Hại hàng xóm vì mâu thuẫn vặt
Bị cáo Nguyễn Trường Gian ở ấp 1, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An dù mới 50 tuổi nhưng mái tóc đã bạc phơ khiến ai cũng tưởng đó là ông cụ 80. Gian bị truy tố về tội giết người.
Bốn năm trước đây, vào ngày 22/1/2010, sau khi đi đám cưới về, Gian và một số hàng xóm rủ nhau vào một quán nhậu để lai rai tiếp. Trong lúc nhậu, giữa Gian và anh Ngô Thành Tâm (SN 1984, ngụ cùng ấp) phát sinh mâu thuẫn rồi chửi mắng nhau. Thấy vậy, những người còn lại can ngăn và kéo cả hai tới nhà một người bạn khác để tiếp tục nhậu.
Tưởng rằng mâu thuẫn giữa hai người sẽ được hóa giải, nhưng đến chỗ nhậu mới cả hai lại tiếp tục cuộc khẩu chiến rồi hỗn chiến. Dù anh Tâm được một người bạn kéo ra xe để chở về nhà, tránh đụng độ, nhưng ông Gian vẫn không tha, mà chạy xe theo để “làm cho ra nhẽ”.
Khi đến một đoạn đường lầy lội, khó đi nên Tâm xuống xe đi bộ, còn bạn Tâm đi xe trước. Một lúc sau, ông Gian đuổi kịp, Tâm thấy vậy đứng lại chặn đầu xe ông Gian múa máy chân tay đòi đánh ông Gian. Thấy bị thách thức, Gian dựng xe xuống, mở cốp xe lấy con dao Thái Lan rồi lao vào đâm anh Tâm.
Những nhát đâm liên tiếp khiến nạn nhân thủng gan, thủng động mạch ngã quỵ ngay tại chỗ. Nạn nhân được bạn đưa đi cấp cứu nên giữ được mạng sống nhưng để lại tỷ lệ thương tật là 40%.
Qua giám định, biết Gian có bệnh lý tâm thần phân liệt nên cơ quan chức năng đã đưa bị cáo đi chữa bệnh bắt buộc. Sau một thời gian, thấy bệnh tình ông Gian ổn định, TAND tỉnh Long An đã đưa vụ án ra xét xử tuyên phạt mức án 8 năm tù. Sau đó bị cáo kháng cáo vì cho rằng mình chỉ phạm tội cố ý gây thương tích, chứ không phạm tội giết người.
Xét thấy TAND tỉnh Long An đã vi phạm nghiêm trọng về tố tụng (không mời luật sư bào chữa chỉ định, bởi bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nên buộc phải có luật sư), TANDTC tại TP.HCM đã tuyên hủy án sơ thẩm, giao cho tòa sơ thẩm xét xử lại từ đầu.
Vẫn phải ngồi tù vì bệnh tâm thần “đến muộn”
Cuối năm 2013, TAND tỉnh Long An đã xét xử lại. Tại phiên tòa này, luật sư bào chữa và đại diện cho bị cáo đề nghị HĐXX cho bị cáo được hưởng án treo để điều trị bệnh vì cho rằng ông Gian bị bệnh tâm thần mãn tính đã nhiều năm, có xác nhận của cơ quan chức năng.
Tuy nhiên HĐXX cho rằng, tâm thần phân liệt của bị cáo chỉ là một lưu ý để HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt, chứ không miễn truy cứu trách nhiệm Hình sự. Việc bị cáo giết người mà nạn nhân không chết là nằm ngoài ý muốn của bị cáo. Lúc gây án, bệnh tình của bị cáo ổn định, làm chủ được bản thân…
Nhiều năm qua, người vợ hiền phải luôn túc trực bên chồng, kể cả lúc ra tòa |
Một lần nữa, đại diện bị cáo tiếp tục kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho chồng để ông có cơ hội chữa bệnh tốt hơn. “Hồi mới cưới nhau tui không thấy ông ấy có biểu hiện gì lạ, nhưng chừng 15 năm trở lại đây ông ấy thường lầm bầm một mình. Tuy không đến mức quậy phá tan tành, bỏ nhà chạy lung tung, nhưng ông ấy vẫn ném xoong nồi bát chảo, chửi bới vợ con. Lo sợ ông ấy phát bệnh giống như người anh con bác ruột nên gia đình tui đã đưa ông đi điều trị nhiều nơi, nhưng vẫn không có kết quả gì mà ngày càng trầm trọng hơn”, người vợ nói.
“Ngày 17/3/2014 vừa qua, Trung tâm Giám định pháp y tâm thần thuộc sở Y tế TP.HCM đã kết luận “Hiện tại bệnh nhân Gian bị tâm thần phân liệt, thể hoang tưởng, từng gia đoạn với thiếu sót ổn định (F20.0.2- ICD10)”. Giờ chỉ mong HĐXX cho ông ấy mức án nhẹ để gia đình tui chăm sóc ông ấy khỏi bệnh, chứ vô tù thì không biết ông ấy sẽ ra sao…”, vợ của bị cáo mong muốn.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tòa phúc thẩm vẫn quyết định y án sơ thẩm với bị cáo. Bị cáo không được miễn trách nhiệm hình sự vì lúc gây án vẫn ổn định tâm lý, làm chủ được bản thân; xác nhận tâm thần chỉ có sau khi gây án một thời gian dài. Rời phiên tòa, chân thấp chân cao, bị cáo bước những bước khập khiễng theo sự dìu dắt của người vợ, ánh mắt lờ đờ đó vẫn nhìn vào vô vọng, lâu lâu lại lẩm bẩm một mình.
Điều 13 Bộ luật Hình sự:
“Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Khi thực hiện tội phạm, trong trường hợp người mắc bệnh tâm thần nhưng vẫn còn khả năng nhận thức thì vẫn phải chịu trách nhiệm trước hành vi phạm tội của mình”.