Hi sinh thân mình để cứu nguy cho hai con tàu
Cái tin Trung úy Đinh Văn Nam đã hi sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ tàu trên vùng biển Trường Sa khiến nhiều người bàng hoàng thương tiếc. Người con đất Cảng đã quên mình hi sinh khi chỉ còn 10 ngày nữa là anh được chuyển về công tác tại Hải Phòng, đoàn tụ cùng mẹ già, người vợ trẻ và đứa con mới bi bô tập nói.
Rạng sáng ngày 16/10/2013, tàu của Trung uý Nam tham gia cứu hộ tàu mắc cạn HQ 957 tại vùng đảo Phan Vinh (thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà). Do ảnh hưởng của bão số 11, sóng biển Trường Sa vô cùng dữ dội.
Khi cả tàu được cứu nạn và tàu quân đội tham gia cứu nạn trở nên nghiêng ngả không thể kiểm soát được, thuyền trưởng của tàu cứu nạn đã ra lệnh cho tổ lái cắt dây phụ nối giữa hai con tàu.
Lúc này Trung úy Nam đã dùng toàn bộ sức lực của mình lao nhanh đến cầm dao kịp thời chặt dây phụ để cứu tàu. Nhưng chính nhát cắt mạnh mẽ, giúp cả hai tàu thoát tình huống nguy hiểm ngàn cân treo sợi tóc, đã khiến sợi dây bị cắt văng mạnh vào ngực Trung uý Nam. Anh ngã xuống biển.
Khi được đồng đội đưa lên bờ, Trung uý Nam bị thương nặng ở ngực và khoảng 10 phút sau anh đã trút hơi thở cuối cùng ngay trên con tàu đang lênh đênh giữa biển.
Đến thăm gia đình người lính trẻ trong một buổi sáng se lạnh của những ngày chớm đông, khách không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến cảnh người mẹ ngồi co ro một góc thẫn thờ nhìn di ảnh con trai, người vợ cắm thêm những bông hoa cúc vào lọ trước di ảnh của chồng.
Lời hứa với vợ mãi mãi lỡ hẹn
Chị Đinh Thị Kim Xoa (SN1986, vợ anh Nam) nói trong tiếng nấc nghẹn: “Anh ấy kể với tôi đang tham gia trực chủ quyền 75 ngày trên thềm lục địa. Trước khi hi sinh, anh vừa về đến đất liền thì nhận được lệnh đi cứu hộ tàu mắc cạn. Cuộc gọi điện gần đây nhất, anh gọi để báo tin vui sắp được chuyển công tác về Hải Phòng, sẽ có thời gian chăm sóc vợ con, báo hiếu bố mẹ. Anh hẹn đúng 10 ngày nữa anh sẽ về".
Dường như nỗi mất mát quá lớn, quá đột ngột đã khiến cho người mẹ kiệt sức trong sự đau đớn tột cùng, nước mắt đã chảy quá nhiều khiến đôi mắt bà trở nên mệt mỏi. Thều thào từng câu, người mẹ tâm sự:
"Tôi không ngờ rằng, người đầu bạc lại tiễn kẻ đầu xanh. Cách đây khoảng hai tháng, khi đưa một đồng đội về Nam Định an táng, con trai tôi đã xin phép đơn vị qua nhà thăm gia đình một đêm rồi sáng đi sớm. Đó là lần cuối cùng tôi được gặp con ".
Vợ và con gái của Trung úy Đinh Văn Nam |
Trung úy Nam sinh ra trong một gia đình cả bố và mẹ đều công tác trong quân đội. Hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, từ bé anh đã phải đi mò cua bắt ốc, kiếm củi khô để phụ giúp gia đình.
Năm 13 tuổi, trong một buổi chiều đi kiếm củi về đốt, cố gắng trèo lên cây cao để lấy được nhiều cành khô, cậu bé Nam đã bị ngã gãy cả hai tay. Cánh tay phải được chỉ định mổ để nối xương, điều trị trong suốt 3 tháng trời. Tuy rất đau đớn, nhưng sợ bố mẹ bắt nghỉ học dài ngày nên Nam không kêu la, ngày ngày vẫn kiên trì tập viết bằng tay trái để sớm trở lại trường.
