Hà Nội cấm xe máy tại các quận từ năm 2030

Hà Nội sẽ cấm xe máy tại các quận từ năm 2030. Ảnh:Ngọc Thành
Hà Nội sẽ cấm xe máy tại các quận từ năm 2030. Ảnh:Ngọc Thành
Với trên 91% đại biểu nhất trí, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết quản lý phương tiện giao thông.

Tại phiên làm việc sáng 4/7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề án về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030; tỷ lệ đại biểu tán thành trên 91%.

Trong khoảng 2 giờ thảo luận về đề án trước khi thông qua, 10 ý kiến đại biểu tham gia đều bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết và cho rằng nội dung được chuẩn bị công phu, khoa học. Chủ trì phiên thảo luận, Phó chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, việc thông qua đề án “mang tính lịch sử, đột phá, vì sự phát triển của Thủ đô".

Theo nghị quyết, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030; tổ chức thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn thành phố; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Hà Nội cũng sẽ cấm ôtô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ; ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh.

Ngoài ra, để quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông, Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc lập quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi đến năm 2030, lộ trình thực hiện 2017-2020.

Với xe taxi và các phương tiện hoạt động kinh doanh tương tự taxi (xe Uber, Grab...), thành phố cấp hạn ngạch phù hợp với điều kiện giao thông và năng lực của kết cấu hạ tầng. Hà Nội cũng sẽ rà soát, nghiên cứu đưa ra số lượng ôtô điện hoạt động theo khu vực trên địa bàn toàn thành phố, phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông;

Nghị quyết cũng nêu chủ sở hữu ôtô phải mở tài khoản điện tử, lắp thiết bị phụ trợ để phục vụ quản lý phương tiện và điều tiết giao thông (thiết bị thu phí tự động...); thiết lập cơ chế tính giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo hướng lũy tiến theo giờ và tăng mạnh vào khu vực trung tâm.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ lập Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố...

Lộ trình thực hiện được Hà Nội chia làm 3 giai đoạn:

- Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải;

- Giai đoạn 2017-2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng;

- Giai đoạn 2017-2030: Triển khai đồng thời, đồng bộ các nhóm giải pháp về đầu tư, xây dựng, kết cấu hạ tầng, phát triển vận tải hành khách công cộng, rà soát điều chỉnh quy hoạch theo hướng TOD, bố trí hợp lý giao thông tĩnh phục vụ việc kết nối...

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.