Hàng không Việt Nam: Bao giờ lên chuẩn 5 sao?

Cuối năm 2014, Vietnam Airlines được Tổ chức xếp hạng hàng không sân bay Skytrax xếp hạng 3 sao
Cuối năm 2014, Vietnam Airlines được Tổ chức xếp hạng hàng không sân bay Skytrax xếp hạng 3 sao
(PLO) - Hàng không Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, thị trường vận tải đứng thứ 5 trong khối ASEAN, với đội bay thương mại 190 - 210 chiếc, thay vì hơn 100 chiếc như hiện nay.
Với chiến lược mới này, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kỳ vọng thị phần vận tải của loại hình vận tải này cũng sẽ được nâng lên và chiếm một tỷ trọng tương xứng trong cơ cấu vận tải của toàn bộ hệ thống GTVT của Việt Nam, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là những vùng kinh tế trọng điểm, vùng sâu, vùng xa và vùng biển đảo.
Tham vọng 5 năm lên... một sao
Theo Đề án tái cơ cấu vận tải hàng không đến năm 2020, vận tải khách nội địa của ngành này sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 3,23%, còn vận tải hàng hóa nội địa sẽ chiếm khoảng 0,04% trong tổng thể cơ cấu chung ngành GTVT. Mục tiêu tăng thị phần vận tải hành khách quốc tế đối với Hàng không Việt Nam cũng đã được đặt ra với con số 45,9%... 
Với những “gạch ngang đầu dòng” cơ bản này, ngành GTVT đang muốn hướng đến vị trí thứ 5 về thị trường vận tải hàng không Việt Nam trong khối ASEAN. Theo đó, ngoài việc khai thác triệt để thị trường hiện có, Bộ chủ quản lĩnh vực này cũng khuyến khích các hãng phấn đấu đến năm 2020 có hoạt động khai thác quốc tế thường lệ đến toàn bộ các cảng hàng không quốc tế được công bố; đồng thời tăng tần suất trên các đường bay hiện tại đến toàn bộ các cảng hàng không nội địa với mức tối thiểu là 7 chuyến/tuần.
Muốn vậy, từ nay đến đó, đội tàu bay của các hãng hàng không của Việt Nam phải phấn đấu đạt con số 190 - 210 chiếc thay vì khoảng 110 chiếc của các hãng cộng lại như hiện nay. Đối với những hãng hàng không truyền thống sẽ phải nâng cao chất lượng dịch vụ trên không và dưới mặt đất... để được xếp tiêu chuẩn 4 - 5 sao theo tiêu chí đánh giá của Tổ chức xếp hạng hàng không sân bay Skytrax. 
Để có thị phần vận tải và tồn tại được trong bối cảnh cạnh tranh ngày một gay gắt, các hãng hàng không của Việt Nam không còn cách nào khảc là phải nỗ lực bởi từ lâu trong khu vực ASEAN đã có bốn hãng hàng không của ba nước được Tổ chức xếp hạng hàng không Skytrax xếp hạng 4 sao, đó là Bangkok Airways, Thai Airways (Thái Lan), Silk Air (Singapore) và Garuda Indonesia (Indonesia). 
Đặc biệt, hai hãng hàng không SingaporeAirlines (Singapore) và Malaysia Airlines (Malaysia) đã được xếp hạng 5 sao - tiêu chuẩn cao nhất trong hàng không dân dụng thế giới. Trong khi đến thời điểm cuối năm 2014, Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất của Việt Nam mới  được xếp hạng 3 sao.
Thêm đường bay mới đi Mỹ, Ấn Độ, Quatar
Để Hàng không Việt Nam vươn tới tầm cao, một nhóm 9 nhiệm vụ và giải pháp cũng đã được Bộ GTVT đưa ra như một sự gợi ý cho bài toán hướng đến thứ hạng 5 trong khu vực ASEAN. Trong đó, đáng chú ý là giải pháp nâng cao hiệu quả vận tải hàng không, tăng cường kết nối, phát triển vận tải đa phương thức và logistics (hoạt động chuyên chở, lưu giữ và cung cấp hàng hóa). 
Cụ thể, trong vòng 5 năm tới, Vietnam Airlines cần phát triển đội tàu bay lên 150 chiếc (sở hữu 80 chiếc), các hãng khác dự kiến có 50 - 60 chiếc; riêng tàu bay tầm xa để khai thác các đường bay dài sẽ có thêm 20 - 24 chiếc.
Nếu năng lực của đội bay nâng lên, trong vòng 5 năm tới, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam sẽ mở các đường bay mới đến San Francisco và Los Angeles (Mỹ), New Delhi và Mumbai (Ấn Độ), Doha (Quatar)... Cũng giai đoạn này, Vietnam Airlines và Vietjet Air sẽ khai thác đội tàu bay chở hàng các đường bay quốc tế thường lệ và không thường lệ đi, đến từ Việt Nam tới các điểm ở Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nam Á và châu Âu có thương quyền 5.
Một gợi ý nữa để nâng cao toàn diện năng lực vận tải của ngành này cũng đã được đề cập trong đề án tái cơ cấu đó là tăng cường phát triển các kho hàng hóa, bãi chứa container, từng bước kết nối vận tải hàng không với các loại hình vận tải khác. 
Cụ thể, mục tiêu đặt ra là xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Nội bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất đều có thể kết nối với hệ thống đường bộ và dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng. Ngoài ra, Hàng không cần chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Du lịch trong các hoạt động quảng bá du lịch, phát động thị trường, quảng bá điểm đến, visa du lịch... để thu hút khách hàng.
Bộ GTVT cũng lưu ý, để phục vụ công tác tái cơ cấu hoạt động vận tải hàng không bên cạnh việc hoàn thành cổ phần hóa Tổng Cty Hàng không Việt Nam cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu Tổng Công ty này nhằm tạo ra một doanh nghiệp có năng lực mạnh, đảm bảo thực hiện đầy đủ, thống nhất và đồng bộ các chiến lược, quy hoạch của Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực đầu tư, quản lý, khai thác hệ thống cảng hàng không. 
Sau 9 năm vẫn hạng 3 sao
“Theo kết quả xếp hạng các hãng hàng không trên thế giới cách đây gần 10 năm, Vietnam Airlines khi đó là hãng 3 sao, và đến cuối năm 2014, theo công bố của  Tổ chức xếp hạng hàng không sân bay Skytrax, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cũng vẫn chỉ ở hạng... 3 sao. Trong khi trong khu vực, nhiều hãng từ lâu đã được xếp hạng 4 sao như Bangkok Airways, Thai Airways (Thái Lan), Silk Air (Singapore) và Garuda Indonesia (Indonesia). Đặc biệt, hai hãng hàng không Singapore Airlines (Singapore) và Malaysia Airlines (Malaysia) đã được xếp hạng 5 sao - tiêu chuẩn cao nhất trong hàng không dân dụng thế giới. Mục tiêu này, ngành Hàng không Việt Nam dự kiến sẽ đạt được sau 5 năm nữa”.

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.