“Sống chung với dịch”
Những ngày đầu TP HCM phong tỏa, lời than vãn trên mạng mới nhiều làm sao. Than vãn vì cuồng chân cuồng tay, vì thu nhập giảm sút và vì... bữa cơm thiếu vắng những thứ quen thuộc như cọng hành, trái ớt.
Cuộc sống hàng ngày, chuyện, ớt, hành đơn giản vô cùng. Những gia vị bình thường mà “gây nghiện” ấy không cần nhà giàu mới có. Đến khi thiếu rồi, người ta khó chịu, thở than.
Nhưng, giờ đây, với các gia đình nhỏ, điều trăn trở không còn là món này ăn kèm với gì, món kia không thể thiếu gia vị nào, hôm nay nấu món ăn gì thật ngon cho cả nhà. Bây giờ, tất cả mọi thành viên trong nhà đều phải học cách chấp nhận hoàn cảnh.
Người ăn phải chấp nhận bữa cơm có thể ít món ngon lại, thiếu đi rau trái, thiếu đi những món ăn quen thuộc. Người nấu cũng phải học cách nấu những món ăn thiếu những gia vị thân quen, học cách nấu ăn hợp lý, dè sẻn mà vẫn đảm bảo được dinh dưỡng cho cả nhà.
Câu chuyện “ngon và đẹp” trong nấu nướng không còn được đặt lên hàng đầu nữa. Quan trọng là hợp lý. Nhiều gia đình khó khăn, mì tôm là thực phẩm “cứu đói” rất thường xuyên.
Nhiều người hiểu, giờ đây họ phải thay đổi những thói quen cũ. Không chỉ học cách thích ứng với sự thiếu thốn, chấp nhận sự khó khăn, tiết chế nhiều mong muốn, sở thích mà còn phải học cách “sống chung với dịch”, học cách sử dụng đồng tiền, sử dụng lương thực hiệu quả để “đi đường dài” với những gì mình đang có.
Học cách chăm sóc nhau
Mới đây, nữ diễn viên Hoàng Yến Chibi đã đăng tải những video clip “chăm sóc người nhà”, hớt tóc cho em trai và tập trang điểm cho mẹ. Trước đó, nữ ca sĩ Đông Nhi cũng đăng tải những bức ảnh đang làm “thợ cắt tóc” cho chồng. Nhạc sĩ Dương Khắc Linh thì vào bếp, nấu thử cho vợ con những món ăn ngon...
Không chỉ nghệ sĩ, gần đây mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh những người chồng cắt tóc cho vợ, vợ cắt tóc cho chồng, cả nhà cắt tóc cho nhau. Đáng yêu hơn nữa, cảnh chồng gội đầu cho vợ, vợ chồng gội đầu cho nhau. Có anh chồng, quay hẳn một clip “combo” vợ cắt tóc, gội đầu cho mình và đăng lên mạng “khoe” rất đỗi tự hào.
Thời gian thành phố giãn cách, các dịch vụ thiết yếu đóng cửa, không có sự lựa chọn khác cho các nhu cầu nho nhỏ hàng ngày, các thành viên trong gia đình bắt đầu tự học cách phục vụ nhu cầu cho chính mình và người nhà. Những ngôi nhà nhỏ thành “salon tại gia”, “nhà hàng tại gia”, “khu vui chơi mini”, “trường học tại nhà”... Vợ thành “huấn luyện viên yoga” tại nhà cho chồng, chồng trở thành “nhân viên massage” cho vợ. Vợ chồng cùng bày trò mua vui cho con, tạo cho cả nhà nụ cười rôm rả...
Những cái “bất khả” trong mùa dịch giờ lại trở thành động lực để mỗi người, mỗi gia đình thay đổi, thích ứng. Những thiếu thốn dịch vụ thiết yếu lại trở thành lý do để người nhà học cách chăm sóc và phục vụ cho nhau. Gia đình là cả thế giới và mỗi người phải học cách vun đắp cho thế giới của chính mình.
Phải chăng, giữa muôn vàn điều mất mát, cái “được” sau những ngày tháng dịch bệnh là sự vững chãi về tinh thần, là khả năng chịu đựng, là kĩ năng chăm sóc và yêu thương của mỗi người, mỗi gia đình sẽ được nâng cao hơn so với những tháng ngày thảnh thơi trước kia?