Như Pháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh, theo quyết định mới nhất, UBND TP.Hà Nội đã ký phê duyệt quyết định đầu tư tuyến đường nối đường Nguyễn Văn Cừ với đê tả ngạn sông Hồng. Dự án này sẽ được thực hiện với tổng kinh phí dự kiến hơn 985 tỷ đồng. Theo đó, riêng chi phí bồi thường của dự án này là trên 481 tỷ đồng, chi phí xây dựng trên 256 tỷ đồng, chi phí dự phòng trên 221 tỷ đồng, còn lại là các chi phí thiết bị, tư vấn, quản lý dự án.
Dự án có tổng chiều dài là 1.565m, rộng 40m, thuộc địa bàn phường Bồ Đề (quận Long Biên), điểm đầu giao với đường Nguyễn Văn Cừ, điểm cuối nối với tuyến đường từ Ngọc Thụy đi Khu đô thị mới Thạch Bàn. Với tổng mức đầu tư gần 1000 tỷ đồng, dự án được giao cho UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2014 - 2017.
Việc phê chuẩn thực hiện dự án nói trên của Hà Nội diễn ra trong bối cảnh Bộ KH&ĐT vừa ra Văn bản số 8568 dự kiến kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2014, trong đó đề cập đến đến công tác thắt chặt đầu tư công.
Văn bản 8568 khẳng định, việc bố trí kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2014 phải thực hiện nghiêm túc theo một số nguyên tắc nhất định, theo đó sẽ hạn chế tối đa việc khởi công mới các dự án. Đặc biệt, chỉ bố trí vốn khởi công mới các dự án thật sự cấp bách với các điều kiện cụ thể.
Trước khi Bộ KH&ĐT ký văn bản nói trên, thì ngày 24/10 chính UBND TP.Hà Nội cũng đã có Văn bản số 301 thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo về việc rà soát danh mục các công trình trọng điểm TP.Hà Nội giai đoạn 2014 - 2015. Văn bản này cho hay, trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn đầu tư xây dựng hiện nay và trong các năm tới, việc rà soát, điều chỉnh, cắt giảm dự toán và giãn, hoãn tiến độ đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm giai đoạn từ nay tới năm 2015 là cần thiết, phù hợp với thực tế tình hình và khả năng cân đối nguồn vốn, đồng thời thực hiện hiệu quả chủ trương tái đầu tư công hiện nay.
Theo đó, Hà Nội sẽ thống nhất chủ trương rà soát lại danh mục công trình, tập trung ưu tiên một số dự án cấp bách trong danh mục và ưu tiên vốn để hoàn thành dứt điểm nhằm phát huy hiệu quả đầu tư. Việc điều chỉnh giãn tiến độ các dự án phải bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối các nguồn vốn, nhưng vẫn tiến hành các thủ tục chuẩn bị đầu tư gồm cả các tiểu dự án phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Trả lời Pháp luật Việt Nam, nhiều chuyên gia đã tỏ ý lo ngại với quyết định đầu tư “nghìn tỷ” nói trên. Một số ý kiến đề nghị Hà Nội làm rõ, với nhu cầu giao thông đi lại chưa đến mức “bức xúc” như các địa bàn khác thì liệu dự án con đường 1,5km với tổng mức đầu tư tới gần 1.000 tỷ đồng tại quận Long Biên có thể coi là “cấp bách” hay chưa? Trong khi đó, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng về giáo dục, y tế, giao thông tại các địa bàn nóng bỏng khác lại vẫn đang chờ vốn?