Người tâm thần gây án: Biết trước hậu quả nhưng thiếu phòng ngừa

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Người tâm thần không có năng lực trách nhiệm hình sự. Nói nôm na, khi họ gây án thì không phải đi tù mà chỉ phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Nhưng bệnh tâm thần dù đã được điều trị ổn định vẫn có nguy cơ tái phát và tiếp tục gây ra những hậu họa khôn lường, trong khi pháp luật tố tụng hình sự lại chưa có quy định buộc người tâm thần phải đến cơ sở khám chữa bệnh để điều trị nếu họ chưa… gây án.
Mới đây, chỉ vì bực tức khi thấy cháu ruột là bé Bùi Nguyễn Hoài Thương (15 tháng tuổi) quấy khóc đòi mẹ, đối tược Bùi Quyết Thắng (20 tuổi, tạm trú tại tổ 13, khu phố Quang Trung, phường Vĩnh Quang, TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, là em ruột mẹ bé Thương), đã lấy than nhét vào miệng cháu bé khiến cháu tử vong. Được biết, Thắng là đối tượng bị tâm thần vĩnh viễn sau vụ tai nạn bị cây đè. 
Trước đó, trong vòng 3 ngày, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cũng xảy ra 2 vụ án mạng đau lòng mà hung thủ có biểu hiện bệnh lý về tâm thần. Vụ thứ nhất xảy ra vào khoảng 21h ngày 5/6, đối tượng gây án là Lê Minh Tâm (38 tuổi, ngụ ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên) trong lúc không kiểm soát được hành vi của mình đã dùng dao đâm vào cổ con gái mới 7 tuổi của mình khiến cháu bé thiệt mạng. Theo người nhà cho biết, Tâm có biểu hiện của bệnh tâm thần, cách đây 3 năm đã được đi khám và chữa bệnh tại Bệnh viện T.Ư 2 (Đồng Nai).
Cách đây không lâu, tại Thanh Hóa cũng xảy ra vụ án mạng đau lòng do người tâm thần gây ra khiến hai cháu bé là anh em ruột chết thảm. Người đàn ông hàng xóm vốn rất hiền lành bỗng vô cớ xông vào nhà các em vung dao chém tới tấp khi các em đang nằm chơi trên giường khiến người lớn không kịp trở tay. 
Sau chuyện này, người gây án buộc phải vào cơ sở chữa bệnh thay vì phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng khi người bệnh được bệnh viện cho về vì sức khỏe đã ổn định thì cả làng, cả xóm lo ngay ngáy. Họ lo một ngày nào đó, bệnh tâm thần của người này lại có nguy cơ tái phát và biết đâu sẽ cướp đi sinh mạng của bao nhiêu người khác nữa. 
Và không chỉ người dân mà cả các cơ quan, đoàn thể thuộc chính quyền thôn, xã đều viết đơn lên tỉnh, lên Trung ương đề nghị cách ly “kẻ giết người” khỏi địa phương, nhưng tất cả những đề nghị của họ đều không được giải quyết bởi một lý do đơn giản: pháp luật chưa có quy định cách ly người tâm thần ra khỏi cộng đồng khi họ đã được điều trị bệnh ổn định. 
Chỉ buộc chữa bệnh khi đã… gây án
Không thể kể hết những hậu quả mà người tâm thần gây ra và điều đau lòng hơn, hầu hết những nạn nhân trong các vụ án mạng đều là ruột thịt hoặc người thân của người bị tâm thần. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, chính gia đình của người bị tâm thần lại giấu bệnh của con em mình khiến mọi người xung quanh chủ quan và không cảnh giác, để đến khi họ gây ra án mạng thì sự việc đã không thể cứu vãn. 
Ngay từ năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2011/NĐ-CP về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Nhưng việc chữa bệnh bắt buộc này chỉ được áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan tố tụng - tức là khi đã có hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật hình sự - còn trước khi người tâm thần gây án, họ không bị bắt buộc chữa bệnh để ngăn ngừa hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. 
Nhiều luật sư cho rằng, mặc dù có thể nhìn thấy trước hậu quả do hành vi nguy hiểm của người tâm thần gây ra nhưng pháp luật hiện hành đang thiếu hẳn quy định về phòng ngừa người tâm thần gây án cũng như trách nhiệm người “cầm chịch” trong việc đưa người tâm thần đi chữa bệnh (chính quyền địa phương hay các cơ quan tố tụng?). Và dù cơ quan chức năng có yêu cầu gia đình bệnh nhân đưa người tâm thần vào các trung tâm chữa trị, nhưng nếu gia đình họ không có tiền hoặc neo đơn thì cũng chẳng thể xử lý được. 
Trường hợp này, cơ quan điều tra đành giao cho chính quyền địa phương quản lý, tuy nhiên việc làm đó phần nhiều mang tính hình thức, không phải lúc nào chính quyền cũng có điều kiện để mắt đến người tâm thần. Chính vì vậy, việc phải sống chung với người tâm thần đang là mối lo ngại của toàn xã hội khi họ không được quản lý và kiểm soát chặt chẽ.
Vậy khi người tâm thần gây án, ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân? Việc cách ly người tâm thần và người tâm thần phạm tội được quy định ra sao? PLVN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Ngọc Hà  - Trưởng Văn phòng Luật sư Đa Phúc xung quanh vấn đề này.
Người tâm thần nếu có tài sản thì phải bồi thường
Theo quy định của pháp luật thì người tâm thần khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật không phải chịu trách nhiệm hình sự. Vậy họ có phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự không, thưa luật sư?
- Tùy vào trạng thái bệnh cũng như thời điểm khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, người tâm thần có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự, không bị xử phạt vi phạm hành chính, không phải bồi thường thiệt hại dân sự theo tính nhân đạo của pháp luật hoặc vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự khi đủ điều kiện luật định.
Luật sư Lê Ngọc Hà
Luật sư Lê Ngọc Hà
Khoản 3 Điều 606 Bộ luật Dân sự quy định: “Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.”
Như vậy, nếu người tâm thần (mất năng lực hành vi dân sự) không có người giám hộ mà gây ra thiệt hại cho tài sản, sức khỏe, danh dự của người khác thì những thiệt hại này không có ai đứng ra chịu trách nhiệm vì người tâm thần được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự.
Thưa Luật sư, trên thực tế, có nhiều trường hợp kẻ phạm tội đã lợi dụng những quy định nhân đạo của pháp luật để giả bệnh tâm thần khi gây án. Thậm chí người phạm tội còn có sổ bệnh án khám tâm thần của cơ quan giám định về tình trạng bệnh lý tâm thần xác nhận họ bị bệnh. Trường hợp này làm thế nào để phát hiện tâm thần thật, tâm thần giả và các chế tài của pháp luật xử lý, giải quyết các trường hợp này như thế nào?
- Để phát hiện được bị can bị tâm thần thật hay tâm thần giả, cơ quan chức năng sẽ thực hiện trưng cầu giám định hoặc tiến hành giám định lại đối với những người có nghi vấn giả bệnh án. Kết quả giám định sẽ là cơ sở pháp lý để quyết định tiếp cả quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Nếu kết quả giám định kết luận bị can là tâm thần trong thời điểm phạm tội thì áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; nếu kết quả giám định kết luận họ không bị bệnh thì người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự như bình thường.
Luật sư có thể cho biết, ngoài các quy định trong Bộ luật Hình sự, còn có những trường hợp nào mà người tâm thần phải bị áp dụng hình thức bắt buộc chữa bệnh?
- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 66 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 thì người bị bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm có ý tưởng, hành vi tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác theo quy định của pháp luật phải áp dụng hình thức bắt buộc chữa bệnh. 
Có nên cách ly người tâm thần khỏi cộng đồng?
Những người mắc bệnh tâm thần do bị mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nên thường thực hiện nhiều hành vi gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về việc cách ly những người này khỏi cộng đồng? Theo Luật sư, để tránh những hậu quả đau lòng có thể xảy ra, có nên cách ly người tâm thần khỏi cộng đồng?
- Pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc bắt buộc cách ly người bị bệnh tâm thần với cộng đồng khi người đó chưa thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Các bệnh viện chỉ tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân bị tâm thần ở giai đoạn cấp tính. Sau khi điều trị, bác sĩ giám định lại thấy sức khỏe, tinh thần họ ổn định, không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội thì cho họ về với gia đình hoặc gia đình muốn đưa người bệnh về thì bệnh viện cũng sẽ cho về. 
Theo tôi, việc vừa thực hiện chữa bệnh vừa cách ly khỏi cộng đồng đối với người bệnh tâm thần phạm tội và những người tâm thần dù chưa phạm tội nhưng thường có những hành vi đe dọa xâm hại sức khỏe, tính mạng của người khác là việc làm rất cần thiết. Một mặt sẽ chữa trị cho họ khỏi bệnh để trở thành người bình thường, hòa nhập với cuộc sống bên người thân, gia đình và xã hội. Mặt khác, sẽ phòng ngừa được hiện tượng người mắc bệnh tâm thần vi phạm pháp luật, gây hại cho cộng đồng xã hội hoặc giả bệnh tâm thần để phạm tội, “né” trách nhiệm hình sự với Nhà nước và trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự với người bị thiệt hại.
Trân trọng cám ơn Luật sư!

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.