Bán nhà chữa bệnh cho cha mẹ
Hơn 5 năm nay, những người dân sinh sống ở khu dân cư Trung Sơn (ấp 4b, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã quá quen thuộc với hình ảnh bà Trần Thị Dung (59 tuổi) hàng ngày đều cùng các con các cháu lật tìm khắp những bãi rác, xà bần để lượm ve chai kiếm từng miếng ăn cái mặc.
Con đường mòn dẫn vào nhà của bà Dung ngoằn ngoèo, phải đi qua nhiều bãi rác xà bần trên những mảnh đất hoang; có những đoạn đường nhỏ hẹp đến mức nếu gặp xe máy chạy ngược chiều thì đôi bên phải dừng lại rồi lách qua thật chậm mới mong qua được.
Nói là nhà cho sang nhưng thực chất chỉ là 2 cái chòi lụp xụp được dựng lên từ những mảnh vật liệu xây dựng không hoàn chỉnh, tạm bợ bên một bờ kênh nhỏ nước đen ngòm, cỏ dại mọc um tùm, hoang vu.
Giữa trưa, người phụ nữ dáng người thấp bé đang lom khom giặt giũ những chiếc mền đã rách lỗ chỗ trong khi khoảng 6 đứa trẻ người cáu bẩn đang ngồi bệt mỗi góc không ngừng nhặt nhạnh phân loại từng cây đinh, mảnh nhựa. Dẫn khách vào nhà, bà phân trần “hồi trước mẹ con, bà cháu tui ở chỗ khác.
So với những chỗ ở trước, chỗ này ở được lâu nhất, đến nay đã được 5 năm. Những chỗ trước tụi tui phải chặt lá cây dựng chòi tạm bợ còn chỗ này khá hơn một chút vì có cái nhà xây người ta bỏ hoang, dù không rộng rãi sạch sẽ nhưng vẫn có nơi để chui ra chui vào. Nhưng hôm qua người ta lại đến yêu cầu gia đình tui phải nhanh chóng dọn đi, tui già yếu rồi, chưa biết ngày mai ra sao...”.
Bà Dung quê gốc Đồng Tháp, là con thứ 3 trong gia đình có 8 chị em, nhưng 6 người đã sớm qua đời vì bệnh tật. Cho đến nay chỉ còn lại bà và 1 người em gái tuổi cũng đã cao. Nhắc đến những ngày tháng tuổi trẻ, người phụ nữ sụt sùi hồi ức:
“Cha mẹ tui lên Sài Gòn buôn bán, làm thuê rồi sinh ra tụi tui. Hồi đó nhà tui cũng khấm khá không đến nỗi như bây giờ. Rồi các anh, chị và em của tui lần lượt bệnh tật, chữa trị bao nhiêu cũng không cứu sống được nên mới sinh ra nợ nần túng quẫn”.
Năm 1987, bà lập gia đình cùng người đàn ông hành nghề chạy xe ôm, sinh được 3 người con. Chồng chạy xe, còn bà sớm hôm gánh hàng rong đi bán, gom góp mua được một căn nhà ở quận 8. Khó khăn lại ập xuống khi cả cha mẹ bà đều lâm trọng bệnh. “Để chạy chữa, vợ chồng tui đành dắt con đi ở trọ còn căn nhà phải bán đi để có tiền chạy chữa thuốc thang cho cha mẹ. Ngày cha mẹ “mất” cũng là lúc vợ chồng tui trở về hai bàn tay trắng”, bà kể lại.
“Thời gian đó vô cùng khó khăn, vợ chồng tui phải chạy gạo từng bữa, chưa xong bữa hôm đã lo bữa mai. Năm 2009, đùng một cái tui đột ngột nghe tin em gái (bà Trần Thị Kiều, SN 1970) qua đời vì suy tim, bỏ lại 12 đứa con, đứa nhỏ nhất mới 7 tháng tuổi. Cha tụi nó thì bỏ đi đâu biệt tích. Lo xong đám tang cho em, tui không nỡ để lũ nhỏ côi cút nên đưa về nuôi.
Cũng vì vậy mà vợ chồng tui cãi cọ xích mích. Ông ấy bảo tui là đã nghèo rồi còn đèo bòng làm sao nuôi nổi, rồi bắt tui phải lựa chọn giữa ông ấy và các cháu. Tui quá đau khổ nhưng quyết không thể để các cháu ra đường, từ đó ông ấy giận quá lại không chịu đựng được nghèo khổ nên xách ba lô bỏ đi”.
Nay đây mai đó
Chồng khăn gói ra đi, mình bà Dung làm thuê đủ nghề từ phụ bếp, sửa quần áo đến lượm ve chai lo cho 3 con và 12 cháu. Những đứa lớn cũng dần theo bà đi làm thuê, những đứa bé hơn ở nhà trông em.
Bà nhớ lại: “Thời gian đầu mẹ con, bà cháu tui cũng thuê được phòng trọ, tuy chật chội. Về sau làm thuê chẳng được bao nhiêu nhưng phải chi tiêu rất nhiều, không có tiền trả tiền phòng người ta không cho tui thuê tiếp. Tui đành phải dắt tụi nó lang bạt khắp nơi, cứ nhà hoang nào thì ở, không thì dựng lều ngay trên bãi đất trống gần những bãi rác để nhặt nhạnh ve chai. Nơi ở ngắn nhất thì vài ngày đến vài tháng, dài nhất được khoảng 5 năm”.
