Cha mẹ bất hòa, con lên mạng sống trong “thế giới ảo”
Năm 1989, vợ chồng anh Bùi Kiên Quyết (SN 1965) và chị Phạm Tuyết Nga (SN 1969) chuyển từ Hà Nội vào sống tại khu phố Ngã Ba, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Anh Quyết làm kĩ sư trong nhà máy xi măng Hà Tiên, vợ làm kế toán ở một công ty gần nhà. Khi con gái đầu lòng Bùi Thảo My (SN 1994) tròn hai tuổi, vợ chồng xảy ra một số mâu thuẫn về tình cảm. Từ đó đến nay, dù vẫn sống chúng nhưng cuộc sống hai người luôn ở trong tình trạng “cơm không lành, canh chẳng ngọt”.
Đầu năm 2000, khi không chịu nổi không khí bức bối, ngột ngạt trong gia đình, chị Nga đã dẫn theo con gái lên TP.HCM sinh sống, để lại con trai Bùi Đại Minh (SN 1997) vừa lên 3 tuổi cho chồng chăm sóc, hai năm sau chị mới quay về.
Phần vì buồn chán chuyện gia đình lục đục, phần vì cuộc sống khép kín, ít khi tiếp xúc, trò chuyện với những xung quanh, cha mẹ lại không quan tâm tới mình, cứ về nhà là hai đứa con chỉ biết lao đầu vào thế giới ảo trên mạng, chơi game, chát để giết thời gian.
Sau vài tháng sống cùng thế giới ảo, học lực hai đứa trẻ sa sút trầm trọng. Bên cạnh đó, cả hai chị em đều có những biểu hiện ít ăn, ít ngủ, hay trầm tư một mình, nổi cáu vô cớ…
Năm lên lớp 11, My phải nghỉ học vì có nhiều dấu hiệu bất thường về thần kinh, không tự chủ được về hành vi và lời nói. Đi khám, các bác sĩ đưa ra kết luận My bị “rối loạn cảm xúc lưỡng cực”. Một năm sau, Minh cũng phải rời ghế nhà trường khi đang học lớp 7 vì có nhiều biểu hiện lạ gây nguy hiểm đến những người xung quanh như hay la hét, đập phá đồ đạc… được bác sĩ kết luận “rối loạn tâm thần”.
Thiếu niên 17 tuổi nghiện game vóc dáng và khuôn mặt đã như một trung niên. |
Cả hai con liên tục đổ bệnh khiến, cha mẹ phải xin nghỉ việc một thời gian để lo chạy chữa, thuốc men. Hai đứa trẻ được cha mẹ đưa ra điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Một thời gian sau, vợ chồng anh Quyết lại xin đưa hai con ra ngoài để tiện chăm sóc. Bệnh tình vẫn không thuyên giảm, nợ nần chồng chất, cả nhà lại dắt díu nhau vào lại Kiên Giang sinh sống.
Người tâm thần khao khát yêu thương
Hơn bốn năm nay, chị Nga phải bỏ việc ở nhà để chăm sóc cho hai đứa con bệnh tật, mọi chi phí ăn uống, sinh hoạt đều đổ dồn lên vai người chồng. Lặng lẽ lau những giọt nước mắt mặn chát, chị nghẹn ngào: “Tại vợ chồng tôi lo làm ăn, suốt ngày đi vắng, khi về nhà lại không quan tâm tới con cái mới xảy ra cơ sự như ngày hôm nay. Cứ tưởng có máy tính trong nhà, hai con sẽ học hỏi được nhiều thứ bổ ích. Không ngờ, cả hai đứa mê game rồi quên ăn quên ngủ mà phát bệnh”.
Cứ mỗi ngày, Minh thức dậy là lại lao vào máy tính ngồi chơi, không để ý đến bất cứ thứ gì khác xung quanh. Một khi Minh đã chơi game, dù có “bom nổ bên tai”, thiếu niên này cũng chẳng thèm quan tâm.
