Đó là làng Bỉnh Di (xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Cách quần đảo Trường Sa hàng ngàn cây số, nhưng từ hàng chục năm nay, các thế hệ thợ làng đã nối tiếp nhau, góp công sức xây dựng biết bao công trình nơi quần đảo quê hương.
Một số người thợ xây đã từng đi xây đảo Trường Sa chụp ảnh lưu niệm trước Bảo tàng đồng quê |
Vì đó là biển đảo của mình…
Làng Bỉnh Di cách trung tâm Thành phố Nam Định khoảng 50 km, đi qua làng, chỉ còn vài km là ra đến biển. Ruộng chật, người đông nên những lúc nông nhàn, dân làng thường tỏa đi khắp nơi làm thợ nề, thợ mộc. Đàn ông gánh việc nặng, đàn bà phụ việc nhẹ, anh em họ hàng thường họp thành những kíp thợ đi làm từ Nam ra Bắc.
Về thăm làng vào dịp này, chúng tôi may mắn gặp được nhóm thợ của anh Phan Đình Bốn đang họp mặt chuẩn bị kế hoạch ngày mai lên xe ô tô vào Khánh Hòa, rồi lênh đênh lên tàu ra đảo. Anh Bốn chia sẻ: “Mẹ yếu nên tôi về chăm sóc một thời gian, giờ vẫn phải đi. Có gì vào đến Khánh Hòa, để anh em thợ ổn định công việc rồi mình lại ra”.
Nhà anh Bốn có hai anh em và 3 người cháu làm cùng một nhóm thợ. Theo lời anh, từ những năm 1992 đến nay đã có hàng trăm thợ xây, thợ nề của làng đi ra Trường Sa. Anh Bốn mãi đến năm 2011 mới bắt đầu đi xây đảo, nhưng anh có nhiều kinh nghiệm vì từ tháng 10/2011 đến Tết năm đó anh ở “liền tù tì” trên đảo, ăn Tết trên đảo, sau Tết lại ở đến tháng 8/2012 vừa qua mới về. Cuộc sống trên đảo Trường Sa, theo anh Bốn, khi trước khó khăn mười phần thì nay chỉ còn hai, ba.
“Bây giờ chúng tôi làm trên đảo không thiếu điện, không thiếu nước như trước. Đời sống tinh thần thì cũng có bóng chuyền, bóng đá, sóng điện thoại thì Viettel gọi suốt ngày... Chỉ khó khăn vì thời tiết: Nếu bão gió thì hàng chục ngày, có khi vài tháng ăn đồ khô, đồ hộp. Bình thường đi tàu từ đảo chỉ 3 ngày là vào được đất liền, nhưng cuối năm vừa rồi đi vào bờ thì đội thợ phải mất chín ngày. Vừa rời đảo được vài tiếng đồng hồ, tàu gặp gió mùa Tây Nam cấp 7, cấp 8 mà không trú vào đâu được, vẫn phải đi tiếp. Vào đến bờ, mấy ngày sau vẫn đi bồng bềnh như người say rượu”, anh kể.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh là được trực tiếp tham gia công trình dựng tượng đài vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo ở trên đảo Song Tử Tây. “Là người con của quê hương nhà Trần, trực tiếp dựng tượng đài Đức Thánh Trần để khẳng định chủ quyền Việt Nam trên biển đảo, tôi cảm thấy rất tự hào”, anh nói.
Ngoài những người vướng việc gia đình phải ở lại đất liền lâu như anh Bốn, thời điểm này ở làng chỉ còn vài thợ lứa đầu ra xây dựng đảo, nay đã “giải nghệ”. Ông Lê Văn Biền là một trong số đó. Tuổi ngoài 60, tóc đã muối tiêu, khuôn mặt đen sạm vất vả, nhưng ông như trẻ lại khi hồi tưởng những ngày đi theo Thiếu tướng Hoàng Kiền ra xây dựng ở Trường Sa.
“Ông Kiền là người gốc làng Bỉnh Di. Hồi năm 1992 ông ấy đang làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn công binh 83, được giao nhiệm vụ xây dựng nhà văn hóa ở đảo Nam Yến. Ông về làng tìm thợ, phải người nhiệt tình, thành phần tốt mới được chọn. Tôi cùng bảy thợ nữa là lứa đầu ra vác đá, vác gạch, đào móng xây cái nhà hai tầng đầu tiên trên đảo”, ông Biền nhớ lại.
