Tiêu biểu của nhóm “hiệp sĩ già” này là ông Võ Việt Cường (55 tuổi, tạm trú phường 1, quận Bình Thạnh) đã có thành tích hơn 30 lần bắt cướp...
“Ông chủ tịch” hiệp nghĩa
Người đàn ông với vóc dáng nhỏ, vẻ mặt hiền từ này được người dân khu vực chợ Tân Định (quận 1, TP.Hồ Chí Minh) yêu mến gọi là “hiệp sĩ xe ôm”. Suốt ngày, ông Võ Việt Cường (55 tuổi, tài xế xe ôm) rong ruổi trên đường, vừa mưu sinh vừa để mắt canh chừng những tên cướp, bảo vệ tài sản cho người dân.
Ông Cường là người có khuôn mặt phúc hậu, nước da ngăm đen, nếu gặp lần đầu thì chẳng ai có thể nghĩ rằng đây là “khắc tinh” của bọn tội phạm. “Lúc thời còn đạp xích lô, tui hay thấy bọn cướp giật, trộm cắp lộng hành nên bất bình lắm, chỉ mong sao làm được việc có ý nghĩa cho xã hội”, ông Cường tâm sự.
Cuối năm 2007, Nghiệp đoàn xe ôm phường Tân Định được thành lập, ông chuyển từ đạp xích lô qua chạy xe ôm và xin gia nhập nghiệp đoàn. Nghiệp đoàn xe ôm phường Tân Ðịnh lập ra để đưa nghề xe ôm đi vào hoạt động nề nếp, quy củ, đồng thời tập hợp những người lái xe ôm tham gia giữ gìn trật tự phố phường, giúp sức phòng, chống tội phạm...
Phong trào được nhen nhóm từ tinh thần tự giác, lòng nghĩa hiệp của các thành viên trong nghiệp đoàn, đến nay phong trào tham gia bắt cướp đã lan tỏa sâu rộng trong hơn 200 thành viên của Nghiệp đoàn xe ôm phường Tân Ðịnh. Anh em ở nghiệp đoàn xe ôm vui miệng gọi ông là “sếp” vì ông được mọi người tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nghiệp đoàn, mới đây ông còn được bầu vào thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở phường.
Nghe Chức chủ tịch có vẻ rất oách nhưng “ghế” thật sự mà ông ngồi là... yên xe máy hàng ngày ngoài rìa chợ. Suốt ngày ông rong ruổi trên đường vừa mưu sinh, vừa để mắt tới bọn trộm cướp chứ không ngồi trong phòng để điều hành công việc như những chủ tịch nghiệp đoàn khác.
Ông Cường kể lại lần đầu tiên bắt cướp: “Một buổi sáng đầu năm 2009, lúc đó tui đang ngồi sửa xe thì nghe tiếng tri hô bắt cướp. Ngó ra tui thấy một thanh niên chân đất đang hớt hải chạy thục mạng, phía sau hai phụ nữ trong bộ đồ tập thể dục đang đuổi theo. Ngay lập tức, tui lao vào quật ngã và khóa tay gã thanh niên cùng tang vật là sợi dây chuyền vàng”.
Nếu không nhìn thấy những tấm bằng khen, giấy khen của ông lão, hay nghe nhân chứng kể lại thì thật khó tin ông lão nhỏ thó này lại có tài “bắt cướp”. Ðã ở tuổi gần sáu mươi lại mang thêm bệnh hen suyễn, vậy mà ông lão cứ bắt cướp... ngon ơ. Hỏi ông có sợ bọn cướp không?
Ông bình thản: “Mình là người ngay, sao phải sợ. Mình nhỏ nên phải có “võ” mới được”. Cái “võ” của tui là khả năng “điểm mặt” và đeo bám những tên trộm cướp, bọn chúng trước khi ra tay thường hay lượn lờ ngó nghiêng, những lúc như vậy mình bám sát, thấy tên nào khả nghi là tui ghi lại biển số xe cho vào “sổ đen” để theo dõi”.
Chính nhờ sự quan sát này, ông Cường đã phối hợp với công an bắt được hai tên cướp giật, trong đó có một tên đang bị Công an quận Bình Thạnh truy nã vào tháng 10/2011. Vào thời điểm đó, hai gã thanh niên trên đã thực hiện liên tiếp hai vụ cướp giật táo tợn. Theo miêu tả của người dân, ông Cường đã ghi lại biển xe Nouvo của bộ đôi này khi thấy chúng lượn lờ quanh khu vực chợ Tân Định. “Thấy chúng khả nghi nên tôi kiên trì bám theo chờ chúng hành động để bắt quả tang”, ông Cường kể lại.
“Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” nên ông Cường luôn sẵn sàng bắt cướp, ông tâm niệm cứu giúp người khác lúc gặp nạn không phải để lập thành tích. Chỉ tính vài năm gần đây, ông Cường đã bắt gần 20 vụ cướp, thu hồi nhiều xe máy, dây chuyền, túi xách và nhiều tài sản có giá trị khác trả cho các nạn nhân.
