Say rượu chém người, náo loạn xóm đêm
Tòa yêu cầu bị cáo khai hành vi phạm tội. Bị cáo hơi cúi mặt nhưng khai rõ ràng sự việc. Theo đó, tối ngày 25/9/2013, sau khi uống rượu với bạn bè, về đến gần nhà lúc khoảng gần 10h30’, Tèo “tông” xe đạp vào hàng rào chè tàu của hàng xóm.
Bực mình vì nghĩ người hàng xóm này trồng chè tàu lấn ra đường đi chung làm con đường hẹp lại khiến mình… đụng phải, Tèo vào nhà lấy con dao ra chặt. Vừa chặt, Tèo vừa chửi. Có lẽ không muốn “dây” vào một kẻ đang bị quá khích bởi men bia rượu, gia đình người hàng xóm kia vẫn đóng cửa im ỉm, chỉ mình Tèo “độc thoại”.
Nhưng vừa lúc đó, Lê Văn Huấn (23 tuổi, thanh niên sống cùng xóm) đi chơi về. Nghe Tèo chửi chướng tai quá nên dù không phải chửi mình cũng đến can thiệp, cãi nhau với Tèo, cho rằng Tèo sai. Hai bên cãi nhau khiến hàng xóm phải ra “hiện trường”. Tèo và Huấn được mọi người xúm vào can ngăn. Tèo bực bội vứt con dao lại bờ rào, “dựng cổ” chiếc xe đạp dậy, bỏ đi. Huấn cũng đi về nhà mình.
Tuy nhiên, vẫn cảm thấy hậm hực, không “cam lòng” nên khoảng 15 phút sau, Tèo lại đạp xe đến trước cửa nhà Huấn chửi. Huấn gọi bảo vệ dân phố đến giải quyết, sau đó không vào nhà ngủ mà… đi chơi cho đỡ bực bội trong người.
12h, lúc thời gian bắt đầu chuyển sang một ngày mới, Huấn trở về nhà ngủ. Không ngờ, Tèo vẫn còn chờ chực trước khu vực gần nhà “đối phương”, tiếp tục gây gổ chửi bới. Hai bên cãi vã, xô xát nhau. Anh ruột Huấn từ trong nhà chạy ra bênh em, dùng tay đánh Tèo. “Máu điên” bốc lên đầu, Tèo chạy về nhà mình “vác” một con dao dài 22cm ra đâm loạn xạ nhiều nhát vào người Huấn.
Nghe lịch bịch ngay trước nhà mình, cha Huấn mở cửa ra xem thì hốt hoảng, rụng rời tay chân trước cảnh tượng đứa con trai mình mẩy đẫm máu. Ông la làng, lúc này mọi người tức tốc giúp gia đình Huấn đưa nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Theo giám định của pháp y, Huấn bị thương tích “đa vết thương vùng cánh, cẳng tay trái, đứt dây thần kinh trụ đoạn cánh tay và đứt bán phần gân cơ tam đầu đã phẫu thuật khâu nối, hiện tại liệt thần kinh trụ…; đa vết thương vùng cánh, cẳng tay phải đứt gân duỗi cổ tay và bán phần gân cơ nhị…; đa vết thương phần mềm vùng ngực bụng…Tỷ lệ tổn hại sức khỏe 38%.”
Nhiều người “chậc chậc” lưỡi trước cảnh tượng kinh hoàng đẫm máu được “dựng lại hiện trường” qua lời khai của bị cáo, bị hại và những người làm chứng. Bị cáo đang cúi mặt, như giật bắn mình khi vị Thẩm phán hỏi: “Vì sao bị cáo có hành động như vậy?”. Tèo lí nhí vừa như phân trần, vừa như bào chữa:
“Thưa Tòa, đêm đó vì bị cáo có men bia rượu. “Con ma men” xui khiến bị cáo không làm chủ được bản thân, nên bị cáo mới có hành động không đúng. Còn từ trước, bị cáo chưa bao giờ gây gổ với ai. Giữa bị cáo và bị hại cũng không có mâu thuẫn gì. Bị hại thỉnh thoảng vẫn qua nhà bị cáo chơi”.
Một vị hội thẩm nhân dân phân tích: “Bây giờ bị cáo đã thấy tác hại của việc uống nhiều bia rượu, dẫn đến không làm chủ bản thân, vi phạm pháp luật, không những gây tổn hại cho người khác mà mình phải trả giá đắt?”. Bị cáo cúi mặt.
Lúc trước, vừa bước xuống từ chiếc “xe tù”, bị cáo nháo nhác đưa mắt tìm trong đám đông đang tụ tập trên khoảng sân phía trước phòng xét xử. Thấy hai đứa con gái nhỏ đang đứng nép bên cô ruột (chị ruột bị cáo), Tèo mừng mừng, tủi tủi. Hai đứa bé thấy cha tay bị còng, bất chợt mếu máo khiến người cha tù tội phải quay mặt giấu những giọt nước mắt lăn xuống.
Thân tù tội, vợ bỏ, tan đàn xẻ nghé, con cái bơ vơ
Anh trai bị cáo bỏ buổi phụ hồ tới phiên tòa, quần vẫn xắn ống thấp, ống cao, muốn đến cạnh em nhưng có lẽ ngại công an đang làm nhiệm vụ nên bước chân khựng lại. Người đàn ông có gương mặt khắc khổ, sạm đen vì dầm mưa dãi nắng buồn rầu kể:
"Thằng Tèo em trai tui bị bắt chưa được bao lâu thì vợ nó ở nhà đâm đơn ly hôn. Vẫn biết rằng hành động của em tui sai trái, nhưng quan trọng là sau khi làm sai, người ta biết sửa chữa. Thường thường, những người trót mắc lỗi lầm được gia đình, người thân luôn ở bên động viên, làm động lực cho họ cải tạo tốt. Đằng này em tui đã lâm vô hoàn cảnh tù tội, lại bị vợ bỏ. Thật đáng thương”.
