Đề xuất cấm xe máy vào Hà Nội: Không thể chống tắc giao thông từ 'ngọn'

Ùn tắc giao thông đã trở thành chuyện thường ngày ở Hà Nội khi hệ thống giao thông công cộng đang ì ạch phát triển.
Ùn tắc giao thông đã trở thành chuyện thường ngày ở Hà Nội khi hệ thống giao thông công cộng đang ì ạch phát triển.
(PLO) - Ngay sau khi Hà Nội công bố Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc trên địa bàn TP” để lấy ý kiến, hoàn thiện trước khi báo cáo Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã lập tức nhận được nhiều bất bình của dư luận bởi tính “phân biệt đối xử” với nguyên tắc “không quản được thì cấm”. 

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Hà Huy Quang khẳng định, TP xem xét việc hạn chế xe máy nói chung, không riêng xe biển số ngoại tỉnh, không có phân biệt theo lộ trình từ năm 2020. 

Càng phát triển càng ùn tắc

Hiện nay Hà Nội có khoảng hơn 5 triệu xe máy  và hơn 500.000 ôtô các loại, trên 1 triệu xe đạp, hơn 10.000 xe đạp điện đó là chưa kể số lượng lớn các phương tiện ngoại tỉnh hoạt động. Trong khi đó, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố đạt ở mức bình quân 3,9%/năm. Với tốc độ tăng tự nhiên phương tiện ôtô, xe máy mà không có biện pháp giảm thì đến năm 2020 Hà Nội sẽ có 938.000 ôtô, hơn 6,2 triệu xe máy; đến năm 2025 sẽ có 1,3 triệu ô tô, 7,3 triệu xe máy.

Như vậy, đến năm 2020, nếu toàn bộ phương tiện lưu hành với vận tốc 20km/h thì diện tích chiếm dụng vượt 502% (5 lần) diện tích mặt đường của thành phố. Tương tự đến năm 2025, sẽ vượt 690% (vượt 6,9 lần). Nếu ở trong vành đai 3 thì vượt 12 lần năng lực hệ thống đường bộ và các phương tiện không thể di chuyển trên đường.

Tình trạng ùn tắc giao thông nhất là vào giờ cao điểm ở Hà Nội và TP HCM đã trở thành nỗi kinh hoàng của người dân đến mức nhiều người phải bố trí “đi sớm, về muộn” hoặc “đi muộn, về sớm” để tránh “hít khói” trong dòng xe kẹt cứng.

Có người còn hài hước cho rằng, việc không tham gia giao thông vào giờ cao điểm là một cách “đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô”. Song đó chỉ là một số rất ít người dân, còn đa phần đến giờ là phải ra khỏi nhà, khỏi cơ quan, ngược xuôi trên các con phố và chấp nhận “chôn chân” trong luồng xe cộ để nhích từng bước khi rơi vào “giờ cao điểm” đầu giờ sáng và giờ tan tầm.

Rất nhiều đề án, ý tưởng giảm ùn tắc giao thông đã được đưa ra, thực hiện nhưng tình trạng ùn tắc giao thông của Thủ đô không hề giảm, thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi tốc độ phát triển hạ tầng không theo kịp sự phát triển của phương tiện, cộng với những công trình giao thông đang thi công làm hạn chế sự lưu thông trên nhiều tuyến giao thông trọng điểm của TP. Không phải đến bây giờ ý tưởng cấm xe cá nhân mới được đưa ra.

Đầu năm 2004, Sở Giao thông Vận tải TP đã đề nghị UBND TP Hà Nội cấm xe máy biển số “tỉnh lẻ” hoạt động ở Hà Nội (trừ mô tô, xe máy quá cảnh) nhưng không được chấp thuận bởi vấp phải sự chỉ trích của dư luận về cách quản lý “phân biệt đối xử” và nguy cơ dẫn đến những hệ lụy xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.

