Cánh cửa hẹp?
Theo Cơ quan thanh tra thực phẩm Canada (CFIA), các mặt hàng thực phẩm, với phần lớn là cá và các sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam vào nước này trong 5 năm qua đã tăng lên hơn 100%. Tuy nhiên, ngược với chỉ dấu tốt đẹp đó là một tỷ lệ khá lớn các lô hàng xuất sang nước này đã gặp sự cố, bị từ chối “nhập cảnh” vì không tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) của Canada do các sản phẩm nông sản Việt Nam bị phát hiện tồn dư lượng thuốc thú ý, sử dụng kháng sinh và không khai báo các chất gây dị ứng.
Cụ thể, thống kê của CFIA gần đây cho thấy, chỉ tính riêng với thực phẩm có chỉ số dương tính với chất xun-fit (một trong các loại chất phụ gia thực phẩm là nguồn chất gây dị ứng thực phẩm- PV) trong 46 mẫu hoa quả tươi được đưa ra kiểm tra như: nhãn, chôm chôm, thanh long và mãng cầu thì có tới 5 mẫu dương tính với xun-fit từ 12 ppm đến 930 ppm trên vỏ. Thậm chí, có mẫu nhãn chỉ số nói trên tỷ lệ dương tính lên tới 19 ppm xun-fit trong cùi, 640 ppm trên vỏ.
Đối với cá và thủy sản - sản phẩm chính trong các mặt hàng nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường này, trong 775 mẫu được kiểm tra trong vòng 6 năm qua có tới 430 mẫu có kết quả dương tính với chất Fluoroquinolones (một loại thuốc bị cấm sử dụng ở Canada), chiếm 56%, còn 218 có kết quả không đảm bảo, chiếm tỷ lệ 28%.
Canada là một nước có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp rất lớn. Hàng năm, nước này có quan hệ nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp từ 190 quốc gia trên thế giỡi với kim ngạch nhập khẩu hàng tháng đạt khoảng 1 tỷ USD, trung bình khoảng 3000 giao dịch.
Là một thị trường tiềm năng, nhưng theo Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản, Bộ NN&PTNT (Cục QLCLNLTS), nước này cũng là nước có hệ thống pháp luật, hệ thống kiểm tra, giám sát ATTP được coi là hiện đại, chặt chẽ và xếp vào loại hàng đầu thế giới hiện nay. Vì thế, xét toàn diện, Canada vừa là một thị trường tiềm năng đối với nông sản Việt vừa là một thị trường đầy thách thức, rủi ro cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Thách thức là không hề nhỏ nhưng không vì thế mà các doanh nghiệp Việt Nam bỏ quên “trận địa” tiềm năng này. Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục QLCLNLTS, Việt Nam đang xuất khẩu nông sản thực phẩm vào canada rất là nhiều, đặc biệt là mặt hàng thủy hải sản, rau củ quả tươi. Ông Tiệp thừa nhận, trong thời gian qua, Việt Nam đang vấp phải khá nhiều vướng mắc trong xuất khẩu thủy hải sản sang thị trường này do chưa hiểu hết quy định về ATTP của nước bạn.
Chinh phục bằng sản phẩm chất lượng
Theo tìm hiểu của Báo PLVN, vấn đề kiểm tra, giám sát về ATTP của Canada hiện được giao cho Cơ quan thanh tra thực phẩm của nước này. CFIA là đại diện chính cho vai trò của Canada trong ba thể chế xác lập tiêu chuẩn quốc tế gồm: Ủy ban Tiêu chuẩn quốc tế ATTP, Công ước bảo vệ thực vật quốc tế và Tổ chức Thú y thế giới. Cơ quan này, có thẩm quyền rất lớn trong việc thực hiện các chương trình thanh tra thực phẩm cấp liên bang, điều tra thực phẩm liên quan đến dịch bệnh ốm đau, đề xuất thu hồi thực phẩm.
Ông Rolf Schoenert, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại, thuộc CFIA nói với PV PLVN rằng: Các nhà nhập khẩu của Canada phải chịu trách nhiệm đảm bảo thực phẩm mà họ nhập về là an toàn và đáp ứng toàn bộ yêu cầu quy định liên quan. Còn các nhà xuất khẩu và nhà cung cấp nước ngoài muốn đưa hàng hóa vào Canada cần làm việc với nhà nhập khẩu để hiểu về các yêu cầu nhập khẩu vào và xác định bất kỳ yêu cầu nào của Canada có thể khác biệt với các đối tác thương mại nước ngoài khác.
Vị này cũng nhấn mạnh, quản lý ATTP ở Canada việc phải đầu tiên chính là xây dựng lòng tin đối với người dân: “Để xây dựng được lòng tin chúng tôi phải có 2 điều kiện vô cùng quan trọng. Thứ nhất, phải có một hệ thống thanh, kiểm tra hiệu quả. Thứ hai, phải có một hệ thống văn bản pháp quy, khung pháp lý về ATTP đủ mạnh để cho các thanh tra viên của chúng tôi có thể dựa vào đó để thực thi quyền hạn và trách nhiệm của mình”.
Đại diện CFIA cũng cho hay, hiện nay Canada đang trong quá trình hiện đại hóa lại hệ thống pháp quy về ATTP. Nước này xác định phải thay đổi luật, các quy định để đảm bảo khung pháp lý phù hợp với điều kiện sản xuất và tiêu dùng thực phẩm trong bối cảnh hiện nay.
“Trước đây chúng tôi quy định rất chi tiết để bắt buộc doanh nghiệp tuân thủ còn bây giờ chúng tôi đã thay đổi cách tiếp cận, hướng tới các kết quả là chính. Tức là sau khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật, kết quả cụ thể cần phải đạt được về ATTP là gì. Đó là cái mà chúng tôi ràng buộc với phía doanh nghiệp. Họ có thể tùy chọn cách để áp dụng các biện pháp, nhưng họ phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện, phải bị ràng buộc bởi kết quả cuối cùng cho sản phẩm mà họ làm ra”- ông Rolf Schoenert chia sẻ.
Việc tìm hiểu hệ thống kiểm tra, giám sát ATTP của Canada có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp Việt Nam nếu chúng ta muốn “chinh phục” thị trường khó tính nhưng tiềm năng này. Theo Cục trưởng Tiệp, việc hiểu các quy định cũng như hệ thống kiểm soát ATTP của Canada rõ ràng bao nhiêu sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chủ động bấy nhiêu trong việc kiểm soát tiêu chuẩn sản xuất trong nước, kiểm soát các sản phẩm được tốt hơn trước khi xuất khẩu.
“Đảm bảo được các chuẩn mực này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu những rủi ro xảy ra đối với hàng nông sản, thực phẩm, đặc biệt là thủy hải sản của mình khi xuất khẩu vào Canada. Nó sẽ làm cho các nhà xuất khẩu Việt không còn lúng túng khi phải xử lý sự cố khi xảy ra tại nước bạn mà đã hiểu và chủ động được sản phẩm của mình đủ tiêu chuẩn trước khi lên đường tiến vào thị trường Canada”- Cục trưởng Cục QLCLNLTS nói.