Thời gian gần đây, trên các diễn đàn công nghệ liên tục bàn luận về chủ đề ngành bán lẻ công nghệ thay đổi triết lý kinh doanh, liệu có phải là chiến lược đúng đắn trong thời kỳ thị trường đang có nhiều biến động khó lường trước như hiện nay? Chủ đề này đã thu hút nhiều luồng ý kiến tranh cãi khi trực tiếp đề cập đến 2 cái tên thuộc top những nhà bán lẻ có độ phổ biến cao là Thế Giới Di Động và Di Động Việt.
Ngày 13/4, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Trong đó, phát ngôn về việc tái cấu trúc tập đoàn của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài sau khi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đóng 200 cửa hàng gây chú ý.
“Mỗi ngày chúng ta phải lo kinh doanh, không thể ngồi đây lo giảm lượng tăng chất hoài. Nhưng định kỳ cứ 6 tháng - 1 năm một lần, để đảm bảo chúng ta không có cái gì dư thừa trên cơ thể, bảo đảm mọi thứ giữ lại đều là những thứ hiệu quả. Như vậy, chúng ta sẽ có một tổ chức gãy gọn, ngon lành, mạnh mẽ.
Giống như việc ở một cái nhà, chúng ta không thể sửa chữa liên tục, nhưng phải điều chỉnh định kỳ. Đây là văn hóa mới của tập đoàn này. Nếu các bạn kỳ vọng quá trình này chấm dứt, từ nay trở đi MWG sẽ không còn bất kỳ lần tái cấu trúc nào, thì các bạn chưa hiểu ý đồ mà tôi đang thực thi”.
Kết quả mang lại sau đợt mạnh tay tái cấu trúc, cắt giảm chi phí…, “ông trùm bán lẻ" tăng 17% trong doanh thu quý I/2024. Ông Nguyễn Đức Tài cho rằng việc kịp thời điều chỉnh chiến lược đã giúp MWG có thể bước qua năm 2023 - một trong những năm ông cho là khắc nghiệt, khốc liệt nhất trong lịch sử.
Một nhà bán lẻ khác với quy mô nhỏ hơn nhưng cũng luôn đứng trong top 3 nhà bán lẻ trong “cuộc chiến giá rẻ” diễn ra hồi năm 2023 - hệ thống bán lẻ Di Động Việt lại bất ngờ được nhắc đến ở thời điểm này.
Di Động Việt tiên phong dịch chuyển triết lý kinh doanh từ bán hàng đơn thuần sang chuyển giao giá trị vượt trội. Ảnh: DĐV |
Nếu Thế Giới Di Động tái cấu trúc, coi “giảm lượng - tăng chất” là văn hoá mới của tập đoàn thì Di Động Việt lại tiên phong dịch chuyển triết lý kinh doanh từ bán hàng đơn thuần sang chuyển giao giá trị vượt trội. Đồng thời, hệ thống này vẫn bền bỉ với triết lý “Giá rẻ hơn các loại rẻ” trong khi các “ông lớn” như Thế Giới Di Động, FPT đều đã tuyên bố ngưng cuộc chiến giá do chính họ tạo ra.
Nói về vấn đề trong giai đoạn “trũng” của thị trường, liệu Di Động Việt có “giảm lượng - tăng chất” song song với việc dịch chuyển triết lý kinh doanh hay không, đại diện Di Động Việt chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam: “Trong bối cảnh khó khăn chung về mọi mặt, Di Động Việt cũng tối ưu hóa chi phí, nhưng riêng việc liên quan đến cắt giảm nhân sự, chúng tôi luôn cân nhắc hết sức cẩn trọng, tiên quyết là không đối xử "cạn tàu ráo máng” với nhân viên, nhất là những con người đã cống hiến lâu năm, làm việc trách nhiệm, hiệu quả.
Lẽ đương nhiên, nếu nhân viên làm việc thiếu trách nhiệm và không thể chứng minh năng lực bằng kết quả công việc thì việc sàng lọc và thay thế là việc chúng tôi đã và đang làm thường xuyên chứ không phải chỉ khi khó khăn mới cắt giảm.
Chúng tôi không xem mọi nhân viên là tài sản quý giá của doanh nghiệp, nhưng luôn xem nhân viên phù hợp là tài sản quý giá mà chúng tôi trân trọng, biết ơn và cố gắng giữ gìn. Thậm chí, ngay cả khi buộc phải chia tay nhân viên không phù hợp, chúng tôi cũng luôn hành xử có trước, có sau, không “dứt tình” và “đoạn tuyệt” một cách lạnh lùng. Bằng chứng là đã có rất nhiều nhân viên trở lại làm việc hoặc được mời trở lại hợp tác trong thời điểm thích hợp”.
Bên cạnh đó, nói thêm về chiến dịch chuyển giao giá trị vượt trội và việc vẫn đang đồng hành cùng khách hàng về giá rẻ, đại diện đơn vị khẳng định: “Sau 1 năm dịch chuyển triết lý kinh doanh, chúng tôi nhận về kết quả tích cực và khả quan ở mọi mặt. Từ mức độ tăng trưởng, doanh số đến những giá trị chúng tôi đang nỗ lực mang đến cho khách hàng đều hoàn thành vượt kế hoạch đề ra ban đầu”.