Đã rất lâu Chị Tường Vy, 35 tuổi, kế toán viên (Long Biên – HN) thường sống chung với nỗi ám ảnh kỳ lạ, khiến cuộc sống và những người thân trong gia đình đảo lộn: "Tôi gặp ác mộng khoảng một tháng một lần với nội dung giống hệt nhau. Tôi mơ thấy người chết đi theo mình, nhập vào mình và nhập vào những người khác trong gia đình, cảm giác muốn la hét , muốn bỏ chạy nhưng không được, đến khi thức giấc thì mồ hôi đầm đìa và người lạnh run".
Ngoài ra, những nỗi sợ hãi cũng làm nảy sinh ác mộng. Thùy Linh, 18 tuổi, từng trải qua nhiều cơn ác mộng khủng khiếp về những người luôn cố đuổi bắt và hành hạ cô. Nguyên nhân là do hồi bé, lúc 4 tuổi cô bị một người bắt cóc giam cầm 3 tuần tại nơi rừng hoang và đánh đập khi cô khóc vì sợ. Những tổn thương và sợ hãi này đã khiến Thùy Linh gặp ác mộng. Giấc mơ cứ lập lại liên tục khiến cô suy sụp về thể chất cũng như tinh thần.
Đa số chúng ta đã từng gặp ác mộng. Nhưng với những người bị ác mộng thường xuyên thì thực sự là bi kịch, cần một phương pháp điều trị.
|
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Theo ThS. Trần Thị Nhi, Trung tâm Giám định pháp y tâm thần -TP HCM, ác mộng là những giấc mơ khó chịu, thường xảy ra vào ban đêm (đôi khi là ban ngày) khi đang ngủ. Ác mộng thường đáng sợ, gây lo lắng và khiến người gặp ác mộng bị mất ngủ.
Nguyên nhân của cơn ác mộng rất đa dạng: Đó có thể là do trạng thái thể chất suy giảm, do căng thẳng tột độ, do trải qua các sang chấn tinh thần, trầm cảm; quá tức giận, đau khổ, vui sướng; sốt và bệnh tật. Hoặc do tác dụng phụ của một vài loại thuốc, do quá khứ xấu gây chấn động tâm lý mạnh... nhưng cũng có khi chỉ đơn giản là do thiếu ngủ hay trạng thái bất thường, không thoải mái khi ngủ, ăn quá sát giờ đi ngủ dẫn đến cung cấp rất nhiều năng lượng cho não làm não hoạt động tích cực hơn ngay cả khi ngủ...
Một cơn ác mộng có thể là bình thường nhưng ác mộng cứ lặp lại, gây ra những nỗi sợ hãi, lo âu, mệt mỏi thì là bệnh. Sự quấy nhiễu liên tục của ác mộng có thể gây ra nhiều chứng rối loạn tâm thần như ám ảnh sợ, trầm cảm, hoang tưởng, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ…, trong đó rối loạn giấc ngủ là thường gặp nhất vì người bị ác mộng thường không có giấc ngủ chất lượng. Điều đó dẫn đến sự mệt mỏi, sa sút thể chất, tinh thần.
Ác mộng cũng có thể đưa đến rối loạn trầm cảm khi đi kèm với một số bất ổn tâm thần khác khiến người bệnh rơi dần vào trạng thái bi quan, từ đó cảm thấy tự ti, khó hòa nhập và sinh bệnh. Các chứng ám ảnh sợ, hoang tưởng… do ác mộng gây ra tùy theo hoàn cảnh cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến lối sống, sinh hoạt, hành vi của người bệnh. Đáng lo nhất là nếu ác mộng đã thành bệnh rồi mà vẫn không được phát hiện và điều trị kịp thời thì người bệnh sẽ phải đối mặt với các nguy cơ của bệnh tâm thần, tức sẽ nảy sinh những hành vi nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.
Ác mộng tuy đáng sợ nhưng hoàn toàn có thể chữa trị được. Để tránh các cơn ác mộng, điều đầu tiên là loại bỏ các nguyên nhân gây ra ác mộng.
Bạn nên kiểm tra các thuốc đang dùng, kiểm tra phòng ngủ xem có thông thoáng và dễ chịu không; hạn chế ăn khuya... Nếu bạn thường xuyên bắt gặp ác mộng, nên cố gắng ghi nhận lại các chi tiết, sự việc xảy ra trong giấc mơ vào buổi sáng rồi viết ra giấy. Giải quyết tận gốc những điều khiến bạn lo lắng trong cuộc sống sẽ giúp tinh thần thoải mái hơn, giấc ngủ sẽ đến dễ dàng và ít mộng mị hơn.
Không nên xem phim hay đọc những truyện rùng rợn, không đặt tay hay vật gì đó lên ngực khi ngủ, phải luôn giữ cho tâm hồn thoải mái.
Bên cạnh đó, bạn nên tập thể dục thể thao nhiều hơn. Chú ý tới môn yoga và thiền. Các bài tập thở cũng hết sức hữu ích trong việc chế ngự các cơn ác mộng. Nếu bạn vẫn lo lắng đối với việc liên tục bị ác mộng, hãy đến gặp bác sĩ tâm thần để được tư vấn và chữa trị thích hợp.