Hiệp sĩ Nguyễn Văn Tuân |
Nhảy xuống sông cứu người, lên bờ mất sạch tài sản
Chị Trần Thị Kiều (36 tuổi, ngụ đường La Sơn Phu Tử, phường Thuận Lộc, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, bị bệnh tâm thần) là người được cứu sống trong vụ việc. Hồi 9h30’ ngày 10/4, chị Kiều phát bệnh, nhảy cầu Phú Xuân tự tử. Thấy người phụ nữ vùng vẫy giữa dòng nước chảy xiết, anh Nguyễn Văn Tuân (34 tuổi, quê thôn Đọ Xá, xã Hoàng Tân, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương; tạm trú số nhà 22, đường Trần Nguyên Đán, phường Thuận Hòa, TP.Huế) đã bất chấp nguy hiểm, nhảy xuống sông cứu người.
Anh Tuân kể lại: “Sáng đó tôi đến ngân hàng chuyển tiền về cho đại lý ở TP.HCM để lấy hàng. Khi về ngang cầu Phú Xuân, nghe tiếng tri hô của hàng chục người là có người chết đuối dưới sông Hương, tôi liền dừng xe tấp vào lề đường rồi cởi áo quần cho đỡ vướng. Trước khi nhảy xuống sông cứu người, tôi đưa giấy tờ cho người đứng bên cạnh giữ giúp, ông này tóc đã bạc, trạc 50 tuổi, ăn mặc chỉnh tề. Nhìn phía dưới sông, thấy cái đầu nổi lên vùng vẫy, tôi đoán nạn nhân vẫn còn sống. Khi đó tôi không nghĩ gì khác, thấy việc cứu người là quan trọng nhất”.
Với kinh nghiệm nhiều lần giúp người, anh Tuân dễ dàng túm được tóc cô gái lôi vào bờ. Hàng trăm người hồi hộp, lo lắng, rỗi vỡ òa vui mừng, khen ngợi sự dũng cảm của anh khi nạn nhân được đưa lên, tỉnh lại sau khi hô hấp nhân tạo. Nhưng khi tìm áo quần để mặc, sờ vào túi quần thì “hiệp sĩ” hoảng hốt vì chỉ còn cái điện thoại, cái ví đã “không chân mà biết chạy”. Hỏi mọi người, ai cũng nói: “Quá chú ý đến người tự tử ở dưới sông, ai để ý quần áo của anh”.
Anh Tuân lý giải: “Lúc đó tôi mặc chiếc áo thun đã cũ màu vàng và một chiếc quần bò bạc màu. Khi gửi đồ cho người đàn ông tuổi trạc 50, vài người còn hối: “Mày biết bơi thì cứu người nhanh đi, còn áo quần với chiếc xe “cà tàng” kia không ai thèm lấy của mày đâu”. Trong số này có một ông đạp xích lô, khi tôi lên không thấy, nên tôi nghi ngờ người trộm đồ là ông này”.
Trong ví anh Tuân có thẻ ATM, quyển sổ tay ghi những ngày lễ hội, số tiền khoảng 250 ngàn đồng… Với một số người không phải là lớn, nhưng với người bán hàng rong như anh Tuân thì có thể vài ngày mới kiếm đủ. Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của người vừa làm ơn, lập tức bị “báo oán”, đám đông hiếu kỳ chép miệng lắc đầu, có người an ủi: “Đâu có mất hết. Vẫn còn nguyên… cái quần đùi”. Anh Tuân lặng lẽ trở về.
Chiều 10/4, anh Tuân về chợ Phú Bài bán hàng rong, bỗng nhiên có một người đàn ông khá lớn tuổi nhìn chằm chằm anh: “Cả trăm người ai cũng trố mắt nhìn, sao mày dại dột thế, lỡ chết thì làm răng? Đồ ngu”.
Giọng anh rầu rầu kể lại: “Tôi buồn lắm. Những ngày này nhiều người đi đường hoặc mua hàng đều dừng lại, hỏi tôi có phải người hôm trước cứu người ở sông Hương không? Tôi luôn trả lời là nhầm rồi, vì nói đúng là tôi, lỡ có người lại chê cười thì buồn lắm”.
Kiên quyết từ chối cảm ơn
Gia đình người gặp nạn không thờ ơ, vô cảm như những người trên. Em trai của người tự vẫn cho biết, cả gia đình bàn nhau chuyện hậu tạ. Gia cảnh người tự vẫn cũng nghèo khổ, chỉ người em sẵn có 1 triệu định trả nợ ngân hàng khoản vay thời sinh viên, nên quyết định khoan trả, mà mang số tiền này tới.
Gia đình nạn nhân: “Gia đình tôi biết ơn anh Tuân vô cùng, người tốt như anh thật hiếm có”. |
“Tôi tìm đến nơi ở trọ của anh Tuân, sau một hồi chuyện trò, đưa anh số tiền nhưng nhất quyết anh không nhận, luôn miệng: “Tôi thấy nguy hiểm thì giúp thôi”. Biết không lay chuyển được, tôi lại tìm cách đưa cho người vợ, nhưng chị ấy cũng kiên quyết từ chối. Tôi lén bỏ số tiền đó trong phòng rồi ra về. Chưa tới nhà thì anh Tuân đã gọi điện: “Tôi nhất định tìm đến nhà anh trả lại, đồng thời thăm hỏi cô gái đó giờ như thế nào rồi”. Gia đình tôi biết ơn anh Tuân vô cùng, người tốt như anh thật hiếm có”.
