry Kinh đã kể lại trong một tài liệu, tháng 7/1962, một lần toán của Kinh gần như chạm trán với một trung đoàn bộ đội Bắc Việt Nam. May mắn và họ kịp tránh đi. Nhưng King đã nhìn thấy quân phục, phù hiệu và vũ khí. Không nghi ngờ gì nữa, đó là một trung đoàn chủ lực của miền Bắc. Đây là chứng cứ rõ ràng để năm 1962, CIA đánh giá Hà Nội có thể xâm nhập 1.500 bộ đội dọc theo đường mòn vào miền Nam trong vòng một tháng.
Tháng 3/1965, Mỹ tổ chức chiến dịch ném bom Rolling Thunder, ngăn chặn miền Bắc vận chuyển bộ đội và hàng hoá vào miền Nam. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân bắt đầu tiến hành hoạt động ngầm, vượt qua biên giới Việt – Lào giới tuyến sang Lào và giao nhiệm vụ này cho SOG. Đây là chương trình có tên gọi "vượt qua giới tuyến".
Khác với chiến dịch Leaping Lena, lần này nhân viên Mỹ sẽ lãnh đạo các toán thám báo. Theo kế hoạch, SOG vạch ra 3 giai đoạn hoạt động từ các điệp vụ thu thập tình báo ngắn ngày đến dài ngày hơn và phát triển thành đợt công tác lâu dài với nhiệm vụ tạo dựng nguồn chống đối.
Cuối mùa xuân 1965, Don Blackburn thay Russell giữ chức vụ chỉ huy trưởng của SOG. Blackburn nghĩ phải làm điều gì đó để "ngăn chặn dòng vận chuyển xuống phía Nam". Sau những phân tích, cuối cùng Blackburn quyết định đi Washington để vận động nới lỏng những quy định trong hoạt động của SOG, nhưng thất bại.
Toán All Star - các ngôi sao
Trong kế hoạch "Shining Brass", mật danh của hoạt động chống đường mòn trong Chương trình "vượt qua giới tuyến" của SOG có ba giai đoạn. Thứ nhất các toán thám báo được đưa vào Lào để tìm kiếm căn cứ, doanh trại, và kho hàng của quân đội Bắc Việt Nam. Khi đã phát hiện, các mục tiêu này sẽ bị không kích.
Giai đoạn hai liên quan đến việc triển khai lực lượng quy mô đại đội qua biên giới để tập kích các cơ sở của quân đội Bắc Việt Nam do các đơn vị thám báo phát hiện. Cuối cùng, người thiểu số ở địa bàn xung quanh đường mòn sẽ được tuyển lựa và trở thành hạt nhân chống đối cho các hoạt động dài hơi chống quân đội miền Bắc.
Đầu mùa hè năm 1965, SOG chủ trương thành lập một phòng mới có tên gọi OP35 làm nhiệm vụ chống phá đường mòn. Người được chọn là Bull Simon. Theo tính toán của Bull Simon, Việc miền Bắc mở rộng con đường tạo ra vô số mục tiêu cho các toán OP35 chỉ điểm để không kích.
Vào mùa thu 1965, Simon và Call chọn một trại giám sát biên giới của lực lượng đặc biệt ở Khâm Đức, chỉ cách Lào có 10 dặm làm địa điểm tập kết hoặc căn cứ hoạt động tiền tiêu (FOB) cho các toán thám báo. Tiếp đó Simon tìm kiếm một nhân viên điều hành tại Khâm Đức có tên là Đại uý Larry Thorne để lãnh đạo các toán thám báo "vượt qua giới tuyến". Các toán thám báo của SOG thường bao gồm 3 nhân viên Mỹ, 9 lính người dân tộc.
Ở giai đoạn đầu, số người này là người Nùng gốc Hoa. Họ là đối tượng lý tưởng cho các toán thám báo của SOG. Điều nực cười là chính phủ miền Nam lại coi họ không đủ tiêu chuẩn gia nhập quân đội Việt Nam cộng hòa. Ray Call tin là số người Nùng gốc Hoa này "là những chiến binh tốt hơn nhiều so với một người lính người Việt trung bình... và đã tuyển lựa số này và họ chiếm "đa số trong các toán thám báo".
Máy bay trực thăng của SOG tổ chức các hoạt động biệt kích. |
Hoạt động của các toán thám báo
Vào cuối 1965, năm toán thám báo: Iowa, Alaska, Idaho, Kansas và Dakota, được giao cho căn cứ Khâm Đức. Các toán thám báo chỉ được xâm nhập vào Lào bằng đường bộ và bị hạn chế trong việc vượt qua giới tuyến, cách khu phi quân sự 50 dặm về phía nam.
Nhận thấy chương trình OP35 có kết quả, năm 1966, Washingrton chỉ thị SOG tăng số điệp vụ và mở rộng hoạt động trên toàn tuyến biên giới 200 dặm. Simon phải tăng số toán thám báo từ 5 đến 20 và bổ sung một số đại đội phản ứng nhanh cho OP35. Nhiệm vụ của các đại đội này là tấn công các mục tiêu được các toán thám báo chỉ điểm.