Đã có thời để hạn chế phương tiện cá nhân, Hà Nội chỉ cho phép mỗi người dân được đăng ký 1 xe máy khiến “chợ” mua bán tên đăng ký xe có cơ hội phát triển. Cuối cùng quy định này cũng không “thọ” được vì không đảm bảo được quyền có tài sản của công dân và gây khó khăn cho công tác quản lý tài sản (phương tiện cá nhân).

Chưa phát triển phương tiện giao thông công cộng đừng nghĩ đến cấm phương tiện cá nhân

Đó là quan điểm được đa số các chuyên gia giao thông và người dân đưa ra trước Đề án của Hà Nội về hạn chế phương tiện cá nhân trong nội đô để giảm ùn tắc giao thông.  Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, với tốc độ phát triển hiện nay, trong 5 năm tới, giao thông công cộng của Thủ đô chỉ đáp ứng tối đa được 20% nhu cầu đi lại. 

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp với Viện Chiến lược Giao thông Vận tải nghiên cứu xây dựng đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc trên địa bàn thành phố”. Đơn vị soạn thảo đang xem xét việc hạn chế xe máy theo 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 từ năm 2020, hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ 2 ngày cuối tuần, lễ, Tết. Năm 2021 dừng hoạt động với xe máy vào nội đô (vành đai 1) từ 7 giờ đến 19 giờ hàng ngày; hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.

Giai đoạn 2 từ năm 2023, dừng hoạt động với xe máy trong vành đai 2, đồng thời hạn chế xe máy ở các tuyến phố cũ. 

Giai đoạn 3, đến năm 2025 cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3. Ôtô cá nhân sẽ hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường.

Do đó, chỉ khi nào Hà Nội sẽ lựa chọn các tuyến có đầy đủ hạ tầng từ trông giữ phương tiện đến việc vận hành hiệu quả các phương tiện vận tải công cộng thì việc cấm xe máy, cấm phương tiện cá nhân hoạt động trong nội đô trung tâm mới có tính khả thi như quan điểm của ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.

Cũng theo nhiều chuyên giao giao thông, hạ tầng thiếu, phương tiện giao thông công cộng kém thì xe cá nhân phát triển là tất yếu. Không thể “đổ lỗi” cho phương tiện cá nhân gây ùn tắc và nói cấm là cấm khi tầm nhìn chiến lược về quy hoạch giao thông không theo kịp tốc độ phát triển của xã hội và nhu cầu giao thông ở Thủ đô. 

Bên cạnh đó, ở khu vực nội đô trung tâm (4 quận nội thành cũ) của Hà Nội, các tuyến phố đều nhỏ, mật độ dân cư cao cũng như mức sống hiện nay của đa số người dân thì việc sử dụng xe máy là phương tiện di chuyển chủ yếu là phù hợp, khó có thể thay thế bằng phương tiện khác. 

Đã không ít lần các nhà quản lý luôn “đổ lỗi” cho xe máy gây ùn tắc và tai nạn giao thông để “đuổi” xe máy khỏi nội đô. Cách nhận xét phiến diện này không chấp nhận được. Thử hỏi, nếu thay thế số xe máy hiện nay bằng ô tô thì mức độ ùn tắc và tai nạn giao thông sẽ giảm hay tăng? Hà Nội những năm 80 của thế kỷ trước phổ biến là xe đạp và không cần một lệnh cấm nào, xe đạp tự được thay thế bằng xe máy 1 thập kỷ sau đó và hiện tại, số lượng ô tô ở Hà Nội cũng đang gia tăng nhanh chóng. 

Như vậy, việc sử dụng phương tiện giao thông nào phụ thuộc vào điều kiện giao thông, khả năng tài chính và mức độ thích hợp về di chuyển của phương tiện đó. Nếu đường xá của Hà Nội đủ rộng, có đủ chỗ đỗ xe thì dù nhà quản lý không cấm, xe máy cũng sẽ tự được thay thế bằng ô tô.  