Tuân kể, anh là con trai đầu trong gia đình nghèo có 3 anh em trai, học chưa hết lớp 4 đã phải nghỉ học để giúp việc gia đình. Mới 16 tuổi anh đã bươn chải nhiều nơi chuyên làm nghề bán dạo đồ chơi lễ hội như bong bóng, đồ chơi trẻ con. Vợ anh là chị Lê Thị Hoa (28 tuổi, quê thôn 9, xã Minh Khôi, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) cũng cảnh nhà nghèo nên học xong lớp 9 đã vào TP.HCM làm công nhân. Năm 2006, anh đang bán đồ chơi thì vô tình gặp và làm quen chị đang là công nhân tại khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức). Một năm sau họ thành vợ chồng.
Vợ chồng gửi đứa con trai 7 tuổi về với ông bà nội, rồi xuyên Việt trên chiếc xe máy Trung Quốc anh mua lại từ 6 năm trước. Chiếc xe “cà tàng” này lăn bánh khắp cả nước, đâu có lễ hội là vợ chồng họ đến, từ Bình Định, Vũng Tàu, Hải Phòng, Lâm Đồng, Quảng Nam, Phú Thọ… Thời gian không có lễ hội, họ thường bán ở TP.HCM.
Trước khi cứu người ở Huế, vợ chồng anh bán dạo ở Quảng Nam, vừa tới Huế vào ngày 3/4. Đây là lần Festival thứ 3 liên tiếp anh đến Huế bán hàng rong. Công việc của vợ chồng anh bắt đầu từ 7h - 22h30’ đêm, hết người đi đường anh chị mới về nhà.
Ngày “trúng mánh” vợ chồng kiếm được cả triệu đồng, bình thường 100 - 200 nghìn đồng, ngày ế ẩm thì “thâm” vốn là chuyện thường. Mỗi tháng anh gửi về nhà 1 triệu đồng nuôi con, rồi tiền trọ, tiền ăn uống, nên vất vả cũng chỉ đủ tiền sống qua ngày.
Người vợ tâm sự: “Anh Tuân là người rất thật thà, không rượu chè, cờ bạc”. Câu chuyện với người vợ bất ngờ hé lộ thêm tình tiết thú vị: “Từ ngày đi bán hàng rong, anh ấy đã cứu được rất nhiều người. Vợ chồng em đôi khi phải thức trắng đêm để đưa người đi bệnh viện cấp cứu”.
“Gặp việc bất bình, cần cứu giúp thì ra tay thôi”
Người đàn ông bán hàng rong khi ấy mới thật thà liệt kê: “7 tuổi, thấy người chết đuối dưới sông cạnh nhà, tôi đã liều mình hì hục vớt lên, nhưng ông này đã chết từ trước.
Cách đây năm năm, gặp vụ tai nạn giao thông ở Bình Thuận, ví tiền của người bị nạn bay tới chân tôi. Tôi không lấy mà trả lại. Trong ví, sau này người ta bảo có hàng chục triệu, nếu tôi ém đi cũng không ai biết.
Tháng 7/2013, trong hội chợ ở An Lão (Bình Định) có người bị tai nạn giao thông, máu me bê bết, rất nhiều người tới xem nhưng chỉ mình tôi bồng người này lên đưa đi cấp cứu. Người nhà sau đó cũng hậu tạ một bì thư tiền nhưng tôi không lấy. Mình kiếm tiền bằng chính nghề của mình, chứ cứu người ai lấy tiền, ngại lắm.
Tôi cũng từng bắt được người đàn bà tháo bông tai trẻ con ở Thủ Đức (TP.HCM). Nghề bán hàng rong nay đây mai đó, nhưng lại có cơ hội giúp người. Đây là lần thứ 3 tôi nhảy sông cứu người đuối nước, còn cứu người tai nạn giao thông thì nhiều vô kể. Gặp việc bất bình, cần cứu giúp thì ra tay thôi”.
Anh kể tiếp: “Tôi từng dự định xin vào đội “hiệp sĩ đường phố” ở Bình Dương, nhưng do công việc phải đi suốt nên đành xem đó là ước mơ. Mỗi khi làm việc tốt thì vợ tôi cũng hào hứng, cùng giúp luôn. Cha tôi từ nhỏ biết tôi giàu lòng thương người, ông không cấm mà chỉ dặn “coi chừng rước họa vào thân”.
Lòng tốt của anh Tuân vẫn được số đông người ghi nhận. Đến bây giờ anh mới nở nụ cười: “Ngày 10/4 vừa qua, tôi được Công an TP.Huế khen thưởng một triệu đồng, rất nhiều người bạn khắp nơi đều gọi điện, nhắn tin chúc mừng. Gia đình ở quê cũng hỏi thăm, cha tôi đã thật sự tự hào về con. Đó là niềm vui lớn nhất trong đời”.