Mẹ liệt sĩ Nam tâm sự: "Ngày đó, nó mới là một đứa trẻ, hai tay bị gãy lìa ra nhưng vẫn không chảy lấy một giọt nước mắt". Bà cho biết thêm, chính vì biến cố này, nên con trai bà đã nuôi nung nấu thi vào ngành y.
Năm 2002, sau khi tốt nghiệp THPT, anh xung phong đi nghĩa vụ quân sự và được điều động vào lực lượng hải quân. Khi ra quân, anh tiếp tục "dùi mài kinh sử" và thi đỗ vào trường Học viện quân y với số điểm cao thứ hai toàn khóa.
Là một chiến sĩ gương mẫu, có thành tích học tập và kỷ luật tốt, sang năm thứ 3, anh Nam đã được kết nạp Đảng ngay tại trường. Sau khi ra trường, anh được điều động công tác tại Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Hải quân.
Rơi nước mắt nghe chuyện tình yêu với lính biển
Bởi yêu cái nghề lênh đênh trên biển đảo, hết lòng với công việc của một người lính hải quân nên gần 30 tuổi, chàng trai trẻ vẫn chưa hề có người yêu. Cha mẹ, họ hàng phải tham gia “mai mối” anh mới làm quen được với chị Đinh Thị Kim Xoa.
Chị tâm sự: "Thấy hai bên gia đình nhiệt tình vun vào nên tôi cũng chiều lòng để bố mẹ vui, không ngờ khi nói chuyện, nhắn tin qua điện thoại tôi đã dành tình cảm cho anh lúc nào không hay".
Sau gần hai năm quen nhau, tuy gặp mặt chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng tình yêu của đôi bạn trẻ đã chín mùi. Một đám cưới đã được diễn ra trong niềm hạnh phúc của hai bên gia đình, tuy không náo nhiệt, lộng lẫy nhưng cũng đủ ấm cúng, đong đầy hạnh phúc trong sự vội vã, gấp rút để anh Nam trở về đơn vị.
Sau đám cưới một thời gian, chị Xoa đã hi sinh sự nghiệp bản thân, chuyển vào Khánh Hoà sinh sống, mong muốn được ở gần nơi đóng quân của chồng. Cũng từ đây, cuộc sống trở lên vất vả hơn với đôi vợ chồng trẻ… Để có kinh phí trang trải các khoản chi tiêu, chị Xoa đã xin đi làm công nhân giày da, rồi tranh thủ thêu tranh buổi tối để kiếm thêm thu nhập.
Cuộc sống tuy khó khăn nơi đất khách quê người, nhưng hạnh phúc đã được nhân lên khi chị biết tin mình có thai. Niềm vui được làm mẹ đã làm dịu đi sự cô đơn những giấy phút thiếu vắng bóng chồng bởi vì công việc vẫn cuốn anh đi biền biệt suốt đêm ngày. Thương chồng vất vả, chị không hề kêu ca mà luôn động viên anh yên tâm công tác.
Gạt nước mắt, chị Xoa trải lòng: "Khi mang bầu đến những tháng cuối, tôi về quê để sinh con. Khi đó anh cũng xin về phép được một tháng để thăm vợ con. Từ đó, gặp chồng thêm hai lần nữa thì xảy ra chuyện đau lòng này".
Ôm đứa con gái nhỏ đang bi bô nói cười, chị cũng cố gắng gượng cười nhìn lên di ảnh của chồng, mong linh hồn anh bình an, phù hộ cho chị vững vàng gánh vác gia đình, nuôi dạy con gái trưởng thành.
Tưởng nhớ người chiến sĩ quả cảm, sáng ngày 19/10, tại Nhà Tang lễ Bệnh viện 175 Quân đội, Lữ đoàn 125 cùng với gia đình đã tổ chức lễ truy điệu cho Trung úy Nam. Tại buổi lễ, lãnh đạo đơn vị đã công bố Quyết định truy tặng Trung uý Nam bằng khen về hành động dũng cảm cứu tàu, truy phong quân hàm từ “Thiếu úy” lên “Trung úy”. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cũng đã gửi vòng hoa đến viếng và chia buồn cùng gia đình trung úy Nam.
Sau 5 ngày lênh đênh trên mặt biển, sáng ngày 21/10, linh cữu Trung úy Nam đã được đưa về quê nhà an táng tại nghĩa trang Đằng Hải, quận Hải An, Hải Phòng trong sự tiếc thương của người thân, đồng đội và bà con lối xóm.