Thân thiết với tôi trong ngôi nhà là gác xép. Vì chật chội, bố mẹ cố gom gỗ cũ mà làm cho các con một chốn riêng. Cũng là nơi chất chứa những thứ đồ cũ bỏ, chăn đệm mùa đông không còn đắc dụng; những hòm xiểng, áo quần khươm niên; những sách vở đã học xong không nỡ xé bỏ; những sách truyện mối xông rách nát không đọc được…Đó là một góc tâm hồn tôi.
Những ngày mấy chị em còn son rỗi, mỗi khi có dịp gặp nhau là chen chúc nhau ngủ, trò chuyện suốt đêm. Trong thanh vắng, ngoài tiếng cười rúc rích còn tiếng con mọt ăn gỗ kèn kẹt, mùi cũ mục của đám đồ chất đống xung quanh, cầu thang gỗ ọp ẹp nhưng cứ thi nhau trèo lên chạy xuống…
Thoắt cái đã mười lăm năm, bằng cuộc lưu lạc của cô Kiều. Nhà cũ đã xây lại, sửa sang mấy lần, rồi chuyển sang chỗ mới cũng được dăm năm.
Tủ sách đồ sộ của cả nhà, thực ra là của bố, tích trữ suốt một thuở từ trai trẻ cho đến khi con cái một đàn, đã bị đem ra cuốn pháo, cho nổ tung thành “muôn hồng nghìn tía” hồi cuối những năm 80, khi kinh tế gia đình quá khó khăn. Cái tủ sách trong góc nhà như một nhắc nhở buồn bã về những giấc mơ tan vỡ… Đói là một phần nhưng cái chính là muốn xoá chúng đi trước cuộc đời quá nhiều thua thiệt đang rơi vào cái khúc cay cực nhất..
Gia đình lao đao từ chặp này sang chặp khác. Gác xép nhiều đồ bỏ đi. Mà con cái thì mỗi đứa một đường riêng của nó. Nhà vắng người. Mỗi người chật vật với con đường riêng ấy. Gác xép u buồn đi một chặng dài.
Trong những giấc mơ về thời thơ ấu, vẫn chỉ mơ thấy ngôi nhà cũ, với hàng hiên gạch nho nhỏ, cánh cửa xanh bằng gỗ cũ xỉn và bức tường vôi tróc lở…
Những khi hồi tưởng, vẫn thấy lúc nằm dài trên gác xép, ngó xuống, qua hàng hiên, mẹ đang cặm cụi nhặt rau hay chị đang quét tước, dọn dẹp. Đời chầm chậm trôi… Mà khi ấy lại mong bao giờ mới qua cái đận này?
Ngôi nhà mới cũng có gác xép gỗ, nhưng cầu thang bằng sắt chắc chắn hơn. Lại gây dựng một tủ sách mới. Bởi thói quen đọc không bỏ được. Và ý nghĩ, có cái gì cho bọn trẻ sau này, nuôi dưỡng tâm hồn chúng, để chúng lớn lên mà không quá cách biệt với mình. Cầu nối tuyệt nhất giữa các thế hệ có lẽ là chung một tuyến nhân vật hay một hình tượng văn chương chăng? Mà đơn giản hơn, tủ sách đó cũng là một thu xếp cho tuổi già.
Gác xép mới này vẫn thế. Vẫn những món đồ không tích sự. Vẫn chăn đệm phơi phóng xếp cuộn gọn gàng sau vụ đông. Vẫn mùi cũ mục. Mỗi lần trèo lên gác xép lại tưởng mình vẫn đang tuổi hoa niên, trèo lên để giở nhật ký ra viết vội vài dòng. Nhưng khi giở đến những cuốn sách có ghi tháng ngày mới nhớ bao nhiêu thời gian đã trôi qua khắc khoải…
Gác xép như ga xép trong chặng hành trình dài của đời người để dừng lại khi quá mệt mỏi, hoài nghi con đường phía trước. Nhiều khi trở về nhà, trèo lên gác xép lục lọi đám đồ cũ kỹ, những tấm ảnh ngây ngô, những dòng nghuệch ngoạc,…Đến khi trở xuống lòng đã nhẹ đi rất nhiều.
Gác xép - như mẹ. Nơi chan chứa niềm yêu thương và nơi lòng mẹ không bao giờ cạn đi niềm khoan dung, những cay đắng, nhọc nhằn luôn được xoa dịu, lắng chìm. Vẫn bay trên đường đời như chim, nhưng lúc thất bại, chán chường thì quay về. Không cần thở than, chỉ cần nằm đó, mà nghe tiếng mẹ ru cháu, giữa chiều trở gió hay buổi ban trưa nắng oi: "Làm trai cho đáng nên trai Phú Xuân cũng trải Đồng Nai cũng từng…"
Ru đời hay ru mình đấy? Hay là cả hai? Chỉ nghe giọng ru khắc khoải ấy đã thấy dịu đi bao nhiêu lo toan định vùng lên đo tính với với đời. Tất thảy đều nhạt hết. Gác xép. Mẹ tôi. Xin mãi còn nguyên đó, cho tôi lui về tìm chốn nghỉ ngơi…
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu