Gánh cải lương mini độc đáo giúp người trẻ giữ lửa nghề

Cô đào Tú Quyên trong vở diễn “Độc thoại đêm”.
Cô đào Tú Quyên trong vở diễn “Độc thoại đêm”.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gánh cải lương Thiên Lý là tâm huyết của cô đào Tú Quyên và đạo diễn Leon Quang Lê. Gánh hoạt động phi lợi nhuận hơn một năm qua với mong muốn mang tình yêu cải lương đến gần hơn với khán giả.

Gánh cải lương đặc biệt

Nằm ẩn mình trong một căn phòng khoảng 45m² thuộc khu chung cư cũ ngay giữa trung tâm Quận 1, TP HCM, gánh cải lương Thiên Lý được thành lập bởi cô đào Tú Quyên vào tháng 8 năm 2023 và do đạo diễn Leon Quang Lê làm cố vấn nghệ thuật. Tên gánh được đặt theo tên của đoàn cải lương Thiên Lý - nơi cô đào tài sắc Thùy Vân (Tú Quyên) trong phim điện ảnh “Song Lang” gắn bó.

Chia sẻ cùng phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, Tú Quyên thú nhận, tình yêu dành cho cải lương của cô mới chỉ nhen nhóm trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ngày nhỏ, cô thích hát, thích xem cải lương và “mê” cặp nghệ sĩ Tài Linh - Vũ Linh. Đến khi lớn lên, vì có chất giọng nên cô được giới thiệu vào đoàn Nghệ thuật Tiền Giang, TP Mỹ Tho để cộng tác. Một năm sau (2015), cô được giới thiệu vào học khóa Trung cấp cải lương cuối cùng của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Tại đây, cô có thêm nhiều cơ hội để học hỏi và hiểu hơn về cải lương.

Sau khi tốt nghiệp vào tháng 4/2017, 7 tháng sau đó, Tú Quyên gây chú ý khi giành Huy chương vàng tại cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương toàn quốc. Sau đó, cô bén duyên với màn ảnh qua vai cô đào Thùy Vân trong phim “Song Lang” và nhận được sự yêu thích của khán giả bởi màn nhập vai thuyết phục.

Sau bộ phim, dù tên tuổi được chú ý hơn, cô đào trẻ vẫn dành trọn tình yêu cho cải lương. Đây cũng là lý do cô tiếp tục cộng tác với Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và học thêm lớp Đạo diễn sân khấu, trước khi quyết định thành lập gánh hát riêng. “Tôi không thích những gì ồn ào, bên ngoài nhiều quá. Một phần nữa, có lẽ là Tổ đã giao cho tôi trách nhiệm phải làm gánh hát này và tôi may mắn gặp những cộng sự cùng ý tưởng để gắn bó, đồng hành. Vì cùng là cải lương nhưng mỗi người sẽ làm theo cách khác nhau, nên nếu không hợp sẽ không thể làm được,” Tú Quyên bộc bạch.

Gánh hát của “bà bầu” sinh năm 1990 đặc biệt ở chỗ, các vở diễn sẽ sử dụng âm thanh chân thực từ các nhạc cụ dân tộc, diễn viên diễn không cần micro, khán giả cũng không cần mua vé mà chỉ cần nhắn tin qua Fanpage của gánh để đặt trước.

Người đến xem vở diễn có thể chọn chỗ ngồi trên sofa, ghế tựa hoặc ngồi bệt xuống chiếu ở dưới sàn. Trong suốt thời gian diễn ra vở diễn, không ai bảo ai, mọi người chủ động tắt chuông điện thoại, không livestream, không chụp ảnh và chỉ tập trung hướng mắt nhìn về phía bục sân khấu - nơi vỏn vẹn 4m² mà người nghệ sĩ đang ca, đang hát, đang khóc, đang cười cùng nhân vật của mình.

Đến nay, sau hơn một năm hoạt động, gánh đã thực hiện được 4 vở diễn gồm “Chuyện cô Bát Tràng”, “Bóng người xưa”, “Độc thoại đêm” và “Dương hoàng hậu”. Trong đó, vở “Độc thoại đêm” đã diễn hơn 30 suất, nhưng lượng khán giả đặt vé mỗi tuần vẫn đều đặn và có nhiều đêm “cháy vé”.

Không gian sân khấu nhỏ nhưng mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả của gánh Thiên Lý.

Không gian sân khấu nhỏ nhưng mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả của gánh Thiên Lý.

Mong “tài sản văn hóa” được duy trì

Hơn một năm gắn bó cùng gánh, hầu hết thời gian của Tú Quyên là dành cho các vở diễn tại đây. Dù công việc làm phi lợi nhuận, lo cho gánh từ “A đến Z” nhưng cô đào trẻ vô cùng hào hứng. Cô thừa nhận bản thân đã nhận được nhiều thứ nhờ có Thiên Lý.

“Tôi nghĩ gánh không nuôi sống mình bằng đồng tiền nhưng sẽ nuôi sống mình bằng cảm xúc, bằng tinh thần. Đó là một điều rất quan trọng. Nghề nghiệp gì cũng vậy, bạn phải yêu thích nó, bạn mới đi làm, mới bỏ công sức vì nó. Có thể lương không cao nhưng bạn phải thích trước đã. Như tôi và anh Leon làm gánh cũng vì yêu, vì thích, còn việc gánh có đem lại gì cho mình về kinh tế hay không lại là chuyện khác. Chúng tôi chỉ làm thôi chứ không mưu cầu hay băn khoăn quá nhiều. Đơn cử như sau khi thành lập gánh, tôi mở lớp dạy cải lương. Đó cũng là điều tự nhiên mà đến.”

Theo Tú Quyên, cô luôn mong muốn duy trì sân khấu định kỳ để các thế hệ khán giả có thể đến với gánh mỗi tối thứ Bảy mà không có bất kỳ rào cản nào. Đây cũng là lý do dù nhiều đêm diễn, khán giả không lấp đầy căn phòng nhỏ, sân khấu vẫn sáng đèn.

Nữ nghệ sĩ kể, cô từng hỏi nhiều người trẻ lý do tại sao ít nghe cải lương và nhận được câu trả lời rất quen thuộc vì “nghe nhưng không hiểu” hoặc cũng có nhiều người không biết tới thể loại này. Vì vậy, cô và các cộng sự của mình càng thêm quyết tâm và nỗ lực để có thể đưa cải lương đến gần hơn với thế hệ trẻ. Việc hát sao cho các bạn trẻ nghe hiểu, tiếp cận được nội dung của vở diễn, từ đó yêu thích và tìm hiểu bộ môn này là mục tiêu mà cô và đạo diễn Leon luôn hướng tới.

Hiện tại, ngoài việc mở các workshop để khán giả có thể tìm hiểu và trải nghiệm về các trình thức trong nghệ thuật cải lương, Tú Quyên còn mong muốn kết hợp với các trường học để chia sẻ kiến thức cho nhiều thế hệ học sinh, cũng như có thể truyền lại “lửa nghề” cho các em yêu thích loại hình nghệ thuật này. Với cô, đây không chỉ đơn thuần là một loại hình giải trí mà còn có tính giáo dục cao.

Tuy nhiên, khi được hỏi về ý định mang gánh ra sân khấu lớn hơn, Tú Quyên lắc đầu từ chối. Cô cho biết, hướng phát triển của cô và đạo diễn Leon là từ gánh sẽ giới thiệu cải lương ra quốc tế, còn ở Việt Nam, họ vẫn sẽ chỉ hoạt động ở sân khấu “mini” này.

