Đường vượt biển “khựng” lại vì một... bến tàu

Thi công Dự án đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng)
Thi công Dự án đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng)
(PLO) - Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng) khởi công đầu năm 2014, dự kiến hoàn thành sau 36 tháng, nhưng  đang “khựng” lại vì bị ngư dân phản đối quyết liệt tại địa điểm thi công của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12). 
Đây là công trình thi công cầu – đường vượt biển dài nhất Đông Nam Á (hơn 15km) nối liền quận Hải An và đảo Cát Hải, với tổng đầu tư hơn 11 ngàn tỷ. Trong đó, Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn đảm nhận một phần khối lượng thi công trị giá 1.000 tỷ đồng.
Đe dọa tiến độ chung của dự án
Công tác thi công xây lắp dự án trên diễn ra từ ngày 15/5/2014, bởi liên danh gồm các doanh nghiệp của Việt Nam và Nhật Bản. Hiện các nhà thầu đang tập trung triển khai các hạng mục chính của dự án. Phần đường đang tập trung thi công lớp đệm cát thoát nước và xử lý nền đất yếu (cọc cát, bấc thấm) và tập kết vật liệu.
Tuy nhiên, qua đợt kiểm tra trong tháng 10 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nhận định tiến độ thi công của nhà thầu Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn đang chậm so với yêu cầu do đến thời điểm này, công tác xử lý nền đất yếu chưa hoàn thành, chưa thi công hạng mục đắp gia tải; đáng chú ý, việc thi công cầu Sông Cấm triển khai rất chậm (mới bắt đầu làm bờ vây tạo mặt bằng...). 
Do vậy, Bộ yêu cầu Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn tập trung hoàn thành công tác xử lý nền đất; đồng thời tiến hành ngay việc đắp gia tải tại các vị trí đã hoàn thành việc xử lý nền và khẩn trương huy động đủ số lượng vật liệu để chuẩn bị thi công các bước tiếp theo.
Đại diện chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án II (Bộ GTVT) cho biết, các vướng mắc của dự án trên chủ yếu liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vốn đối ứng cho dự án. Cụ thể, trong quá trình thi công phần đường (km0 - km4+501), nhà thầu Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn nhiều lần phải “bó gối” vì vấp phải sự phản đối, cản trở quyết liệt của người dân địa phương là chủ các phương tiện tàu thuyền hàng ngày phải qua lại khu vực sông Cấm để về bến.
“Trên công trường, để có đường vận chuyển vật liệu, chúng tôi phải làm cầu tạm sông Cấm. Nhưng khi triều lên, tàu của ngư dân không qua được cầu để về bến phía bên kia nên họ không cho thi công; thời điểm gay gắt nhất là cuối tháng 7/2015. Thậm chí, ngư dân còn yêu cầu chúng tôi phải tháo nhịp cầu tạm cho tàu đi qua. Đơn vị phải kiến nghị với Bộ và chính quyền địa phương giải quyết sớm, nhưng nghe nói mấy tháng nữa TPHải Phòng mới làm xong bến  để di chuyển tàu của người dân về đó neo đậu.” - ông Lâm Văn Tế, Giám đốc điều hành dự án của Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn nói. 
Theo Bộ GTVT, sự chậm trễ do những nguyên nhân khách quan và chủ quan tại khu vực nhà thầu này thi công nếu không rốt ráo giải quyết sẽ có nguy cơ đe dọa đến tiến độ chung của dự án.
Phó Tư lệnh chỉ đạo, vẫn chậm?
Được biết, có thời điểm Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn đã huy động đến 8 đơn vị thành viên tham gia thi công trên công trường. Tuy nhiên, qua đợt kiểm tra mới đây, Bộ GTVT vẫn yêu cầu nhà thầu này phải tăng cường bổ sung năng lực để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cầu Sông Cấm, tránh ảnh hưởng đến tiến độ chung. 
Ngoài ra, phải nhanh chóng hoàn thành cầu tạm Sông Cấm để đảm bảo việc vận chuyển vật liệu. Đặc biệt, để chủ động kiểm soát tiến độ, Bộ GTVT muốn lãnh đạo “Tổng” này phải thường xuyên họp kiểm điểm tiến độ dự án; đồng thời yêu cầu lãnh đạo các đơn vị thành viên trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường để kịp thời tháo gỡ vướng mắc.
Trao đổi với PLVN, Trung tá Nguyễn Hữu Ngọc - Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch, Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn cho biết thêm: “Chúng tôi xác định đây là dự án quan trọng nên ngay những ngày đầu, đơn vị đã bố trí đầy đủ nhân lực và thiết bị xe máy. Trên công trường, một giám đốc dự án thường xuyên có mặt; về phía lãnh đạo có một phó tư lệnh Binh đoàn trực tiếp theo dõi, chỉ đạo dự án. Nếu không gặp phải những trở ngại nêu trên thì tiến độ của Trường Sơn rất ổn định”. 
Theo đó, để giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong thi công cầu tạm tại Km1+700 (cầu Sông Cấm), Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý Dự án II thống nhất các phương án triển khai xây dựng bến tạm mới (do UBND TP Hải Phòng thực hiện) và tổ chức thông tin, tuyên truyền đảm bảo mục tiêu đầu tư xây dựng, tránh ảnh hưởng đến tiến độ chung toàn dự án. 
Cụ thể, để tàu cá của ngư dân lưu thông được vào thời điểm thủy triều lên trong thời gian chờ xây dựng bến tạm mới, Ban Quản lý Dự án II phải chỉ đạo nhà thầu nghiên cứu giải pháp điều chỉnh tĩnh không để tạm thời có thể thông tuyến đường công vụ đảm bảo việc thi công.
Ngoài sự vào cuộc của chủ đầu tư, Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn, nhà thầu lâu nay vốn có tiếng “đánh” đâu thắng đó, giờ cần phải dồn lực để bù tiến độ, không thể vì những trở ngại nói trên mà mang tiếng ì ạch, chậm tiến độ.

Đọc thêm

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề
(PLVN) - Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân gây TNGT. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 1.045.844 trường hợp, chiếm 20,21%; ma túy 4.522 trường hợp; đi sai làn đường, phần đường 102.878 trường hợp; tránh vượt không đúng quy định 15.261 trường hợp; quá tải 123.177 trường hợp...

Tổ chức chạy tàu 'Kết nối di sản miền Trung'

Tuyến đường sắt nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng sẽ qua đèo Hải Vân hi vọng sẽ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
(PLVN) - Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, từ ngày 26/3/2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng tổ chức vận hành đoàn tàu trên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại theo hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.

Con số đáng báo động

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Cả nước hiện có gần 1.900km đường cao tốc, nhưng do phân kỳ đầu tư nên trong giai đoạn 1, 5 dự án mới có 2 làn xe, gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình.

Tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và tuyến Quốc lộ 5, Quốc lộ 10

Quang cảnh cuộc họp.
(PLVN) - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, Trưởng Ban An toàn giao thông TP vừa chủ trì cuộc họp với Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam; các Sở, ngành chức năng và địa phương; cùng đại diện Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), Công ty TNHH MTV Tasco Hải Phòng về bảo đảm trật tự ATGT trên tuyến đường sắt và các tuyến Quốc lộ (QL) 5, QL 10 đoạn qua TP Hải Phòng.