Năm 1968, sau chiến dịch Mậu Thân, hoạt động đánh phá bờ biển ở miền Bắc của SOG không đáng kể. Mãi sau này, qua các tài liệu được giải mã và công bố, dư luận mới biết, nguyên nhân thất bại của chương trình OP37 này.
Báo cáo láo vì... thưởng
Trước đó, năm 1966, NAD thực hiện "126 điệp vụ chính, 56 điệp vụ phụ", gần tương đương như năm 1965. Sang năm 1967, OP37 thực hiện 174 điệp vụ, trong đó 125 hoàn thành, 19 bị bỏ dở do thời tiết và 7 do thương vong hoặc hỏng phương tiện.
Theo đánh giá của SOG sau này, hoạt động có hiệu quả nhất được tiến hành trên biển là Kế hoạch 34A, là các điệp vụ ngăn chặn, chống tàu thuyền miền Bắc ở vùng biển ven bờ của PTF. Họ đã bắt giữ 353 người đưa đến đảo Thiên Đường, trong đó 352 người được đưa trở về; 2.000.000 truyền đơn được rải bằng súng cối, 60.000 gói quà được phân phát, 2.600 đài thu thanh được đưa ra miền Bắc, 86 tàu thuyền bị phá huỷ và 16... bị hư hại.
Một nguyên nhân khiến OP37 bị giảm quy mô, dừng hoạt động vì cơ chế sử dụng các toán biệt kích người Việt có lỗ hổng. Một biệt kích không cần phải thực hiện thành công một vụ tập kích mà vẫn nhận được tiền thưởng, dù không cần phải đặt chân lên lãnh thổ miền Bắc, chỉ cần bắn chìm thuyền của miền Bắc, kể cả thuyền thúng cũng được thưởng.
Đặc biệt, do không quy định cụ thể diệt được loại mục tiêu nào là được thưởng nên vô tình tạo “cơ hội” cho các biệt kích người Việt …báo cáo láo, tiêu diệt cả thuyền đánh cá của ngư dân. Nonam Olson, Chỉ huy NAD từ năm 1967 kể, đại đa số thuyền bị bắn chìm chỉ là thuyền đánh cá; còn Pat Carothers, Phó chỉ huy của NAD phụ trách hoạt động năm 1966 thông tin, các thuyền có kích cỡ nhỏ hơn thuyền đánh cá, là thuyền thúng đường kính 5 feet (1,5m) cũng bị tiêu diệt để lĩnh thưởng.
Thêm nữa, các thuyền viên và biệt kích không muốn đụng độ với đối phương. Trainor, chỉ huy OP37 kể, nếu không có người Mỹ đi cùng trong các điệp vụ xâm nhập lãnh thổ miền Bắc, các toán biệt kích sẽ dứt khoát không thực hiện mệnh lệnh...
Tháng 8/1966, Trung tá Pat Carothers thay Trainor và đã kể rằng, 5 chiếc PTF bị đối phương phá huỷ, làm cho thuyền trưởng và thuỷ thủ càng ngại ngần về các phi vụ xâm nhập, đánh phá miền Bắc từ phía biển.
Lính đặc nhiệm SEAL hoạt động tại chiến trường miền Nam Việt Nam. |
Còn Bob Terry, chỉ huy OP37 ở giai đoạn này, kể: Các hoạt động tập kích lên bờ, đụng độ trực tiếp với lực lượng đối phương hoặc bắt cóc cũng không có nhiều thành công Tại sao? Terry giải thích: Vì miền Bắc “có cơ quan an ninh liên thông rất hữu hiệu; một khuôn mặt lạ sẽ không tồn tại được lâu”. Các toán biệt kích người Việt biết việc này, do vậy "không hào hứng đi ra ngoài đó".
Năm 1968, hoạt động tập kích ven bờ vào miền Bắc gần như đã ngừng lại chủ yếu vì miền Bắc phòng thủ quá chặt chẽ, gây nhiều khó khăn. Như vậy, hoạt động chống phá đường biển vào các mục tiêu ở Bắc Việt Nam đã không đạt mục đích và kỳ vọng như trong kế hoạch của chương trình OP37 mà SOG đã đề ra. Có thể nói, “mũi dùi” chống phá miền Bắc của SOG từ hướng biển đã bị gẫy.
“Tân binh” CORDS
Không chấp nhận thất bại này, SOG chuyển hoạt động sang một hướng khác sau khi nhận thấy các hoạt động của quân chủ lực miền Bắc xâm nhập vào miền Nam từ hướng biên giới Lào, Campuchia ngày càng nhiều.
SOG triển khai các toán thám báo thực hiện hoạt động ở miền Nam, chống các cơ sở của (hoặc nghi ngờ) của Việt Cộng cũng như các mục tiêu quân sự của quân đội miền Bắc và Việt Cộng dọc theo bờ biển của vùng 1 chiến thuật, có cố vấn Mỹ đi kèm. Việc này cải thiện tỷ lệ thành công của các toán biệt kích vì nhân viên thám báo của thuỷ quân lục chiến hoặc SEAL có thể lãnh đạo, hỗ trợ cho họ.
