Theo thống kê của BHXH Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2016, quỹ khám chữa bệnh (KCB) BHYT tại 37 tỉnh, thành phố trong cả nước đã bội chi hơn 3.400 tỷ đồng. BHXH Việt Nam ước tính trong năm 2016, cả nước sẽ bội chi khoảng 5.000 tỷ đồng.
Trước tình trạng bội chi như hiện nay nhiều người không khỏi lo lắng quỹ BHYT sẽ đứng trước nguy cơ bị “vỡ”. Tuy nhiên, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, công tác quản lý quỹ BHYT luôn nằm trong tầm kiểm soát, thậm chí, nguồn kết dư tài chính còn giúp quỹ đảm bảo cho các đợt tăng giá dịch vụ BHYT dự kiến diễn ra trong năm 2017.
Trước đó, trong buổi giao lưu trực tuyến về quản lý quỹ BHYT và BHXH tại Cổng thông tin Chính phủ, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng chia sẻ rằng: “Luật BHXH năm 2014 đã quy định Nhà nước bảo hộ quỹ BHXH và có biện pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ. Trong thực tế, chúng ta vẫn còn “dư địa”. Mức đóng Quỹ BHYT hiện nay mới là 4,5% lương cơ sở, trong khi đó mức trần đóng cho phép lên tới 6%. Như vậy, phần “dư địa” này sẽ giúp chúng ta cân đối. Phần đóng tăng lên là do nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao để đảm bảo”.
Thực tế việc gia tăng đột biến chi phí có nhiều nguyên nhân. Trước hết là do sự gia tăng cơ học về số người tham gia BHYT, quỹ khám chữa bệnh BHYT; điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí theo Thông tư 37 của Liên Bộ Y tế - Tài chính; thực hiện thông tuyến đối với các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc…
Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT cũng diễn ra ngày càng tinh vi. Một số cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã lợi dụng những kẽ hở trong chính sách, trong đó có việc lợi dụng chính sách thông tuyến khám chữa bệnh BHYT và những chính sách khác trong khám chữa bệnh hoặc lợi dụng việc cơ quan BHXH hiện nay còn thiếu nhân lực, thiếu phương tiện hữu hiệu kiểm tra, giám sát để lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Để giải quyết tình trạng bội chi quỹ BHYT, BHXH Việt Nam cũng đã triển khai nhiều biện pháp rà soát, kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT. BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH 63 tỉnh, thành phố tập trung kiểm soát chi phí; triệu tập họp với BHXH 17 tỉnh, thành phố có tình trạng bội chi và gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT bất thường để đưa ra các giải pháp can thiệp; chủ động tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra tại các địa phương. Quản lý dữ liệu chặt chẽ, kịp thời theo dõi biến động chuyển đi, chuyển đến của bệnh nhân, tăng cường kiểm soát tại các cơ sở y tế, nhất là bệnh nhân điều trị nội trú nhưng vắng mặt không lý do.
Cùng với đó, BHXH các tỉnh, thành phố cũng đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức tốt việc đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế điều trị hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT. Phối hợp với các cơ sở KCB BHYT thực hiện liên thông dữ liệu để tới đây sẽ áp dụng giám định điện tử.
“Đến thời điểm này cả nước đã có 96% bệnh viện kết nối liên thông hệ thống dữ liệu khám chữa bệnh BHYT, trong đó 70% bệnh viện đã cập nhật thông tin bệnh nhân nhập ra viện hàng ngày của bệnh nhân lên hệ thống. Với dữ liệu này được kết nối toàn quốc bệnh viện có thể biết hết các danh mục điều trị, dịch vụ, chi phí thuốc... mà BHYT chi trả nhằm minh bạch quyền lợi của người dân tham gia BHYT, ngăn chặn việc lợi dụng, lạm dụng và trục lợi quỹ BHYT”, ông Sơn cho biết thêm.