Trên quần đảo Trường Sa hiện diện 9 cây đèn biển tại các đảo Song Tử Tây, Đá Lát, Đá Tây, An Bang, Tiên Nữ, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết và Trường Sa lớn. Những ngọn hải đăng dẫn lối cho tàu thuyền qua lại an toàn và đang ngày đêm khẳng định một điều hiển nhiên “biển này là của ta, đảo này là của ta”…
Đèn biển giúp cho tàu thuyền đi đúng hướng, không bị mắc cạn hay vướng vào đá ngầm. Việc xây dựng những đèn biển này theo luật pháp quốc tế là trách nhiệm của quốc gia có biển, vừa là cột mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam, được Cơ quan quỹ đạo quốc tế và Hiệp hội báo hiệu hàng hải quốc tế ghi nhận trên hải đồ quốc tế về kinh độ, vĩ độ, đặc điểm báo hiệu hàng hải, quốc gia thiết lập.
Trong khu vực quần đảo Trường Sa – nơi có nhiều đảo đá, bãi san hô – hải đăng càng khẳng định vị trí của người lính gác.
Bậc thang gỗ đèn Song Tử…
Khi đặt chân lên những bậc cầu thang gỗ hơi nghiêng của hải đăng Song Tử Tây, trước mắt tôi hiển hiện hình ảnh người gác đèn mỗi ngày lên xuống bao lần chừng 120 bậc cầu thang này. 20 năm qua đi, cây đèn biển được xây dựng đầu tiên trên khu vực đảo Trường Sa, cũng là cây đèn biển cấp 1 duy nhất trong khu vực này, đã bắt đầu ghi dấu ấn năm tháng.
Đèn Song Tử Tây được xây dựng năm 1993, ở tọa độ 114o19’50 Đông và 11o25’43 Bắc, cao 36 m so với tâm 0 độ. Vì thế, nhìn từ xa, cây đèn này nổi bật trên thảm xanh của phong ba, đu đủ, bàng vuông… như một cây bút viết trên nền trời biển xanh ngát.
Hải đăng Song Tử Tây |
Anh Nguyễn Long Tuấn – một “biên chế” của Trạm, giới thiệu, Hải đăng Song Tử Tây thuộc quản lý của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và hải đảo, thành viên của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam. Là “anh cả” trong hệ thống hải đăng Trường Sa, hải đăng Song Tử Tây cũng là hải đăng đầu tiên trên khu vực đảo Trường Sa hiển hiện trên hải đồ.
Có lợi thế lớn là được xây dựng trên một đảo nổi trù phú, Hải đăng Song Tử được thiết kế hình ống trụ tròn – một dạng kiến trúc rất được ưa dùng trong thiết kế hải đăng. Trỏ vào dàn ắc quy đặt ngay ngắn trên chiếu nghỉ, anh Tuấn giải thích, năng lượng vận hành đèn biển “phụ thuộc theo mùa”, bởi ở đây năng lượng mặt trời dồi dào, nhưng cũng có những mùa mưa đèn phải vận hành bằng máy phát điện.
Các cây đèn biển không có cây nào giống nhau về độ cao, hình dáng, màu sắc, tính chất sáng (chớp đơn, chớp đôi, chớp 2 +1…). Vì những “vân tay” đó mà người đi biển có thể xác định được vị trí, phương hướng, tốc độ tàu, khoảng cách trước và sau con tàu…
“Trong vòng 72 hải lý, tính chất chớp, màu sắc, độ cao… của hải đăng không được trùng lặp”, ông Nguyễn Văn Thu, Trạm trưởng Hải đăng Sinh Tồn nói với chúng tôi. Vì thế, khác với Hải đăng Song Tử, Hải đăng Sinh Tồn có kiến trúc hình vuông màu vàng chân đế vuông vững chãi nổi bật trên nền xanh của đảo, còn Hải đăng Sơn Ca lại rất bắt mắt với hình trụ tròn sơn màu đỏ vàng, cửa sổ hình tròn, chóp đèn được thiết kế như chiếc vương miện thanh tú.
Búp măng giữa biển trời
Xây dựng một công trình trên đảo xa đã là một kỳ công, thì xây dựng những công trình trên đảo chìm, bãi san hô phải được coi là một kỳ tích. Nếu không phải là đang lênh đênh trên biển trời Trường Sa, thật khó hình dung được có thể tồn tại một cây đèn biển như đèn Đá Lát.
Đèn biển Đá Lát hiển hiện trước mắt chúng tôi, như búp măng mọc lên từ biển. Xây dựng từ năm 1994, Hải đăng Đá Lát trông giống một trạm truyền dẫn phát sóng hơn là một ngọn Hải đăng, vì trạm đèn là 4 cái chân cắm thẳng xuống biển.
Hải đăng Đá Lát |
Không chỉ trạm Đá Lát, mà các trạm hải đăng ở đảo chìm cơ bản được xây dựng như thế, chỉ là 4 cái trụ sắt được dựng trên các cồn san hô, trên đó vừa là công trình nhà sinh hoạt của anh em, vừa là công trình Hải đăng. Công trình trạm Đá Lát, nhìn bằng mắt thường, cũng có thể thấy mức độ khó khăn thế nào, khi 20 năm đứng giữa biển mặn, công trình đã có dấu hiệu xuống cấp.
Một thợ gác đèn từng làm trạm này cho chúng tôi hay, ở trạm hải đăng Đá Lát, lúc thời tiết bình thường, anh em lên tháp đèn bảo trì, vận hành cũng phải “đi nhẹ nói khẽ”, bởi đi mạnh thì đất từ trên trần rớt xuống đầu tửng mảnh, còn dưới chân cầu thang luôn ẩm ướt vì sóng biển đánh vào. Những khi có bão, anh em gác đèn phải đi xuồng sang đơn vị bộ đội để trú tránh, mà đi như vậy cũng phải mất khoảng vài chục phút.
Ở trạm Đá Lát, cầu thang đi lên đèn rất hẹp, phải nghiêng người nếu không hai vai bị đụng. Trong khi đó, ở trạm Đá Tây, mỗi lần mưa gió, cầu thang ẩm ướt, sóng to ngập cả nhà dưới, trôi hết đồ đạc. “Đi Trường Sa là đã xác định vất vả, nhưng đến Đá Lát là chịu cực thêm bội phần”, một người gác đèn nói.
Để bảo đảm tính mạng, tài sản của anh em công nhân cũng như để nhân viên các trạm đèn yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến, Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và hải đảo đang xây dựng kế hoạch sửa chữa, nâng cấp các trạm đèn, đặc biệt đối với các đèn ở đảo chìm trên quần đảo Trường Sa.
Hệ thống đèn biển của Việt Nam nói chung và khu vực Nam bộ nói riêng được lắp đặt bằng công nghệ tiên tiến và hoạt động hoàn toàn tự động, được Hiệp hội báo hiệu hàng hải quốc tế đánh giá cao.
Ngoài nhiệm vụ bảo đảm ánh sáng, hướng dẫn tàu thuyền qua lại không bị lệch hướng, hướng dẫn ngư dân đánh bắt an toàn cũng như bảo đảm an toàn giao thông trên biển, cùng với nhiều công trình khác, các cây đèn Hải đăng được xây dựng trên các đảo còn là những cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Những ngọn đèn ấy không bao giờ tắt, bởi nó được thắp sáng từ tình yêu Tổ quốc vô tận của những người gác đèn…
Hoàng Thủy