Xử “gốc” ùn tắc chứ không nên chỉ cắt “ngọn” bằng cấm phương tiện

Ước tính, đến năm 2030 thậm chí là đến năm 2040 và 2050, đường sắt đô thị chỉ có thể đảm trách được khoảng 20% vận chuyển của giao thông đô thị. Trong khi đó, xe bus là 30 – 40% và phương tiện cá nhân là hơn 40%. Vì vậy, không thể cấm hoàn toàn phương tiện cá nhân. Theo đánh giá của chuyên giao thông đô thị, tốc độ phát triển giao thông công cộng chậm ít nhất 15 – 20 năm, cơ sở hạ tầng quá nhỏ lẻ và đơn sơ khiến phương tiện cá nhân phát triển quá nhanh và đây là nguyên nhân gây ùn tắc. 

Nếu Hà Nội mong muốn giải bài toán ùn tắc giao thông bằng việc cấm phương tiện giao thông ở một số tuyến, phố và hạn chế phương tiện cá nhân, trong đó có xe ngoại tỉnh, xe máy sẽ chỉ là “đấm bùn sang ao” khi “ùn tắc được chuyển từ chỗ nọ sang chỗ kia”. Và xóa được “điểm đen” này sẽ hình thành những “điểm đen” ùn tắc giao thông khác bởi cấm phương tiện cá nhân nhưng dân số không thay đổi, nhu cầu đi lại vẫn giữ nguyên. 

Trong đó, kéo giãn mật độ dân là giải pháp được coi là “gốc” của vấn đề. Việc xây dựng các nhà cao tầng, tập trung quá nhiều bệnh viện, trường học, công sở, cơ quan, xí nghiệp… trong các khu phố cổ, phố cũ (nội thành) sẽ đưa một lượng người và phương tiện quá lớn vào ở và sinh hoạt trên một không gian đô thị mà hạ tầng quá nhỏ hẹp, không thể cải tạo và mở rộng thêm được nữa nên tắc đường ở nội thành Hà Nội ngày càng nghiêm trọng. Thực tế, Hà Nội đã thực hiện di chuyển nhiều cơ quan, xí nghiệp… ra khỏi nội đô nhưng với tốc độ phát triển của Hà Nội, TP mở rộng đến đâu, ùn tắc kéo ra đến đó nghĩa là tầm nhìn quy hoạch về giao thông còn quá hạn chế, quy hoạch đô thị không đồng bộ. 

Do đó, tổ chức giao thông hợp lý, quy hoạch hạ tầng giao thông có tầm nhìn theo kịp sự phát triển của xã hội, quy hoạch đô thị giảm mật độ dân cư trong nội đô, xây dựng ý thức tham gia giao thông của người dân… là những ý tưởng, giải pháp, đề xuất được không ít chuyên gia cả trong và ngoài nước đưa ra để xử lý tận gốc vấn đề ùn tắc giao thông, chứ không thể xử lý theo quy trình ngược như Hà Nội đang định làm là “cấm phương tiện cá nhân”. 

Nên cùng với việc phát triển giao thông công cộng, cần tăng cường trật tự, an toàn giao thông đường bộ, không cho phép lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, vi phạm luật giao thông. Tiếp tục hoàn thiện chiến lược phát triển giao thông vận tải và quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Đẩy mạnh tiến độ, chất lượng các công trình hạ tầng giao thông đã được đầu tư, xây dựng, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai, các trục giao thông hướng tâm. Đẩy nhanh thực hiện các dự án vận chuyển hành khách công cộng… 

Tiếp tục tổ chức lại giao thông: các cặp tuyến phố đi một chiều, phân làn xe ô tô, mô tô, xe máy riêng (đối với các tuyến đủ điều kiện) để chống ùn tắc, tăng cường lực lượng (cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, thanh tra giao thông, thanh niên tình nguyện, bảo vệ dân phố...) điều khiển, hướng dẫn giao thông; nhất là tuyến trọng điểm và giờ cao điểm. 

Xây dựng các đường vành đai đô thị để phân luồng phương tiện từ ngoại thành vào nội thành. Hình thành 3 tầng giao thông đô thị: Dưới lòng đất, trên mặt đất và trên không đồng bộ, khoa học và hợp lý để đáp ứng mọi nhu cầu đi lại của dân cư. Phát triển và  hiện đại hóa các phương tiện giao thông công cộng tiện lợi, hữu ích cho nhân dân như: Xe bus, xe điện, taxi... 

Theo lộ trình Sở GTVT Hà Nội đặt ra về phát triển vận tải công cộng đến năm 2020 sẽ đầu tư 500 - 550 xe buýt mỗi năm.

Mạng lưới xe buýt nhanh BRT đến năm 2020 sẽ có 3 tuyến là Kim Mã - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa (14km); tuyến đi theo vành đai 3 Mai Dịch - Dương Xá (25km); tuyến đi theo vành đai 2,5 và quốc lộ 5 kéo (54km).

Đường sắt đô thị sẽ hoàn thành 5 tuyến, gồm tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên; tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình; tuyến số 2A đoạn Cát Linh - Hà Đông; tuyến số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; tuyến số 5 đoạn Văn Cao - vành đai 4.

Đọc thêm

Kỳ vọng taxi bay

Ảnh minh họa
(PLVN) -  UBND một tỉnh tại miền Trung vừa có một đề xuất gây chú ý dư luận, khi có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để UBND tỉnh này xây dựng đề án thí điểm taxi bay hoạt động trên địa bàn.

Từ 01/11/2024, Hà Nội chính thức tăng giá vé xe buýt

Từ 01/11/2024, Hà Nội chính thức tăng giá vé xe buýt
(PLVN) - Sau nhiều năm giữ nguyên giá, UBND Thành phố Hà Nội vừa quyết định tăng giá vé xe buýt có trợ giá trên địa bàn từ ngày 01/11/2024. Với những tuyến có cự ly từ 40km trở lên, giá vé sẽ tăng từ 9.000 đồng lên 20.000 đồng/lượt.

Nâng cao văn hóa giao thông bằng chế tài và giám sát

Tài xế xe bồn chạy ngược chiều trong đường dân sinh ở Củ Chi. (Ảnh: A.X)
(PLVN) - Thực trạng tài xế chạy ẩu, phạm luật là vấn đề “nhức nhối” của toàn xã hội. Hệ lụy đằng sau nó là những vụ tai nạn nghiêm trọng, là sự tang thương, mất mát cho biết bao gia đình. Để ngăn chặn tình trạng này, cần có sự giám sát hiệu quả và xử lý nghiêm bằng chế tài.

Chuẩn bị xây dựng cầu Phong Châu mới trong quý IV/2024

Chuẩn bị xây dựng cầu Phong Châu mới trong quý IV/2024
(PLVN) - Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) vừa ban hành quyết định về việc ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp Dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới - Quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ, theo quy định về xây dựng công trình khẩn cấp.

Cục Đăng kiểm yêu cầu tăng cường giám sát phòng, chống tiêu cực tại các Trung tâm Đăng kiểm

Ảnh minh họa
(PLVN) - Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) cho biết, thời gian qua nhận được một số phản ánh về việc một số đăng kiểm viên (ĐKV), nhân viên nghiệp vụ một số TTĐK gợi ý, xin tiền bồi dưỡng của chủ xe khi đưa phương tiện đến kiểm định; gợi ý chủ xe phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự trong khi phương tiện vẫn có bảo hiểm, hoặc gợi ý mua nối tiếp thời gian không đúng quy định. Nếu chủ xe không mua thì gây khó dễ bằng cách kéo dài thời gian trả kết quả kiểm định.