Những đứa trẻ không có khai sinh, thất học |
Những cháu gái lớn và con gái bà Dung khi đến tuổi dựng vợ gả chồng, vì nghèo, chưa một lần tổ chức đám cưới, chỉ dắt nhau về chung sống. Nhưng cuộc sống “vợ chồng” cũng ngắn ngủi vì những người “chồng” đều lần lượt bỏ đi. Bà lão chỉ vào căn lều rách nát cũ kỹ dựng lên từ 4 cây tre và tấm tôn cũ: “Con gái cả của tui sinh con nay đã hơn 5 tuổi, 3 đứa con gái lớn của em gái tui có đứa đã 2 con. Tụi nhỏ từ khi sinh ra đến nay có đứa nào được thấy mặt cha đâu. Căn nhà này bây giờ đã quá tải nên tụi nó mới làm cái lều đó để chia nhau ở”.
Bà Dung tính nhẩm, từ 16 nhân khẩu ban đầu, cho đến nay cả đại gia đình bà đã 24 người. Bà kể: “2 con trai tui đã lấy vợ sinh con. Hồi trước tụi nó may mắn được đi học đến biết chữ nên bây giờ cũng kiếm được việc trong công ty lắp ráp quạt gió, vợ chồng nó làm việc và thuê trọ ở quận 4, thu nhập cũng đủ nuôi gia đình. Còn các cháu, mấy đứa lớn cũng đã lấy vợ gả chồng. Hiện tui đã có khoảng 10 đứa cháu, chắt; đứa lớn đã 8 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi”. Trừ những người đang sinh sống làm việc ở nơi khác, hiện bà Dung đang chung sống cùng 17 con, cháu.
Những đứa trẻ không khai sinh, thất học
2 năm trước, bà Dung phát hiện mắc phải căn bệnh thoái hóa cột sống. Nhưng vì không đủ điều kiện chạy chữa, bà xin xuất viện trở về nhà tự mua thuốc cầm cự. “Nhiều lúc hết thuốc nhưng không có tiền nên tui đành nằm nhà chịu đựng. Không đi làm, chỉ ở nhà trông coi mấy đứa trẻ, nên cuộc sống càng khó khăn hơn. Mấy tháng nay, con gái cả của tui xin phụ bưng bê ở quán cơm, chủ quán biết hoàn cảnh nên thương tình, nhiều khi cá thừa, cơm thừa người ta đều cho nó đưa về nhà. Đó là những món ăn ngon nhất...”.
Nhắc về những đứa cháu, hai mắt bà rưng rưng “em gái tui có 2 đời chồng, 3 người con gái của chồng trước có đăng ký khai sinh nhưng 8 người con của chồng sau thì không được đăng ký. Nó mất đi, chồng nó cũng bỏ các con đi lập gia đình mới. Hoàn cảnh của tui cũng nghèo lại không phải là cha mẹ ruột của chúng nên không can thiệp gì được.
Vả lại quanh năm suốt tháng chúng tui đi khắp nơi, có ở cố định đâu mà đăng ký tạm trú. Tụi nó mang thai rồi sinh con ngoài giá thú, cũng chẳng có giấy tờ gì mà làm khai sinh hay hộ tịch. Vì không có hộ khẩu, không giấy tờ nên tui xin cho tụi nhỏ đi học không được. Trong số 10 đứa cháu hiện chỉ có 3 đứa được đi học lớp tình thương, còn những đứa lớn hơn thì đã phải theo người lớn đi làm thuê”.
Cũng vì cảnh nghèo nên năm 2012 cháu gái lớn của bà không may vướng lao lý. “Hôm đó có người phụ nữ là khách quen đến thuê nó chạy xe ôm, nó chạy ra đầu ngõ thì bị công an bắt. Công an khám xét phát hiện có ma túy trong túy xách của người phụ nữ kia thì nó mới ngớ ra là bấy lâu nay đã bị lừa. Nó được tại ngoại, đang trong quá trình điều tra thì sợ quá nên chạy trốn. Năm đó con gái của nó mới 3 tuổi. Tui không có cách nào liên lạc được, đến cuối năm 2015 vừa rồi thì nó bị bắt, bị phạt tù vì tội “vận chuyển trái phép chất ma túy”. Đợt đó tui bị bệnh nằm liệt giường nên khi tòa xử tui không đi được”.
Người bà đang trò chuyện, những đứa trẻ không ngừng ríu ríu đến níu tay ôm chân. Bà Dung khập khiếng rời ghế đi về phía tủ lấy ra một hộp sữa ông Thọ rót một ít vào bình rồi thêm nước, vừa lắc vừa dỗ dành “chờ bà một chút, bà pha xong đây rồi”. Chừng sau một phút, bé gái nín lặng đón bình sữa từ tay bà rồi cười hồn nhiên hạnh phúc.
Bà lão nhìn cháu rơm rớm nước mắt: “Tụi nó đều không cha, mẹ thì bận bịu lượm nhặt kiếm tiền. Trẻ con đứa nào cũng thích uống sữa hộp nhưng mỗi ngày nhặt nhạnh phế liệu có được bao nhiêu đâu. Không đủ tiền mua sữa hộp, tui phải mua sữa đặc về pha ra được nhiều lần, ấy vậy mà tụi nó cũng chưa bao giờ được uống thỏa thích. Đợt vừa rồi một vài người thương tình tìm đến cho tui một ít gạo, dầu ăn và sữa, chứ không tui cũng không biết lấy tiền đâu mà mua. Tui già cả rồi, cũng không biết còn sống được bao lâu nữa, bây giờ bị người ta đuổi đi cũng không biết đi đâu”.