Tin học “trả lại” tuổi xuân
Thành lập từ năm 2008, cho đến nay, Câu lạc bộ Tin học người cao tuổi (CLB), trực thuộc Cung Văn hóa lao động TP.HCM đã có 8 năm tuổi thọ. CLB do những người cao tuổi tâm huyết lập ra, hiện theo học tại CLB có hơn 40 học viên. Lớp học phổ cập tin học diễn ra hàng tuần của CLB có lẽ không giống bất cứ lớp học nào khác, bởi học viên toàn là những ông bà cụ mái đầu bạc phơ, có người mắt mờ, chống gậy, nhưng học hành chăm chỉ không thua kém bất cứ học sinh tuổi đi học nào.
Cụ Nguyễn Ngọc Lân năm nay đã 80 tuổi, là học viên CLB đã gần 1 năm nay. Cụ mang trong mình căn bệnh thoát vị đĩa đệm, đi đứng khá đau nhưng việc học rất kiên trì, không bỏ ngày nào. Đến nay, cụ đã sử dụng máy tính thành thạo, biết lướt web, gửi mail, có tài khoản cá nhân trên mạng xã hội. Gia đình cụ chẳng ai biết cụ tham gia CLB, cụ giấu bởi sợ người nhà cười. Con cái bận rộn, cụ muốn tự tra cứu mọi thứ trên mạng, muốn không bị tụt hậu so với thời đại. Và giờ đây, mong muốn của cụ đã thành hiện thực.
Có không ít ông, bà cụ cùng suy nghĩ như cụ Lân. Thấy mình già rồi, vẫn muốn cập nhật mọi diễn biến đời sống, không muốn mình lạc hậu, không biết gì, nhưng nhờ vả con cháu mãi cũng ngại, nên tham gia CLB nhằm học cách sử dụng máy tính, internet để chủ động trong cuộc sống. Đến CLB, các cụ vừa học kiến thức, vừa được kết bạn, giao lưu với nhau, cảm thấy tự tin và vui vẻ hơn nhiều. Nhiều cụ cho biết, kể từ ngày theo học, trí óc được hoạt động thường xuyên, các cụ bớt hẳn tính đãng trí, đầu óc nhanh nhạy, minh mẫn hẳn ra, các thao tác đời thường cũng nhanh nhẹn hơn.
Không chỉ được phổ cập tin học, các cụ còn được nâng cao dần lên với các kiến thức khác về công nghệ như photoshop. Có học viên mê môn này đến nỗi theo học miệt mài từ 2011 đến nay, nay tay nghề rất thành thạo, cho ra các sản phẩm ảnh cực kì chuyên nghiệp.
Cô giáo Kim Chi - Phó chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Dạy cho các cụ cao tuổi hoàn toàn không giống dạy các học viên trẻ, bởi cần ở người giáo viên một sự chịu khó, kiên nhẫn lớn. Bởi các cụ lớn tuổi, không tránh khỏi đãng trí, khả năng tiếp nhận cũng không như người trẻ. Có khi, dạy phút trước phút sau các cụ đã lẫn lộn, bài học hôm trước thì hôm sau quên khuấy, phải dạy lại từ đầu. Nhưng niềm vui khi các cụ tiếp thu và thực hành được bài giảng thì cũng không đo đếm được. Nhìn các cụ hăng say học, thực hành, vui như những đứa trẻ khi học tiến bộ thì mệt nhọc bao nhiêu cũng bay sạch hết”.
“Vượt khó” để được học
Là một CLB hoạt động miễn phí, lập ra với mục tiêu chủ yếu là giúp đỡ các cụ, CLB Tin học người cao tuổi được nhiều người tâm huyết ủng hộ, nhưng quá trình hoạt động cũng gặp không ít trắc trở. Do đặc thù của lớp học vi tính máy móc nhiều nên phải ưu tiên dành một phòng riêng, sau giờ học thì không ai được vào phòng. Thế nên, nhiều nơi đã từ chối cho lớp mượn phòng vì nhiều nơi một phòng học được sử dụng cho nhiều sinh hoạt văn hóa khác nhau. CLB lại sinh hoạt miễn phí, không có chi phí để thuê địa điểm làm lớp học.
Cô Bùi Thị Nga – Chủ nhiệm CLB đã đi khắp nơi xin xỏ nhưng vẫn chưa có được một căn phòng nhỏ nào. Mà theo quy định của Cung văn hóa Lao động, phải có địa điểm thì mới cho lớp dạy tiếp. Đang lúc bí chỗ, cô giáo Kim Chi đã đồng ý cho mượn nhà mình ở Gò Vấp để CLB có trụ sở hoạt động. Thế là việc học của các cụ chẳng bị gián đoạn ngày nào, CLB vẫn duy trì bình thường.
Trụ sở dời từ quận 1, trung tâm TP.HCM về tận Gò Vấp, khá xa xôi nhưng vẫn không làm giảm nhiệt huyết của giáo viên và học viên của CLB. Có những học viên như cụ bà Nguyễn Thị Liên, 72 tuổi, gắn bó với CLB từ lúc còn ở quận 1 cho đến Gò Vấp, bà Trác Minh Châu ở tít quận 11 vẫn lặn lội đi học đều. Đó cũng chính là động lực cho các giáo viên, thành viên ban chủ nhiệm CLB tiếp tục nỗ lực để duy trì hoạt động phổ cập tin học cho người cao tuổi.
Ngoại khó khăn do trụ sở còn tạm bợ, hiện một vấn đề khác mà CLB tin học người cao tuổi gặp phải đó là thiếu máy vi tính trang bị cho lớp học. Trước đến nay, máy tính được sử dụng cho lớp học là từ nguồn kinh phí của các thành viên lập ra CLB và một số máy cũ xin về, sửa lại sử dụng. Đến nay, những chiếc máy này cũng bắt đầu “cao tuổi” như các cụ, khiến việc học của các cụ chậm chạp, khó khăn hơn. Do lớp học hoàn toàn miễn phí, không có nguồn kinh phí, điều này đã trở thành một vấn đề đau đầu đối với các thành viên CLB.
Tuy nhiên, những người cao tuổi “già gân” ấy vẫn lạc quan lắm. Các thầy cô vẫn nói, “Cứ yên tâm, mọi chuyện sẽ có cách giải quyết, dù thế nào, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì hoạt động của CLB, để các cụ có chỗ mà học, mà vui chơi cho tuổi già thêm ý nghĩa”.