Những con số và câu chuyện đáng buồn
Mới đây, Cơ quan Tị nạn của Liên Hiệp quốc đưa ra dữ liệu, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hôm 24/2 đến nay, đã có hơn 1,7 triệu người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em rời Ukraine sang các nước khác. Theo ước tính của các quan chức Liên minh châu Âu và LHQ, sắp tới sẽ có thêm bảy triệu người Ukraine tản cư đến các nước láng giềng như Ba Lan, Moldova, Romania, Slovakia, Hungary...
Các nhóm hoạt động nhân đạo đang lo ngại rằng làn sóng này sẽ kéo theo sự gia tăng về nạn buôn người. Trong đó, sẽ có nhiều nạn nhân bị buộc phải hành nghề mại dâm, hoạt động tội phạm, nô lệ tình dục hoặc bị lao động cưỡng bức...
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cảnh báo rằng ít nhất 400.000 trẻ em Ukraine đang di chuyển khắp Đông Âu, khiến các em có nguy cơ bị lạm dụng. Tổ chức này ước tính rằng hơn 40% người tị nạn chạy trốn khỏi các cuộc giao tranh đến Ba Lan, Romania, Moldova, Hungary, Slovakia và Litva là trẻ em.
Bà Lauren Agnew (chuyên gia về chính sách buôn người của tổ chức từ thiện CARE)cảnh báo cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ khiến tệ trạng buôn người trở nên tồi tệ hơn. Những người tị nạn dễ bị tổn thương có nguy cơ bị bóc lột cao nhất. Cuối cùng sẽ có nhiều tội phạm, nhiều người bị cưỡng bức lao động hơn và nguy cơ lớn nhất là nhiều phụ nữ bị bóc lột tình dục. “Các quốc gia mà người tị nạn đang chạy đến vốn là điểm nóng của các băng nhóm tội phạm. Chúng săn mồi trước sự bấp bênh của người tị nạn để kiếm lợi nhuận”, bà Lauren Agnew nói.
Trong khi đó, Joung-ah Ghedini-Williams (Trưởng bộ phận truyền thông toàn cầu của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn - UNHCR), người đã đến thăm các biên giới ở Romania, Ba Lan và Moldova, cho biết: “Rõ ràng tất cả những người tị nạn đều là phụ nữ và trẻ em. Bạn phải đề phòng về bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào không chỉ với nạn buôn người mà còn cả bóc lột và lạm dụng tình dục. Đây là những cơ hội để những kẻ buôn người tìm cách lợi dụng”.
UNHCR cho biết, hơn 2.5 triệu người, trong đó có hơn 1 triệu trẻ em, đã chạy trốn khỏi Ukraine khi bị chiến tranh tàn phá trong cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có ở châu Âu và là cuộc di cư lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai.
Khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, mafia Ukraine đã nhanh chóng liên kết với các nhóm mafia Ba Lan, chẳng hạn như nhóm Wolomin để hình thành những đường dây núp dưới vỏ bọc thiện nguyện, dụ dỗ phụ nữ Ukraine với lời hứa hẹn “việc làm lương cao, ăn ở miễn phí” rồi khi đã sa bẫy, họ sẽ bị bán cho các động mại dâm, nhà chứa. Chưa kể một số phụ nữ khi không còn đường lùi, đã tiếp tay với bọn mafia để lôi kéo đồng bào mình.
Natalia là một thí dụ, vài tiếng đồng hồ sau khi từ tỉnh Zhytomir (Ukraine) vào Ba Lan, cô đã được “2 người đàn ông tốt bụng” cho đi nhờ xe đến Katowice, nơi cô có người dì ở đó nhưng khi xe đến Krakow, nghĩa là mới chỉ hơn nửa đường, hai gã “tốt bụng” đã đưa cô vào một quán bar rồi tuyên bố rằng cô sẽ phải ở đây và công việc của cô là “tiếp khách”. Lúc thấy Natalia phản ứng bằng cách điện thoại cho dì, hai gã kia nhào đến giật chiếc điện thoại rồi cho biết nếu muốn ra khỏi quán bar, cô phải trả 5.000 USD là tiền... đi đường!
Một phụ nữ Ukraine 27 tuổi cho biết: “Tôi nghe một người bạn qua Ba Lan kể lại rằng cô ấy đi với một người đàn ông được cho là sẽ được đưa đến Warsaw miễn phí. Nhưng khi đến đó, anh ta lại đòi tiền. Bạn tôi không có tiền, hắn ta đã gây hấn, hành hung cô ấy. Hắn bắt bạn tôi phải làm việc cho hắn để trả nợ. May là cô ấy đã bỏ chạy và nhận được sự giúp đỡ của nhiều người khác”.
