Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng với mức tăng như sau: Thuốc và DVYT tăng 10,07%; Giao thông tăng 2,02%; Giáo dục tăng 0,61%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,31%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,17%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,06%; May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,05%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,04%. Có 2 nhóm giảm: Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,02%; Bưu chính viễn thông giảm 0,12%.
Về nguyên nhân làm tăng CPI tháng 10/2016, Tổng cục Thống kê cho biết, nhóm thực phẩm tăng 0,26% do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vào mùa cưới tăng cao, bên cạnh đó giá các mặt hàng rau củ tăng mạnh do ảnh hưởng của mưa lũ đặc biệt ở các tỉnh miền Trung làm sản lượng rau xanh trên thị trường giảm.
Giá DVYT cũng được điều chỉnh tăng theo bước 2 bao gồm chi phí tiền lương của Thông tư liên tịch số 37/2015 ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, ở 15 địa phương, nên chỉ số giá nhóm DVYT tăng 13,28% góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,5%. Bên cạnh đó, cũng có một số nguyên nhân làm giảm CPI tháng 10 năm 2016 như: Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,17%, giá tua du lịch các loại giảm 0,21%, giá thịt lợn giảm...
Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 10 năm 2016 tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 1,86% so với cùng kỳ; Mười tháng đầu năm 2016 so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,82%.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá DVYT và giáo dục. Bình quân 10 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung (tăng 2,27%) và lạm phát cơ bản (tăng 1,82%), độ doãng giữa hai chỉ số này không lớn, điều này thể hiện chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.