Đất do xã bán đấu giá
Năm 1997, ông Trần Hữu Tám và bà Trương Thị Nhân tham gia đấu giá đất do UBND xã Ân Hảo (nay là xã Ân Hảo Đông) tổ chức và mỗi người trúng 1 lô đất diện tích 100m2, tọa lạc tại khu vực có tục danh Vườn Đình - nằm trên tỉnh lộ 629, thuộc thôn Hội Long - với số tiền 4 triệu đồng. Ngày 31/12/1997, ông Tám, bà Nhân nộp đủ số tiền trúng đấu giá đất cho UBND xã Ân Hảo.
Mặc dù đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, nhưng mãi đến tháng 8/2005, chính quyền địa phương mới lập biên bản và tới hiện trường giao đất. Chính sự chậm trễ này phát sinh nhiều rắc rối và là một trong nguyên nhân dẫn đến 19 năm nay 2 “khổ chủ” không tài nào sử dụng thửa đất của mình. Bởi trong khoảng thời gian này, gia đình bà Nguyễn Thị Bích Phượng (trú thôn Hội Long) tự ý xây dựng căn nhà chắn ngang mặt tiền 2 lô đất của ông Tám và bà Nhân, khiến xã, huyện không thể tổ chức giao đất cho 2 người.
Bà Nhân bức xúc: “Gia đình tôi mua đất do xã bán đấu giá, vậy mà 19 năm chưa thể sử dụng. Chúng tôi khiếu nại, kêu cứu thì hết xã đến huyện chỉ biết hứa và hứa mà không giải quyết dứt điểm. Lẽ nào xã tổ chức bán đất cho người dân, sau khi lấy đủ tiền thì rũ bỏ trách nhiệm?”.
Theo Phòng TNMT huyện Hoài Ân: Bà Phượng tự ý xây dựng nhà trên phần đất thuộc hành lang an toàn đường bộ ĐT 629 là hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. UBND xã Ân Hảo Đông đã lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt tiền đối với việc làm này. Còn vào năm 1997, UBND xã Ân Hảo giao đất, thu tiền và đến năm 2005 lập biên bản giao đất cho 6 hộ dân (trong đó có ông Tám, bà Nhân) là vi phạm thẩm quyền về giao đất, cho thuê đất.
Bao giờ mới giải quyết dứt điểm?
Thông báo số 69/TB-UBND ngày 13/11/2012 của UBND huyện Hoài Ân, kết luận: Căn cứ theo Quyết định số 15/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Định thì việc ông Tám, bà Nhân yêu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các lô đất đã mua đấu giá từ năm 1997 là phù hợp với quy định. Giao Chủ tịch UBND xã Ân Hảo Đông vận động, thuyết phục gia đình bà Phượng tự tháo dỡ nhà, giải phóng mặt bằng để giao đất cho ông Tám và bà Nhân. Trường hợp gia đình bà Phượng không chấp hành thì tổ chức cưỡng chế tháo dỡ, hạn chót đến ngày 30/12/2012.
Vậy nhưng đến thời điểm hiện nay, ông Tám, bà Nhân chưa được chính quyền địa phương giao đất; còn căn nhà của gia đình bà Phượng vẫn tồn tại trên đất hành lang an toàn đường bộ bất chấp chỉ đạo của UBND huyện Hoài An.
Ông Nguyễn Hữu Khúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, thì: Để tạo điều kiện cho bà Phượng tự tháo dỡ nhà xây dựng trái phép nằm trên hành lang giao thông tuyến ĐT 629, UBND huyện Hoài Ân ban hành Quyết định số 2153/QĐ-UBND ngày 4/12/2012 về việc thu hồi thửa đất đang tồn tại căn nhà của bà Phượng (căn nhà chắn ngang mặt tiền lô đất của ông Tám, bà Nhân); đồng thời, hoán đổi cho bà Phượng lô đất có diện tích 60m2, thuộc thửa đất số 215a + 190, tờ bản đồ số 15, xã Ân Hảo Đông.
Gia đình bà Phượng không đồng ý với quyết định này nên khởi kiện tại tòa án; qua 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm, tòa đều bác bỏ khiếu nại của gia đình bà. Vậy nhưng, bà vẫn không thực hiện việc tháo dỡ nhà và chuyển tới lô đất được hoán đổi để xây dựng nhà; bên cạnh đó, bà tiếp tục có đơn yêu cầu VKSNDTC xem xét thủ tục giám đốc thẩm. Do vậy, UBND huyện chưa thể tổ chức cưỡng chế tháo dỡ nhà của bà Phượng để giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tám, bà Nhân.
“Chúng tôi khiếu nại thì xã, huyện cứ bảo chờ. Vậy chúng tôi phải chờ đến bao lâu, 30 năm hay 50 năm nữa? Liệu đến đời con chúng tôi có còn chờ? Trường hợp không thể cưỡng chế tháo dỡ nhà để trả mặt bằng, tại sao huyện không tính đến phương án đổi lô đất khác cho chúng tôi?”, ông Tám đặt câu hỏi.
Có thể thấy trách nhiệm trước hết thuộc UBND xã Ân Hảo Đông khi để xảy ra sự việc trên, tuy nhiên một phần trách nhiệm không nhỏ thuộc UBND huyện Hoài Ân khi không giải quyết dứt điểm vụ việc ngay từ khi mới phát sinh.