Hay cảnh sát ở Wrocław (Ba Lan), hôm 10/3 cho biết họ đã bắt giữ một nghi phạm 49 tuổi với cáo buộc hiếp dâm sau khi anh ta bị tố cáo hành hung một người tị nạn Ukraine 19 tuổi. Người đàn ông này đã dụ dỗ nạn nhân bằng những lời đề nghị giúp đỡ qua internet. Nhà chức trách cho biết, nghi phạm có thể phải đối mặt với 12 năm tù giam.
Liên tục cảnh báo, nỗ lực bảo vệ
Khi số lượng người chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Ukraine đang ngày càng gia tăng, các tổ chức phi chính phủ tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo phụ nữ và trẻ em bị buôn bán và bóc lột bởi tội phạm. Nhiều tình nguyện viên tư nhân ở các quốc gia này đã chào đón và giúp đỡ những người có cuộc sống bị tàn phá bởi chiến tranh. Họ được giúp từ nơi ở, phương tiện đi lại miễn phí đến các cơ hội việc làm và các hình thức hỗ trợ khác.
Cảnh sát ở Berlin (Đức) đã cảnh báo phụ nữ và trẻ em trong một bài đăng trên mạng xã hội bằng tiếng Ukraine và tiếng Nga rằng không nên chấp nhận lời đề nghị ở lại qua đêm, đồng thời kêu gọi họ báo cáo bất cứ điều gì đáng ngờ.
Các quan chức an ninh ở Romania và Ba Lan nói với hãng tin AP rằng các sĩ quan tình báo mặc thường phục đang đề phòng các phần tử tội phạm. Tại thị trấn biên giới Siret của Romania, nhà chức trách cho biết những người đàn ông cung cấp dịch vụ di chuyển miễn phí cho phụ nữ đã bị đuổi đi.
Trong khi đó, Ionut Epureanu (cảnh sát trưởng hạt Suceava, Romania) cho biết cảnh sát đang hợp tác chặt chẽ với cơ quan quốc gia chống buôn người và các cơ quan thực thi pháp luật khác của đất nước để cố gắng ngăn chặn tội phạm.Ông nói: “Chúng tôi đang cố gắng kiểm soát mọi phương tiện rời khỏi khu vực. Cả trăm người chạy phương tiện giao thông đều có mục đích tốt, nhưng chỉ cần một người xấu có ý định là đủ... và bi kịch có thể ập đến”.
Ông Joanna Garnier - Phát ngôn của Tổ chức Tư vấn và Can thiệp quốc gia về nạn nhân buôn người có trụ sở tại Warsaw (Ba Lan) cho biết, những phụ nữ vượt biên sang Ba Lan từ Ukraine đã được phát tờ rơi cảnh báo về sự nguy hiểm. “Chúng tôi đưa ra những lời khuyên cho phụ nữ như không lên xe của người lạ và hãy đi theo nhóm. Nếu có điều gì đó khả nghi hãy thông báo ngay cho cảnh sát”, Joanna nói.
Một trong những trở ngại chính mà người tị nạn, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ phải đối mặt là thiếu sự phối hợp tại các cửa khẩu và các cơ sở tiếp nhận. Tổ chức CARE cam kết sẽ vận động để bảo vệ nhiều hơn nữa những người Ukraine và tăng cường nỗ lực để phát hiện và ngăn chặn tội phạm.
Trong khi đó, chính phủ nhiều nước châu Âu cũng cam kết giải quyết tội phạm buôn người. Đại diện Bộ Nội vụ Anh cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục trấn áp những kẻ bóc lột người dễ bị tổn thương, cung cấp hỗ trợ phù hợp cho các nạn nhân để giúp họ hồi phục”.
Vlad Gheorghe, một thành viên Romania của Nghị viện châu Âu, người đã thành lập một nhóm Facebook có tên “United for Ukraine” với hơn 250.000 thành viên và cung cấp các nguồn lực để giúp đỡ những người tị nạn, bao gồm cả chỗ ở, cho biết ông đang hợp tác chặt chẽ với chính quyền để ngăn chặn bất kỳ hành vi lạm dụng nào.“Chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ trước khi bất kỳ lời đề nghị trợ giúp nào được chấp nhận”, Vlad Gheorghe nói.