Chưa đủ điều kiện, vẫn ngang nhiên khai thác cát
Tại khu vực Làng Mới, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh (đoạn ven sông Lam dọc quốc lộ 1A), hàng chục “núi” cát cao ngất ngưởng, máy xúc, máy cẩu, máy ủi hoạt động rầm rộ. Từng đoàn xe trọng tải lớn hối hả chở cát rơi vãi, bụi bặm ảnh hưởng môi trường. Bên bờ sông Lam, tàu thuyền, xà lan trở cát hoạt động “nhộn nhịp”. Cát được hút từ lòng tàu, xà lan phun thẳng lên bờ sông tạo thành những “quả núi”. Nước thừa từ việc hút này tạo thành dòng chảy có nguy cơ sụt lở bờ sông.
Đặc biệt, bãi tập kết cát được cho là của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lam Hồng - Nghi Xuân (Công ty Lam Hồng) hoạt động ngay dưới chân cột điện cao thế 110 KW gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu cột trụ, hành lang an toàn lưới điện, mất an toàn trong lao động gây bức xúc trong cộng đồng dân cư tại địa phương.
Ông Hoàng Tiến Anh - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghi Xuân - cho biết: “Tại địa bàn xã Xuân Lam có 5 bãi tập kết vật liệu của các đơn vị: Công ty Cát sỏi Miền Trung, Công ty Á Châu, Doanh nghiệp tư nhân Tân Sơn Thuỷ, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lam Hồng – Nghi Xuân, Hộ kinh doanh cá thể của bà Nguyễn Thị Lài.
Đối với hoạt động vi phạm của các bãi tập kết vật liệu xây dựng trên địa bàn xã Xuân Lam, phía huyện đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra yêu cầu các đơn vị chưa đầy đủ thủ tục tạm dừng và chỉ hoạt động khi hoàn thiện hồ sơ giấy phép đầu tư. Công ty Lam Hồng đã có quyết định chủ trương đầu tư dự án bãi tập kết vật liệu xây dựng của UBND tỉnh, nhưng theo quy định của pháp luật sau khi huyện hoặc tỉnh cho thuê đất các đơn vị mới đủ điều kiện hoạt động”!
Ai chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố?
Khu vực mà các đơn vị tập kết kinh doanh cát trong quy hoạch nông thôn mới là vùng dịch vụ thương mại nhưng không biết tại sao đến nay lại quy hoạch cho các bãi tập kết cát xây dựng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân, phá vỡ quy hoạch. Điều đáng nói hơn, Công ty Sông Lam đang hoạt động tập kết cát trái phép tại khu vực có đường dây 110 KW Đông Hưng - Can Lộc chạy qua, đồng thời có cột điện cao thế số 65 thuộc đường dây này.
Theo Biên bản kiểm tra hiện trường ngày 10/6/2016 tại cột 65 đường dây 171và 174 – E 15.1 nằm trên địa bàn xã Xuân Lam của đoàn kiểm tra liên ngành ghi rõ: “Tại thời điểm kiểm tra Công ty Lâm Hồng chưa xuất trình được hồ sơ xin cấp và các giấy tờ cần thiết để hoạt động bến bãi tập kết vật liệu xây dựng. Doanh nghiệp sử dụng đường vận chuyển vật liệu (cát, sỏi) xung quanh cột điện số 65, đồng thời vét đất, cát tạo hố làm đọng nước xung quang chân cột. Theo đó, cơ quan chức năng cũng yêu cầu Công ty Lam Hồng làm đường vận chuyển tránh xa khỏi hành lang an toàn luới điện theo quy định, tuyệt đối không khai thác, hoạt động, vận chuyển xung quanh cột số điện cao thế số 65”.
Trao đổi về vấn đề tình trạng các bến cát hoạt động tại địa bàn cũng như việc doanh nghiệp hoạt động ngay dưới đường điện cao thế, ông Nguyễn Vĩnh Thọ - Chủ tịch UBND xã Xuân Lam - cho biết: “Các bến cát chưa đầy đủ thủ tục để hoạt động, chúng tôi cũng đã kiểm tra và tạm đình chỉ nhưng trên thực tế họ không chấp hành, vẫn cứ làm. Riêng bãi tập kết của Công ty Lam Hồng mới được bổ sung quy hoạch, phần chỗ có đường điện, cột điện cao thế chúng tôi nhắc nhở thường xuyên không được lấn chiếm vào hành lang cột điện, hoạt động cách cột điện 10m. Thế nhưng, các ông ấy vẫn làm ẩu, đến khi xảy ra sự cố ai chịu trách nhiệm cho?”.
Doanh nghiệp bất chấp pháp luật, ngang nhiên vi phạm, chính quyền sở tại và cơ quan chức năng “ngó lơ” khiến người dân hoang mang, lo lắng. Dư luận đang trông chờ UBND tỉnh Hà Tĩnh có cách giải quyết thấu đáo!