Theo ông Biền, với phần lớn người dân Bỉnh Di đi xây đảo, lý do kinh tế chỉ là một phần. “Một phần nữa vì Trường Sa, Hoàng Sa là biển đảo của mình. Mình tình nguyện ra đảo cũng là để góp công sức nhỏ bé bảo vệ, kiến thiết đảo thêm vững mạnh”, ông nói giản dị.
Bay xây, thước thợ vào bảo tàng
Ở làng Bỉnh Di có một bảo tàng tư nhân có tên “Bảo tàng Đồng quê”, do bà Ngô Thị Khiếu, một giáo viên về hưu đứng ra xây dựng. Bảo tàng mới khánh thành ngày 12/12/2012, chỉ có 5 nhân viên do bà Khiếu tự xoay sở lo trả lương. Điểm độc đáo của bảo tàng có lẽ không nằm ở những đồ mây tre, đồ đồng, đồ sứ cổ lỗ, quê mùa, mà người ta cũng có thể nhìn thấy ở một số bộ sưu tập tư nhân đang là “mốt” hiện nay. Đặc biệt nhất ở bảo tàng này là dành một góc trang trọng cho những cái bay xây, thước thợ, bộ đồ làm nghề mộc… của những người dân Bỉnh Di mang đi xây đảo Trường Sa.
Bà Khiếu còn nhờ một số cán bộ quân đội dựng lại mô hình những công trình mà dân Bỉnh Di đã dựng trên những đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa. Theo lời giới thiệu của cô hướng dẫn viên, nếu quan sát kỹ những mô hình này, người xem có thể nhận ra những công trình xây dựng từ đầu những năm 1990 còn đơn sơ, nhỏ bé, trong khi đó công trình xây dựng thời gian gần đây hơn đã kiên cố, hiện đại hơn hẳn. Trên góc tường của bảo tàng, nhiều bức ảnh chụp những đoàn thợ làng đã ra xây đảo đặt cạnh ảnh chụp hoa bàng vuông, một loài cây đặc trưng của Trường Sa.
Bà Giám đốc Bảo tàng nói mong muốn của mình giờ đây chỉ là có đủ khả năng về “sức người, sức của” để duy trì hoạt động của bảo tàng, vì: “Ban đầu tôi chỉ định làm quy mô nhỏ, làm nơi thăm quan cho học sinh trong làng, để lưu giữ những vật kỷ niệm của gia đình. Nhưng bây giờ xây dựng rồi thì khách ở khắp các nơi đến đông quá, mình thấy bắt đầu quá sức rồi. Có nhiều người dân làng đưa người quen về thăm bảo tàng, 7 – 8h tối còn gọi điện cho tôi yêu cầu mở cửa cho thăm quan”.
Vốn là một giáo viên dạy môn Sinh học – Địa lý, bà Khiếu nắm rất rõ những thông tin mang tính văn hóa xã hội của địa phương. “Năm 1988, có rất nhiều bộ đội hải quân quê Nam Định, Thái Bình hi sinh ở Trường Sa. Phải biết được bối cảnh đó mới thấy cái tình của người dân Bỉnh Di khi họ sẵn sàng lên đường đi xây đảo. Tôi sống ở làng ở thời điểm đó, tôi biết nhiều bà vợ cứ nhận được thư chồng đi làm ăn xa gửi về là lại khóc”, bà Khiếu chia sẻ.
“Bảo tàng đồng quê” dành hẳn một góc trang trọng ngay tại tầng một để trưng bày những kỷ vật của thợ làng đi xây dựng đảo là vì lẽ đó. Hàng ngày, các em học sinh, các đoàn thăm quan vào thăm bảo tàng đều vô cùng thích thú khi có thêm một góc nhìn thú vị về công việc ý nghĩa của những người nông dân ở ngôi làng ven biển. Từ những bức ảnh, những cái bay xây, những cái chàng, cái đục của người thợ, khách thăm quan hiểu thêm về công việc kéo dài 20 năm nay của những thợ xây, thợ mộc bình dị, những người đã viết nên một trang quan trọng trong sử làng.
Phượng Nguyễn