Căn cứ hoạt động tiền tiêu thứ hai được lập tại Kontum, còn căn cứ Khâm Đức được chuyển về Phú Bài, ngay cạnh Huế. Từ đây, các toán thám báo của SOG có thể xâm nhập mục tiêu ở Lào từ vĩ tuyến 17 đến thung lũng ASầu, tức là khoảng một nửa chiều dài biên giới. Nửa còn lại sẽ do căn cứ mới tại Kontum, Tây Nguyên đảm nhiệm.
Việc xem xét chiến dịch Shining Brass cho thấy, nhiệm vụ chủ yếu vẫn là ngăn chặn đường mòn bằng các toán thám báo xác định mục tiêu cho không kích. Có thêm một số nhiệm vụ khác: "chộp", bắt cóc bộ đội đối phương. Mặc dù việc bắt giữ là rất khó, các tù binh có thể cung cấp tin tức tình báo cập nhật quý giá, ví dụ như ý đồ của một đơn vị cụ thể.
Các toán thám báo còn tiến hành đánh giá thiệt hại sau các vụ B52 rải bom ở Lào. Họ chụp ảnh và đếm số binh sĩ của đối phương bị chết. Các toán còn nghe trộm điện thoại, ghi âm các cuộc điện đàm, chủ yếu là từ trung tâm chỉ huy tới các đơn vị chiến đấu. Ngoài các toán thám báo, OP35 thành lập các đại đội phản ứng nhanh có nhiệm vụ chặn phá đường, phục kích và tập kích, ứng cứu các toán thám báo, phá hủy kho bãi.
Năm 1966, trung bình, OP35 tổ chức 30 điệp vụ/ngày, việc xác định mục tiêu cho không kích vẫn là nhiệm vụ chủ yếu. Ngoài ra, 68 điệp vụ hỗ trợ được thực hiện. Trung tá Jonathan Carney, sếp phó của OP35 năm 1967 khẳng định "chúng tôi gây thiệt hại cho miền Bắc... chúng tôi giết được nhiều người và buộc họ tiêu tốn nhiều năng lực để ngăn cản hoạt động của chúng tôi. Điều đó làm tổn hại đáng kể cho nỗ lực hậu cần của họ".
Bộ tư lệnh Thái Bình Dương và MACV cũng thấy như vậy và hối thúc có nhiều hoạt động hơn. Hà Nội cũng đã nhận ra và bắt đầu triển khai nhiều biện pháp đối phó để bảo vệ khoản đầu tư vào Lào của mình.
Tháng 5/1967, SOG nhận được chỉ thị tiến hành hoạt động qua giới tuyến ở Campuchia có mật danh Dannial Boong với mục đích "thu thập tình báo, chủ yếu là vùng ngã ba biên giới" Lào, Việt Nam và Campuchia. Từ 1/7 đến 31/12, 99 toán thám báo đã được đưa vào vùng ngã ba biên giới... 63 toán xâm nhập thành công vào Campuchia.
Nhìn chung, 1967 số lượng điệp vụ thành công tăng lên gấp đôi. Ở Lào, các toán của SOG phát hiện mục tiêu; còn ở Campuchia, họ cung cấp tin tình báo cho phép MACV hình dung ra bức tranh về hoạt động của Hà Nội. Tuy nhiên, thành công tăng lên kèm theo sự gia tăng của mất mát. Số lượng người Mỹ chết trong những điệp vụ này tăng từ 3 người năm 1966 lên 43 vào cuối 1967, 14 người khác bị mất tích.
Nhân viên của SOG thấy mình rơi vào cuộc hỗn chiến trên đường mòn với đối phương đông hơn nhiều lần. Đó là những gì mà Trung úy George Sislers đối mặt trong một điệp vụ đánh giá kết quả không kích tháng 1/1967. Vừa đổ bộ xuống Lào, toán của Sisler bị một đại đội tấn công. Tình thế nhanh chóng trở nên tuyệt vọng. Sisler vừa đẩy lùi các cuộc tấn công vừa hoa tiêu cho trực thăng đến cứu hộ. Cuối cùng Trung úy Sisler đã chết trong trận chiến”.
Năm 1968, cũng là bước đáng nhớ của SOG. Việc Johnson sẵn sàng chấp nhận điều kiện của Hà Nội có nghĩa hoạt động chống phá miền Bắc của SOG bị chấm dứt. Hoạt động ngầm chống phá đường mòn tại Lào và Campuchia cũng chịu tác động trong năm 1968.
Trong sáu tháng đầu năm, các toán biệt kích và lực lượng hỗ trợ được triển khai chủ yếu bên trong biên giới của Nam Việt Nam để hỗ trợ lực lượng Mỹ đẩy lùi cuộc tấn công Mậu Thân. Sau khi đã yên ổn, OP35 tái tập trung vào bên kia biên giới và nhận thấy tình hình ở đó đã khác hẳn. Những lợi thế chiến thuật họ từng tận dụng không còn nữa do Hà Nội triển khai nhiều biện pháp đối phó.
Trong hai năm, các toán của SOG đã sử dụng yếu tố bất ngờ, đánh lạc hướng, kỹ xảo hoạt động để chiến thắng quân đội miền Bắc trên đường mòn. Tuy nhiên, vào năm 1968, theo lời của một cựu toán trưởng, "sự phòng thủ của đối phương tại Lào" đã trở nên "dày đặc, nhiều tầng lớp và có chiều sâu”. Hà Nội biết rằng họ không thể duy trì chiến tranh ở miền Nam nếu không được sử dụng liên tục con đường mòn và đã triển khai các biện pháp để bảo vệ...