Hà Nội xem xét cấm xe máy vào nội đô từ năm 2030

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
(PLO) - Xe máy thực sự đang là phương tiện giao thông cốt yếu của hầu hết người dân, bởi vậy việc Hà Nội đề xuất sẽ cấm phương tiện này đi vào nội đô vào năm 2030 đã và đang gây ra nhiều tranh cãi trong việc quy hoạch đô thị. Được biết, tại Kỳ họp HĐND thành phố vào tháng 7 tới đây, Hà Nội sẽ xem xét vấn đề này.

Kỳ vọng của Hà Nội

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội, căn cứ vào quy hoạch phát triển GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Hà Nội sẽ có điều kiện để hoàn thành cơ bản kết cấu hạ tầng giao thông, đồng thời phát triển hệ thống giao thông công cộng đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của nhân dân. Trên cơ sở này, Thủ đô sẽ có điều kiện để giảm dần việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân mà trong đó xe máy là chủ yếu.

“Từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển vận tải công cộng khối lượng lớn, mở rộng mạng lưới xe buýt để tiến tới dừng hoạt động của xe máy khu vực nội đô”- ông Viện khẳng định.

Vị Giám đốc Sở GTVT cũng cho hay, với việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, từ nay đến năm 2030, vận tải công cộng khối lượng lớn như đường sắt đô thị, các tuyến xe buýt BRT và đặc biệt là việc mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động vận tải khách công cộng, chúng ta sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân trong khu vực nội thành cũng như đảm bảo kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố khác. Đó chính là những điều kiện khả thi để triển khai việc dừng hoạt động của xe máy vào nội đô. “Lộ trình này là tương đối dài để các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân từng bước thay đổi thói quen đi lại của mình” - ông Viện nhận định.

Nhưng tại sao chỉ cấm xe máy? Xe máy gắn bó với đời sống người dân có mức thu nhập trung bình, lại tiện lợi và linh hoạt… trong khi đó ô tô cá nhân chiếm diện tích lớn khi di chuyển cũng như dừng đỗ, lại không cấm? Trước thắc mắc này, ông Viện cho rằng “đã có Đề án nêu ra giải pháp hạn chế phương tiện giao thông vào một số khu vực dễ gây ùn tắc bằng biện pháp thu phí. Hiện chưa có quy định về loại phí này, do đó, dự thảo Nghị quyết mới nêu vấn đề để HĐND TP thống nhất về mặt chủ trương. Sở sẽ tham mưu cho UBND TP xây dựng đề án, chương trình cụ thể để xác định khu vực, tuyến đường nào cần phải thu phí, thu phí vào giờ nào để điều tiết một phần lượng phương tiện không cần thiết đi qua khu vực này”.

Mới đây, bên hành lang Quốc hội, trả lời báo chí về vấn đề này, ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng trấn an dư luận rằng: “Chúng ta chưa tính toán hết được tốc độ gia tăng vận tải sẽ thế nào. Nhưng, những năm vừa qua, tốc độ gia tăng phương tiện đường bộ đều 16-18%, tăng cả ô tô và xe máy, trong đó ô tô cũng có rất nhiều vấn đề của ô tô chứ không chỉ giải quyết được xe máy là xong đâu. Dân số cũng gia tăng nhanh, mỗi năm thêm 200.000 người…”.  

Do đó, để giải quyết vấn đề giao thông, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, cần giải pháp đồng bộ, trong đó, các giải pháp về hạ tầng, vận tải công cộng phải được chú trọng để đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân… Từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ tăng 62 tuyến xe buýt. Hiện thành phố phải chấp nhận trợ giá  cho xe buýt 1.000 tỷ đồng/năm, tới đây còn lên tới 2.000 tỷ đồng. 

Người dân có phải “chạy bộ” theo giao thông công cộng?

Theo lộ trình, Hà Nội sẽ tổ chức thống kê, phân loại khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn, đồng thời phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới sẽ dừng hoạt động xe máy vào năm 2030.

Tăng trưởng dân số của Thủ đô hiện nay khoảng 2,4% năm (200.000 người/năm) đi liền với tăng nhu cầu đi lại, tăng phương tiện giao thông cá nhân. Với sự tăng trưởng đó sẽ có khoảng 560.000 ô tô (gia tăng 17%/năm) khoảng 5,5 triệu xe máy (gia tăng 8% năm). Trong  khi đó, diện tích khu vực nội đô không mở rộng, tốc độ đầu tư cho hạ tầng thành phố chỉ 4% năm. Với tốc độ tăng tự nhiên phương tiện ôtô, xe máy mà không có biện pháp giảm thì đến năm 2020 Hà Nội sẽ có 938.000 ôtô, hơn 6,2 triệu xe máy; đến năm 2025 sẽ có 1,3 triệu ô tô, 7,3 triệu xe máy.

