Khuê Văn Các làm nên nét đặc trưng tiêu biểu cho quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. (Ảnh minh họa: PV) |
Công tác kiểm kê hiện vật được quy định tại Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Việc kiểm kê nhằm bổ sung, đánh giá, lập danh mục hệ thống di tích, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu, lưu trữ bảo quản thông tin, hồ sơ và văn bản pháp lý; từng bước giới thiệu, quảng bá, hướng dẫn nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Đối tượng kiểm kê bao gồm di tích lịch sử (di tích lưu niệm sự kiện, di tích lưu niệm danh nhân) là công trình xây dựng, địa điểm gắn với các sự kiện lịch sử, thân thế và sự nghiệp của danh nhân; di tích kiến trúc nghệ thuật là quần thể các công trình kiến trúc nghệ thuật hoặc công trình kiến trúc đơn lẻ bao gồm các khu vực có công trình kiến trúc, sân, vườn, ao, hồ và cả các yếu tố khác liên quan đến di tích đó; di tích khảo cổ là địa điểm khảo cổ bao gồm khu vực đã phát hiện các di tích, di vật, địa hình, cảnh quan có liên quan trực tiếp tới môi trường sinh sống của chủ thể đã tạo nên địa điểm khảo cổ đó; danh lam thắng cảnh bao gồm cảnh quan thiên nhiên, địa hình, địa mạo và các yếu tố địa lý khác chứa đựng sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù, các dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất hoặc các công trình kiến trúc liên quan đến danh lam thắng cảnh đó.
Và trong thực tế có một điều đáng mừng nữa là qua quá trình kiểm kê di tích, cơ quan quản lý có thể phát hiện nhiều hiện vật có giá trị về mặt niên đại, kiến trúc, kiểu dáng. Nếu di tích được coi như là một trong những giá trị của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, hiện vật góp phần tạo nên phần “hồn” cho di tích đó. Năm 2020, thông tin truyền thông cho thấy, qua công tác kiểm kê hiện vật trong di tích được nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội thực hiện trong các năm, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều hiện vật quý, có giá trị cao.
Đơn cử như huyện Gia Lâm trong bốn năm thực hiện kiểm kê, huyện đã phát hiện hơn 200 hiện vật tiêu biểu, vượt xa so với dự kiến ban đầu là hơn 100 hiện vật. Đáng lưu ý, tại một di tích có bát hương niên đại từ sớm nhưng những người quản lý di tích không hay biết, chỉ khi cán bộ kiểm kê di vật phát hiện ra và xác định niên đại mọi người mới biết. Hay tại một ngôi đền có tượng bằng đá cao khoảng 40cm, niên đại từ thế kỷ XI, không nơi nào có nhưng những người quản lý đền không nắm được nên vẫn đặt thờ ngoài sân. Hoặc trong quá trình kiểm kê tại một ngôi đình, cán bộ kiểm kê phát hiện các cấu kiện gỗ có hệ thống hoa văn đặc sắc, có thể viết thành cả chuyên đề lớn...
Dù phát hiện ra nhiều hiện vật quý trong quá trình kiểm kê hiện vật, nhưng việc công bố chủng loại hiện vật, giá trị hiện vật là điều không thể, bởi vấn nạn trộm cắp hiện vật trong di tích diễn biến như hiện nay đang gia tăng đi cùng với sự an toàn sức khỏe, tính mạng của những người trông coi di tích cũng khó bảo đảm nếu xảy ra vụ việc. Vì thế, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu việc kiểm kê di tích cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị với các đơn vị, cơ quan chức năng và địa phương, bảo đảm đúng quy trình, quy định pháp luật về di sản văn hóa, đồng thời lồng ghép với chương trình, kế hoạch đang triển khai, thu hút Nhân dân tham gia, đặc biệt là địa phương có di tích...
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia văn hóa cũng cần đặc biệt nhấn mạnh việc khi phát hiện những hiện vật có giá trị tại các di tích, các ngành chức năng cần có hướng dẫn chung cho các địa phương trong công tác bảo quản, bảo vệ hiện vật, tránh tình trạng mạnh nơi nào nơi đó làm, dễ tạo kẽ hở cho nạn trộm cắp hiện vật.