“Có lần bắt được cướp, tui về khoe với vợ con, ai ngờ bị vợ trách: “Già rồi còn đi bắt cướp, xảy ra chuyện gì thì làm sao?”. Nhưng nhìn những tên trộm cướp thằng nào cũng trai tráng khỏe mạnh, không lo tu chí làm ăn mà lại đi cướp giật, cứ nghĩ đến chuyện trái đạo lý ấy là tui lại “sôi máu” lên. Dù mới đầu tui cũng thấy lo vì sợ bị trả thù, nhưng riết rồi quen nên cứ làm tới. Không lẽ chỉ vì sợ bị liên lụy mà để kẻ xấu ngang nhiên lộng hành?”, ông Cường hào hứng kể lại.
Sau mỗi lần “phá án”, các thành viên của nghiệp đoàn xe ôm đều ngồi lại với nhau để chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, động viên, khuyến khích các anh em khác trong nghiệp đoàn. Nhờ vậy, dù hằng ngày phải rong ruổi xuôi ngược kiếm sống nhưng những đoàn viên ở đây vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng phối hợp “chiến đấu”.
Ông trở thành một gương sáng phố phường với hàng tá bằng khen, giấy khen ghi nhận thành tích bắt cướp. Những thứ quý giá duy nhất mà ông có là những tấm giấy khen về thành tích bắt cướp của UBND và công an phường Tân Định, Liên đoàn Lao động quận 1, UBND quận 3, và của công an TP.HCM.....
Ðến nay, toàn nghiệp đoàn đã tham gia bắt được hơn 30 vụ cướp, trả lại nhiều tài sản giá trị cho người dân. Bà Hồ Bích Ngọc (Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 1), cho biết: “Phường Tân Ðịnh nằm ở khu vực trung tâm có nhiều ngân hàng, tiệm vàng, hộ kinh doanh... Ðây là “miếng mồi” bọn tội phạm thường nhăm nhe, nhưng sự hoạt động hiệu quả của nghiệp đoàn xe ôm nơi đây đã góp phần hạn chế rõ rệt tình hình tội phạm cướp giật”.
Những hành động dũng cảm bắt cướp của ông Cường đã được người dân khu phố ghi nhận và rất yêu mến. “Ông ấy (ông Cường-PV) tuy nhỏ con nhưng giỏi lắm. Trước đây khu này xảy ra giật đồ hoài, nhưng từ khi có ông ấy là chúng tôi rất yên tâm”, bà Đào Thị Hằng, một tiểu thương chợ Tân Định chia sẻ.
Lần theo sự giới thiệu của những người đồng nghiệp tại khu vực chợ Tân Định, chúng tôi tìm đến căn nhà của ông lão “hiệp sĩ” nằm trong một căn hẻm nhỏ trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1). Đến nơi thấy ông ra đón với cánh tay đang bó bột, đó là vết thương trong một lần ông truy đuổi một tên cướp mới ngày 10/2 vừa qua.
Lần bị thương này, bac sĩ bảo ông phải nằm dưỡng thương cả tháng trời để điều trị. Ông Cường cũng đang bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, phải sử dụng ống thông mũi thở oxy liên tục nên hiện giờ mọi công ăn việc làm đều phải do vợ con gánh vác.
Ông Cường buồn bã thổ lộ: “Mặc dù có nhiều “chiến công” bắt cướp thật đấy, nhưng cuộc sống của tui cũng khó khăn như bao anh em lái xe ôm khác mà thôi. Cả nhà 4 người sống trong căn phòng trọ chật hẹp này đã nhiều năm rồi. Hai đứa con thì một đứa vừa đi bộ đội xuất ngũ chưa có việc làm, đứa còn lại làm nghề pha chế cà phê lương tháng cũng chẳng thấm vào đâu. Vợ tui thì phụ việc người ta mỗi ngày cũng chỉ được 50.000 đồng. Mỗi tháng cả gia đình tôi cố gắng chắt bóp cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày và trả tiền thuê trọ. Bệnh dai dẳng mấy năm trời nên gia đình tôi phải đi vay lãi đến nay vẫn chưa trả hết nợ...”
Khi được hỏi về việc có nhận được hỗ trợ từ chính quyền địa phương thì ông Cường cho biết: “Mỗi khi dịp lễ tết thì được tặng ít quà bánh, những khi tham gia bắt cướp thì được phường thưởng nóng cho hơn trăm ngàn đồng, có khi mấy anh công an động viên thì được thưởng 500.000 đồng. Những lần bắt cướp từ trước đến giờ thì công an thành phố thưởng cho được 350.000 đồng cùng với giấy khen”.
Điều mà ông tâm đắc và hãnh diện nhất là bắt cướp để làm tấm gương giáo dục cho con cái. “Hai đứa con trai tôi đã đến tuổi thành niên hết rồi, nếu mình không giáo dục tốt thì con cái sẽ đi vào con đường tệ nạn. Mình làm gương tốt thì sau này con nhìn vào mà làm theo. Biết là vợ cứ la tui và không cho làm “hiệp sĩ” nữa vì sợ nguy hiểm đến tính mạng, nhưng tui làm ngoài đường thì làm sao bả (ý nói vợ-PV) biết được!”, ông Cường vừa nói nhỏ vừa mỉm cười.