Để giảm dần xe máy, từ 2017-2018, Hà Nội cũng sẽ tập trung quản lý về phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về GTVT. Cụ thể, qua điều tra rà soát thống kê số xe máy đã qua sử dụng (theo năm sản xuất) sẽ thu hồi khi không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, môi trường.

Từ năm 2018- 2020, sẽ phát triển chất lượng vận tải hành khách công cộng; đề xuất quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, khí thải đối với xe máy để hạn chế dần số lượng xe máy và trong giai đoạn 2017- 2030 sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp về đầu tư, xây dựng, kết cấu hạ tầng; lấy giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung cư dân. Bên cạnh việc bố trí hợp lý giao thông tĩnh phục vụ kết nối là phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng, năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Hiện tại, vận tải khách công cộng trên địa bàn Hà Nội mới đáp ứng được 14-15% nhu cầu đi lại của người dân. Song theo quy hoạch, đến năm 2030, con số này là 50-55%. Hà Nội cũng đang tập trung xây dựng theo quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị; đầu tư các tuyến buýt nhanh BRT theo quy hoạch.  Nhưng liệu chừng đó có đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân, cùng với sự gia tăng dân số, nhập cư, mở rộng đô thị? Và khi cấm xe máy rồi thì người dân sẽ sinh hoạt thế nào khi giao thông công cộng chưa vươn tới họ. Liệu người dân có phải “chạy bộ” theo giao thông công cộng?

“Các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội vẫn đang được triển khai theo quy hoạch, một số tuyến có thể chậm hơn so với thời điểm đưa vào vận hành nhưng so với thời điểm tổng thể đến năm 2030 về cơ bản vẫn đúng theo lộ trình. Hà Nội cũng đang quyết tâm cao để triển khai đồng bộ 8 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch, kết nối đồng bộ cả hệ thống mạng lưới thì mới phát huy được hiệu quả. Với những giải pháp đồng bộ, với nếp sống văn minh đô thị của thế hệ công dân mới, ý thức người dân được nâng cao thì tỷ lệ người dân tham gia sử dụng vận tải khách công cộng sẽ tăng cao”- ông Viện tin tưởng.

Đọc thêm

Dựng barie chắn ngõ nhỏ tại Hà Nội: Cần xử lý hợp tình, hợp lý

Barie chắn đầu ngõ 126 Thượng Đình giờ cao điểm. (Nguồn: MXH)

(PLVN) - Trong giờ cao điểm, nhiều người tận dụng những ngõ nhỏ giao cắt làm đường tắt để rút ngắn thời gian di chuyển nhưng chính hành động này không chỉ gây phiền toái cho người dân sống trong các ngõ nhỏ mà còn trực tiếp gây ùn tắc giao thông, gia tăng khó khăn cho lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết.

Dự án sân bay Long Thành: Đề xuất dùng nguồn tiết kiệm làm đường cất hạ cánh thứ 2

Dự án sân bay Long Thành đang được xây dựng. (Ảnh: Thiên Phúc)
(PLVN) - Ngày 15/11, TCty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết đã đề xuất dùng tiền tiết kiệm từ chi phí dự phòng và đấu thầu để xây dựng đường cất hạ cánh thứ 2 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành. ACV cho rằng nguồn tiết kiệm trong quá trình thực hiện dự án thành phần 3 của dự án góp phần quan trọng trong việc đầu tư đường cất hạ cánh thứ 2 sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Tàu SE7 trật bánh khi qua Hà Tĩnh

Tàu SE7 trật bánh khi qua địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Ảnh: CTV
(PLVN) - Tàu SE7 bị trật bánh khỏi đường ray khi qua địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) hành khách đã được di chuyển bằng ô tô đến ga mới để tiếp tục hành trình.

Kiến nghị ngừng gia hạn hoạt động xe điện ở Lâm Đồng

Kiến nghị ngừng gia hạn hoạt động xe điện ở Lâm Đồng
(PLVN) - Hai công ty xe điện hoạt động ở TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) có nhiều vi phạm chiếm tỷ lệ 61,33% trên tổng số đầu xe đang hoạt động trên địa bàn. Công an tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị ngừng gia hạn và cấp mới loại hình xe điện đối với 2 công ty này.

Dự án sân bay Long Thành: Đường cất, hạ cánh dự kiến sẽ vượt tiến độ 3 tháng

Sân bay Long Thành sẽ có thiết bị hỗ trợ hạ cánh chính xác ILS/DME đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về hàng không. (Ảnh: Phan Trang)
(PLVN) - TCty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có báo cáo gửi Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT về tiến độ triển khai dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1.