“Nhiều khi mọi người đến nghe, thấy không gian sân khấu nhỏ, mong muốn chúng tôi đến những sân khấu lớn hơn để nhiều khán giả được xem hơn, nhưng xét về không gian, âm thanh và địa điểm, sẽ không có hiệu quả, không ra được chất và cách mà chúng tôi đang làm. Đôi khi diễn “Độc thoại đêm” ở nhà hát lớn, khán giả sẽ không thể nào nhớ hay tập trung 100%. Ở sân khấu này, họ không có điều gì cản trở mà dồn hết 100% để theo dõi vở diễn từ đầu đến cuối. Âm thanh ở đây gần, chân thực, nghe “đã” lắm. Cá nhân tôi diễn cũng vậy. Diễn ở đây riết quen rồi, giờ ra sân khấu lớn, cầm mic tôi thấy khó chịu lắm,” Tú Quyên kể.

Tin cùng chuyên mục

Vinh danh 22 tác phẩm đạt giải “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024

Vinh danh 22 tác phẩm đạt giải “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024

(PLVN) - Ngày 3/12/2024, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã diễn ra Lễ tổng kết Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 do Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid Việt Nam), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức.

Đọc thêm

Pháp luật về hoạt động môi giới thương mại điện tử

Pháp luật về hoạt động môi giới thương mại điện tử
(PLVN) - Nhằm cung cấp cho bạn đọc thêm một góc nhìn về hoạt động môi giới thương mại điện tử cũng như quy định pháp luật về hoạt động này, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn “Pháp luật về hoạt động môi giới thương mại điện tử” của TS Nguyễn Ngọc Anh - Giảng viên Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.

'Thối não' là từ nổi bật nhất năm 2024

"Brain rot" (tạm dịch: thối não) được Từ điển Oxford công bố là từ của năm 2024. Ảnh: Oxford University Press.
(PLVN) - "Brain rot" (tạm dịch: thối não) được Từ điển Oxford công bố là từ của năm 2024. Từ dùng để bày tỏ lo ngại về việc tiêu thụ quá nhiều nội dung trên mạng xã hội có thể làm sa sút trí tuệ, tinh thần.

'Giấc mơ Chí Phèo' - đậm màu sắc nhạc kịch Việt

Chất liệu văn học Việt Nam đi vào các tác phẩm sáng tạo. (Ảnh trong vở kịch Giấc mơ Chí Phèo)
(PLVN) - "Giấc mơ Chí Phèo” là vở nhạc kịch mang đậm màu sắc nhạc kịch theo phong cách hiện đại (broadway) quốc tế. Lần đầu tiên một vở kịch broadway cảm tác từ văn học nước nhà được vang lên làm thỏa mãn những khao khát của người Việt về giấc mơ broadway “musical made in Vietnam".

Báo chí góp phần lan toả lễ hội Festival Hoa Đà Lạt

Festival Hoa Đà Lạt hứa hẹn đem đến cho du khách trải nghiệm thú vị.
(PLVN) - Dù Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 10 - 2024 chưa chính thức khai mạc nhưng đã có hơn 500 tin, bài của các cơ quan báo chí và hằng trăm tin bài trên sóng truyền hình, qua đó đã tạo được hiệu ứng truyền thông tích cực, thu hút được sự quan tâm của độc giả, du khách trong và ngoài nước, lãnh đạo Sở TTTT Lâm Đồng, ông Hoàng Văn Bằng đánh giá tại buổi khai trương Trung tâm báo chí phục vụ lễ hội tại Nhà triển lãm Khu Hoà Bình, phường 1, TP Đà Lạt sáng nay (2/12).

Tĩnh lặng trước những lời không hay: Nghệ thuật sống giữa đời xô bồ

Ảnh minh họa
(PLVN) - Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta phải đối mặt với những lời không hay, những nhận xét tiêu cực hoặc thậm chí những lời đồn đoán ác ý từ người khác. Những lúc như vậy, phản ứng đầu tiên thường là muốn lên tiếng bảo vệ bản thân, muốn hơn thua, muốn chứng minh mình đúng. Nhưng có lẽ cách hay nhất chính là im lặng.

Giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay
(PLVN) - Để cung cấp thêm nguồn tài liệu cho đội ngũ công chức, những người tham gia vào công tác phố biến, giáo dục pháp luật, người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và bạn đọc quan tâm, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn “Giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay”. Cuốn sách của TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.