Thời gian qua, Báo Pháp luật Việt Nam liên tục nhận được phản ánh của nhiều hộ dân sống tại khu đô thị (KĐT) mới An Phú 2 về tình trạng hệ thống hạ tầng khu đô thị vẫn chưa được hoàn thiện, nhất là hệ thống đường điện. Dù các hộ dân ở KĐT đã kiến nghị nhiều lần tới chủ đầu tư nhưng tình trạng trên vẫn “dậm chân tại chỗ” khiến người dân vô cùng bức xúc.
Ông Ngô Bá Cảnh (65 tuổi) chia sẻ, gia đình ông chuyển về đây sinh sống được khoảng 5 năm. Nhưng từ khi chuyển về, không riêng gì gia đình ông mà rất nhiều hộ dân khác sống ở KĐT, luôn phải sống trong cảnh “khốn khổ” do điện có thể mất bất cứ lúc nào, làm cho cuộc sống của người dân nơi đây bị xáo trộn hoàn toàn.
Ông Cảnh cho biết, khi tới đây mua đất để xây nhà, giữa chủ đầu tư và hộ dân đều có hợp đồng bán đất đầy đủ. Trong bản hợp đồng bán đất, chủ đầu tư cam kết đảm bảo phần hạ tầng, điện nước đầy đủ cho người dân. Nhưng khi mua rồi, thực tế không như vậy. “Nhiều đoạn đường phố không được trải lớp thảm nhựa, vỉa hè lôm nhôm, không gọn gàng. Mang tiếng là KĐT mới lẽ ra hạ tầng điện đóm phải được đầu tư hiện đại, đầy đủ nhưng đi trời tối ở đây rất nguy hiểm do không có hệ thống đường điện chiếu sáng, trời tối om như mực. Đường điện dân sinh, tồi tàn, thường xuyên mất điện”, ông Cảnh chán nản cho biết.
Ông bảo, trước chưa có cột điện thì người dân cứ chăng dây bừa miễn sao có điện để dùng. Sau thấy làm như vậy rất nguy hiểm, các hộ dân đành phải tự chôn cột tre để kéo điện về dùng. Nhưng điện chồng chéo, phập phù khiến tình trạng mất điện xảy ra thường xuyên. Mùa hè không dám dùng điều hòa. Dù các hộ có sử dụng aptomat nhưng các thiết bị điện dùng trong nhà vẫn phải dùng rất dè chừng. Sơ xẩy một chút, điện yếu quá sẽ khiến đồ điện bị cháy, nổ. Sống “khổ” là vậy song có kiến nghị lên chủ đầu tư, tình trạng trên vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Lo sợ nếu không may những cột tre bị đổ gãy sẽ gây tai nạn điện giật chết người, không biết ai sẽ đứng ra chịu trách nhiêm nên một số hộ dân đã cùng nhau đóng góp tiền vào để dựng những cột điện bằng bê tông cho an toàn. Số tiền đầu tư tính ra từ 5 – 7 triệu/hộ.
Theo tìm hiểu, vào năm 2015, một số đồng hồ đo điện treo trên cây, bị sét đánh đã làm hỏng nhiều tivi và thiết bị điện của người dân sống trong KĐT. Người dân đã nhiều lần kiến nghị với nhà đầu tư cần phải thực hiện đúng cảm kết để bảo đảm nguồn điện sinh hoạt và bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân nhưng nhà đầu tư không thực hiện khiến người dân vô cùng bức xúc.
Mới đây, sau nhiều lần bị người dân kiến nghị, chủ đầu tư có hứa hẹn cuối tháng 12 này sẽ hoàn thiện hệ thống đường điện tại KĐT cho người dân. “Họ thông báo là vậy nhưng không biết có thực hiện đúng như vậy không?”, ông Cảnh ngán ngẩm nói.
Được biết, KĐT An Phú 2 do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư và việc cấp điện sinh hoạt tại khu đô thị cũng do chủ đầu tư này thực hiện. Tại buổi làm việc với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Phước, Giám đốc chi nhánh công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội tại Hải Dương khẳng định, hiện tại công ty đã hoàn thành công tác đấu nối đường dây trung thế, xây lắp đường dây hạ thế sau trạm biến áp và lắp đặt TBA01, TBA02, TBA34, TBA35, hoàn thành công tác nghiệm thu kỹ thuật và đóng điện phần trung thế, phần hạ thế với đơn vị quản lý vận hành.
“Ngày 30/11/2016, công ty đã gửi công văn tới Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương và Điện lực thành phố Hải Dương để công ty tạo điều kiện tiếp nhận, quản lý vận hành đường dây trung thế, trạm TBA01, TBA02, TBA34, TBA35 và phần hạ thế sau trạm biến áp để bán điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng. Sau khi thi công hoàn thành toàn bộ khối lượng của gói thầu, Chủ đầu tư sẽ tiến hành bàn giao tài sản cho Công ty điện lực. Thời gian là vào cuối tháng 12 này”, ông Phước cho biết.