Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam. Ngày Pháp luật (NPL) được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp (HP), pháp luật (PL), giáo dục ý thức thượng tôn PL cho mọi người trong xã hội.
Năm 2013, việc tổ chức lần đầu tiên NPL trong phạm vi cả nước đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của toàn xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của NPL, vị trí, vai trò của HP, PL trong đời sống xã hội nói riêng, ý thức chấp hành HP, PL nói chung trong xã hội.
Năm 2014 là năm đầu tiên triển khai thi hành HP (sửa đổi), HP của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Do đó, việc tổ chức NPL 2014 được gắn với việc tích cực phát huy giá trị hiệu lực, hiệu quả của HP, đưa các quy định của HP đi vào đời sống.
Theo Kế hoạch của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương, một trong những điểm nhấn của NPL năm nay là Lễ phát động cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam”. Cuộc thi nhằm phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung HP đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động và người Việt Nam ở nước ngoài nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng, chấp hành, bảo vệ HP; góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phát triển đất nước vững mạnh, tăng cường khả năng tự vệ, bảo đảm toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Trước đó, phát biểu tại Lễ công bố NPL nước CHXHCN Việt Nam ngày 9/11/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “HP là đạo luật cơ bản, là hình thức pháp lý cao nhất thể hiện tư tưởng, đường lối, cương lĩnh của Đảng, ý chí, nguyện vọng và những lợi ích cơ bản của nhân dân. Vì vậy, các tổ chức của Đảng, các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội, các đơn vị vũ trang và mọi công dân, mọi cán bộ, đảng viên phải nghiêm chỉnh chấp hành HP, PL”.
Thủ tướng cũng lưu ý, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đòi hỏi Nhà nước ta phải xây dựng hệ thống PL dân chủ, công bằng, khách quan, tạo động lực thúc đẩy xã hội phát triển vì hạnh phúc của mọi người và mỗi người. Để làm tốt điều đó, Nhà nước phải được tổ chức, hoạt động theo HP, PL và phải được kiểm soát bằng chính HP và PL. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN chỉ thành công khi các quy định của HP và PL được nghiêm chỉnh chấp hành, từng bước trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người. Do đó, ý thức pháp luật có thể được coi là tiền đề tư tưởng cho sự củng cố và phát triển nền pháp chế, là cơ sở để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.
Thủ tướng cũng chỉ đạo: “Việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tôn trọng trật tự, kỷ cương là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, vì vậy cần phải coi trọng cả việc xây dựng và tổ chức thi hành PL. Việc tổ chức NPL để tuyên truyền, phổ biến PL, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ý thức PL, tự giác chấp hành thực thi PL vì tương lai của mỗi người và tiền đồ của đất nước. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức PL, của kỷ cương, phép nước”.