Mới 17 tuổi nhưng hình dáng và vẻ mặt của cậu thiếu niên chẳng khác nào một… trung niên gần 40 tuổi. Cứ khoảng 11h trưa và 8h tối là Minh lại lên cơn la hét, đập phá đồ đạc, có khi còn đánh cả mẹ và chị, mỗi lần lên cơn chừng 10 - 15 phút. Nếu những lúc lên cơn, có ai đó giữ tay chân lại, cậu thiếu niên lồng lộn một lúc sẽ hết. Nếu không thì người mẹ đành nước mắt lưng tròng nhìn con la hét, đập phá đồ đạc.
Về phần My, cô gái này nói lảm nhảm rất nhiều. Thiếu nữ nói những chuyện viển vông sang Mỹ du học, lấy chồng ngoại quốc, có tiền đô xài, được làm hoa hậu thế giới… Giây phút tỉnh táo hiếm hoi, My tâm sự: “Em muốn ở nhà phụ giúp mẹ dọn dẹp, muốn được đi nhà thờ cầu nguyện mỗi ngày, luyện tập cho tâm hồn thanh thản. Em không muốn ở trong bệnh viện tâm thần, ở trong đó chỉ biết ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân và đi công viên chơi thôi. Về nhà thoải mái hơn”.
Người mẹ buồn rầu bên cạnh cô con gái mắc tâm thần nhẹ |
Gần 1 năm nay, My thường xuyên đến nhà thờ. Dù gặp bất kỳ ai trên đường, lạ hay quen, cô đều tìm tới bắt tay: “Chúc sức khỏe, giàu tình thương yêu” cho bằng được mới chịu đi.
Có nhiều thanh niên thấy cô gái dễ thương, lại chủ động bắt tay, nên thường dừng lại trêu chọc. Những lúc ấy, My tỏ vẻ mừng quýnh, đứng nói chuyện trên trời dưới đất. Dường như cô gái khao khát yêu thương, cần sự quan tâm, cần người trò chuyện.
Bệnh tình khó chạy chữa
Ông Nguyễn An Hòa, tổ trưởng tổ dân phố Ngã Ba xác nhận: “Trước đây, cả My và Minh đều có thành tích khá giỏi trong học tập, từ khi phát bệnh mới nghỉ”.
Khách chuẩn bị ra về, My chạy theo năn nỉ: “Anh ơi, em muốn học tiếp lớp 11, muốn được đi tới nhà các bạn nói chuyện, muốn được các bạn tới nhà chơi với em. Em không muốn ở nhà một mình, khi em nghỉ học, không có ai chơi với em nữa, anh có giúp em được không? Em muốn đi học tiếng Anh, muốn có làn da trắng, răng đẹp, chiều cao lý tưởng, thân hình cân đối để thi hoa hậu thế giới. Nếu đoạt giải, em sẽ làm từ thiện, anh có giúp em được không?”.
Trao đổi với Pháp luật & Thời đại về trường hợp của hai chị em My, Bác sĩ Hoàng Thị Hương, Khoa tâm thần, Bệnh viện tâm thần Đồng Nai chia sẻ: “Rối loạn cảm xúc lưỡng cực và rối loạn tâm thần là hai chứng bệnh liên quan đến hệ thần kinh. Có nhiều cấp độ, triệu chứng và biểu hiện bệnh lý khác nhau ở từng bệnh nhân. Gia đình cần đưa hai cháu đến các bệnh viện tâm thần để được khám và phân tích chính xác về mức độ, giai đoạn phát bệnh. Thông qua đó các bác sĩ sẽ tìm hiểu một cách kĩ lưỡng hoàn cảnh, môi trường sống, các triệu chứng, biểu hiện của bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất. Ngoài việc trị liệu bằng thuốc men, bệnh nhân cần có bác sĩ chuyên khoa tâm thần điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị hiệu quả cho hai chứng bệnh này”./.