Theo Olson, việc đưa các toán biệt kích ra thực địa là để tìm hiểu xem họ thực sự có năng lực làm được gì. SOG cử một toán tới đồng bằng, phối hợp với lực lượng cơ động đường sông, một lực lượng hỗn hợp của lục quân và hải quân. Một trong những công việc mà trước đó họ chưa từng làm là đi tiền trạm, tức là đi trinh sát tìm hiểu những gì đang diễn ra.
SOG cho rằng, đây là cơ hội để tiến hành huấn luyện thực tế và có thể giám sát được họ. Theo báo cáo năm 1968 của SOG, những hoạt động này rất có giá trị đối với lực lượng cơ động đường biển... cung cấp tin tình báo cho lực lượng này.
Ngoài hoạt động đường sông, các toán biệt kích được bố trí tại vùng I chiến thuật để tiến hành hoạt động thực tế chủ yếu là nhằm vào cơ sở của Việt Cộng, quấy rối và bắt giữ các thành viên của chính phủ ngầm của Việt Cộng và phá huỷ mạng lưới hậu cần ở vùng ven biển thuộc vùng I - NAD triển khai những hoạt động tương tự ở vùng II (vùng Tây nguyên ở Nam Việt Nam) năm 1968.
Trong năm đó, 25 điệp vụ được thực hiện thành công ở vùng I và 22 ở vùng II. Kết quả ở vùng I là 6 Việt Cộng bị giết, 6 bị bắt làm tù binh, thu giữ số lượng lớn tài liệu, tiến hành 11 vụ phục kích và càn quét. Kết quả ở vùng II cũng tương tự
Cũng nói thêm là, hoạt động chống cơ sở của Việt Cộng chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch phản gián và bình định của Mỹ ở Việt Nam dưới sự giám sát của chương trình hỗ trợ phát triển cách mạng và hoạt động dân sự - CORDS.
Lãnh đạo đầu tiên của CORDS là Robert Komer, phó của Westmoreland. CORDS được thành lập tháng 5/1967 để cải thiện việc bình định hóa nông thôn và an ninh ở nông thôn Nam Việt Nam. Nhân viên CORDS được lấy từ quân đội, Bộ Ngoại giao, Cơ quan thông tin Hoa Kỳ, và CIA.
Các toán biệt kích trên biển của SOG hoạt động ở miền Nam hiệu quả hơn nhiều so với miền Bắc vì nhiều lý do. Thứ nhất, các địa bàn do Việt Cộng kiểm soát dễ tiếp cận hơn những nơi mà các toán biệt kích phải đối mặt ở miền Bắc. Ngoài ra, số biệt kích người Việt còn được hưởng lợi từ việc giám sát và lãnh đạo của Mỹ.
Cuối cùng, nếu các toán gặp phải trục trặc sẽ có lực lượng hỗ trợ đến ứng cứu. Nhưng hoạt động ở miền Nam không liên quan gì đến các nhiệm vụ ban đầu trong chương trình OP34A đã xác định, mà đó chỉ là hoạt động “chuyển hướng”, “thế chân” do đã thất bại ở miền Bắc.
Theo thống kê của SOG, trong 10 tháng hoạt động, tính đến mùa thu năm 1968, NAD đã thực hiện 157 điệp vụ, trong đó có 140 vụ kết thúc thành công, 11 bị huỷ do thời tiết xấu và 6 do tàu trục trặc. Ngày 1/11/1968, Washington điện, yêu cầu SOG chấm dứt mọi hoạt động dính dáng đến việc đưa người qua biên giới. Đối với bộ phận cố vấn hải quân phối thuộc - NAD, chỉ thị này đồng nghĩa với việc đóng cửa toàn bộ chương trình hoạt động.
Theo công bố của SEAL, từ năm 1965-1972, 49 lính đặc nhiệm của lực lượng này thiệt mạng trong các hoạt động tại chiến trường Việt Nam. |
Sang 1969, các thuyền viên và toán biệt kích chỉ hoạt động ở dưới vĩ tuyến 17 với nhiệm vụ là tiến hành ngăn chặn ngầm trên biển, thu thập tình báo, chiến tranh tâm lý, hoạt động tập kích, phục kích, bắt giữ và quấy rối các địa bàn ven biển do quân đội miền Bắc và Việt Cộng kiểm soát.
Theo thống kê, lực lượng này đã giết 116 bộ đội miền Bắc, bắt giữ 34 người, bắt giam 165 đối tượng nghi Việt Cộng, phá hủy 20 thuyền tam bản, 71 hầm, thu giữ 37 vũ khí, 29 lựu đạn và 8.500 pound (4.000KG) gạo. Ngoài ra, một số lượng lớn tài liệu được thu giữ qua các cuộc tập kích.
Năm 1970, hoạt động trên biển ở miền Nam duy trì ở mức như năm 1969. Nhưng vào cuối năm, hoạt động trên biển của AND được giao cho một cơ quan khác có tên gọi tắt là CSS, cơ quan có chức năng vạch kế hoạch, phối hợp và thực hiện điệp vụ, sửa chữa và bảo trì tàu và cơ sở vật chất. Ngày 1/1/1971, AND chính thức giải thể, đánh dấu thất bại của SOG từ hướng biển…