Dân gian tin rằng, những linh hồn người chết không thể đi đầu thai vẫn còn vất vưởng, lưu luyến với cuộc sống. Những linh hồn ấy cũng có những nhu cầu, mong muốn như người sống: Được ăn no, mặc ấm, được hưởng thụ những của cải vật chất như trần gian. Chính vì thế, tục cúng cô hồn ra đời là nhằm để người sống giúp người đã thác thỏa ước nguyện, thông qua những phẩm vật cúng: Thức ăn, trà rượu, nước, hoa quả và các vật chất khác như tiền giấy và các mô hình làm từ vàng mã.
Rằm tháng Bảy, dân gian quan niệm là dịp mở cửa ngục, xá tội vong nhân để vong hồn tìm về cõi trần, cũng chính là thời điểm người ta cúng cô hồn nhiều, cúng lớn nhất của năm. Cúng với tâm mong muốn cho những linh hồn không nơi nương tựa có chút no ấm. Cũng không ít người cúng cô hồn với tâm mong cầu được sự phù hộ, mọi việc thuận lợi và không bị “quấy phá”.
Đi cùng với những lễ cúng cô hồn rầm rộ chính là tục “giật cô hồn”. Thực ra, tục “giật cô hồn” cũng đã có từ khá lâu đời. Một bộ phận người dân quan niệm rằng, đồ cúng cho cô hồn xong, không nên mang vào nhà sử dụng mà để cho những người xung quanh đến mang về ăn.
Quan niệm của nhiều người, đồ cúng càng có nhiều người giành giật sẽ càng tốt, càng mang lại may mắn. Thế nên, nhiều gia đình khi soạn đồ cúng thường soạn đồ “ngon lành”, thêm một ít tiền thật để “dụ” người “giật cô hồn”. Thậm chí, nhiều gia đình, công ty khi cúng cồ hồn còn thuê cả người đến giật.
Nhưng, trong những năm gần đây, tục “giật cô hồn” dường như ngày càng biến tướng với nhiều hình ảnh đáng ngại. Đó là khi những mâm đồ cúng mới dọn ra chưa kịp thắp nhang, đã bị người ta giành giật, cướp trắng trên tay gia chủ. Đó là những hình ảnh vài chục con người vì đồ ăn, thức uống trên bàn cúng mà lao vào chửi bới, chất chồng lên nhau, đánh nhau “sứt đầu, mẻ trán”.
Rồi không ít trẻ em, người lớn xô đẩy, đập phá đồ đạc của gia chủ, thậm chí ngoài đồ cúng còn sẵn tiện “dọn” luôn các đồ dùng khác trong nhà. Mới đây, tại TP HCM, một thanh niên không “giật cô hồn” được vì gia chủ đóng cửa cúng trong nhà, đã nổi nóng liên tục cầm đá phang vào nhà, đồng thời đòi chém chết chủ nhà.
Từ một phong tục lâu đời về lòng trắc ẩn, thương cảm và từ bi dành cho người đã khuất, giờ đây, những mâm cúng ngày càng đầy ắp và thực dụng lên với “sơn hào hải vị”, với tiền thật và vàng mã hoành tráng, đốt nghi ngút cả một góc phố. Từ cái tục “giật cô hồn” đầy từ bi chốn làng quê, thị thành, giờ biến tướng thành những cảnh “cô hồn sống” giẫm đạp lên nhau vì chút miếng ăn, chút vật chất nhỏ nhoi. Những hình ảnh ấy làm cho nét đẹp truyền thống của Rằm tháng Bảy bỗng trở nên buồn đi một chút...