Ông nói tiếp: “Thương tâm hơn nữa, hai đứa con gái Tòa chia đứa bé ở với mẹ, đứa lớn ở với cha. Cha đang bị đi tù nên chúng tôi nuôi cháu thay em. Hai đứa trẻ, đứa “phần” mẹ còn đỡ, đứa “phần” cha phải sống nương nhờ chú bác.
Chúng tôi có thương bao nhiêu chăng nữa cũng làm sao so được với tình cảm người cha. Huống hồ, gia cảnh anh em tui đều khó khăn, nheo nhóc, nên cháu phải chịu thiếu thốn đủ mọi thứ, tội nghiệp lắm. Ít có điều kiện đến trại giam nên phiên tòa hôm nay, cách gì chúng tôi cũng phải có mặt, đưa cháu đến cho thằng Tèo thăm con. May mà vợ Tèo tuy đã ly hôn rồi nhưng vẫn đưa đứa kia đến tòa. Chị em chúng vừa được “đoàn tụ” với nhau, vừa thấy mặt cha cho đỡ nhớ”.
Hội đồng xét xử chuẩn bị làm việc, có lẽ cám cảnh việc các con bị cáo còn nhỏ dại nhưng phải chứng kiến toàn bộ hành vi phạm tội của người cha khi bị cáo trả lời thẩm vấn, nên vị Thẩm phán nhắc nhở người nhà bị cáo nên đưa các cháu ra khỏi phòng xét xử, tránh làm tâm hồn non nớt của trẻ con bị tổn thương. Nước mắt rơm rớm, anh chị bị cáo “năn nỉ” cho các cháu ngồi lại, chấp nhận mọi điều, miễn các cháu được nhìn thấy cha chúng phút nào hay phút đó.
Nghe vậy, Tèo bất giác cúi mặt. Có lẽ người đàn ông này đang ân hận vì cái đêm “định mệnh” ấy, chỉ vì men bia rượu, không làm chủ được bản thân nên đã có những hành vi làm tổn hại sức khỏe cho người khác, khiến mình lâm vào tù tội, “tan đàn xẻ nghé”, “mất” vợ, xa con. Nhưng ân hận thì đã quá muộn. Giờ nghị án, hai con gái rón rén đến gần bị cáo, đứa sửa cổ áo, đứa đưa tay rờ rẫm gương mặt hốc hác của cha. Bị cáo luống cuống vuốt tóc đứa này, dặn dò đứa kia.
Bị hại xin giảm án cho thủ phạm
Cha bị hại ngoài bảy mươi tuổi, bị di chứng của một trận tai biến nên bước đi run rẩy, nhưng vẫn chống gậy liêu xiêu theo con đến phiên tòa. Tưởng hai cha con bị hại làm căng, ai ngờ cả hai đều mủi lòng trước cảnh tượng nheo nhóc, tội nghiệp của bị cáo và những đứa con “mồ côi”.
Cha bị hại liên tục lắc đầu tỏ vẻ cám cảnh. Bị hại nói: “Tôi bị chú Tèo vô cớ chém, đang là thanh niên trai tráng trụ cột của gia đình, bỗng dưng mất sức khỏe 31%. Trước đây tôi rất tức giận vì điều đó, nhưng nay thấy chú đi tù, lại bị vợ bỏ, con cái thế kia nên cũng tội nghiệp, vậy mới có đơn xin giảm nhẹ cho chú ấy”.
Được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên Tòa án phạt Tèo 4 năm 6 tháng tù (mức án dưới khung hình phạt). Vậy nhưng bị cáo và tất cả người thân của Tèo khi nghe tuyên án xong ai nấy bủn rủn, chân như bị chôn xuống đất. Đối với họ, 4 năm 6 tháng là chuỗi ngày dài đằng đẵng.
Người thân của bị cáo chỉ “tỉnh” khi từ chiếc còng “trói” tay Tèo phát ra tiếng lách cách. Phút chốc, đứa em lầm lỗi của họ đã ở giữa những người công an áp giải, trở lại “xe tù”. Hai con gái của bị cáo chới với theo cha, nhưng vẫn đứng như bị chôn chân ngoài hành lang phòng xét xử.
Người cô ruột thất thanh: “Chạy theo ba đi hai đứa. Chạy theo ba đi” và người phụ nữ này chụp dắt tay hai đứa nhỏ chạy theo bị cáo. Vừa lúc đó, cánh cửa xe tù đóng sập lại. Những bàn tay chới với đập vào thùng xe. Chiếc xe đã từ từ lăn bánh ra khỏi khuôn viên trụ sở tòa án.
Hai đứa trẻ bật khóc nức nở, liên tục gọi “ba ơi, ba ơi” khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Chiếc xe bít bùng chở bị cáo đã mất hút trong con đường đông đúc người, xe ngược xuôi, nhưng người thân của bị cáo vẫn còn đứng lớ xớ trong sân tòa một lúc lâu.
Giá như biết trước “sai một li” dẫn đến “đi một dặm” như thế này, có lẽ bị cáo sẽ giật mình và biết điều chỉnh hành vi ứng xử trong cuộc sống, sao cho chừng mực, đúng pháp luật./.