Vui chung, buồn riêng
Mục tiêu của dự án mà Bộ GTVT đã xác định là từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, giải quyết lưu lượng giao thông từ đường Cầu Giẽ - Ninh Bình không đi qua trung tâm của TP Ninh Bình hiện nay đang có nguy cơ tắc nghẽn, trong khi chưa có đường cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa; đồng thời góp phần tăng hiệu quả khai thác tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực.
Nhân dân trong khu vực vui mừng phấn khởi vì từ nay có một con đường đẹp, rộng rãi, trải nhựa bề thế đi qua. Họ tin rằng đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội từ nay sẽ khác. Con đường tấp nập đủ các loại xe qua lại khiến toàn cảnh khu vực như sáng lên, nhịp sống như sôi động hẳn lên.
Niềm vui là của chung, nhưng một số hộ dân thuộc khu vực dân cư mà đoạn đường đi qua lại xuất hiện nỗi buồn riêng. Đường mới đưa vào sử dụng mà đã có hai người dân thuộc xã Yên Khang bị tai nạn giao thông khi vượt qua đường tại nút cắt đường liên xã Yên Khang - Yên Bằng, 7 hộ dân thuộc thôn Mễ Thượng, xã Yên Khang, nhà ở và các công trình phụ khác bị lún nứt.
Những sự cố này đã ảnh hưởng tới sinh hoạt và nếu để kéo dài, các công trình đó lại xuống cấp tiếp sẽ gây mất an toàn cho những hộ gia đình này. Mới chỉ qua mùa mưa vừa qua họ đã phải chịu đựng cảnh ở trong nhà cũng như ngoài sân.
Thỉnh cầu… theo gió bay
Chuyện lún nứt nhà dân và các công trình khác của 7 hộ dân xảy ra từ khi con đường đang thi công. Họ đã làm đơn (cá nhân và tập thể) trình bày sự tình với các cơ quan có trách nhiệm đề nghị xem xét giải quyết.
Đơn của ông Mai Văn Bạ trình bày: “Trong quá trình thi công, do chấn động của xe cơ giới, xe lu… các tường nhà tôi đã bị rạn nứt nhiều chỗ, sân cũ hỏng, làm lại sân mới cũng hỏng, tường bao đổ, bể nước vỡ, các cọc sứ trang trí hiên nhà cũng bị vỡ và hỏng nhiều, công trình phụ bị nứt xuyên tường”…
“Các bức tường của nhà tôi bị rạn nứt nhiều chỗ, sân và tường bao cũng bị vỡ và hư hỏng, trần nhà và bể nước bị rạn nứt, cánh cổng và cánh cửa nhà bị sệ xuống…”, ông Ngô Xuân Nạnh trình bày. Còn bà Vũ Thị Thơm thì cho biết: “Các công trình của gia đình tôi cũng bị ảnh hưởng như nhà ông Bạ, ông Mạnh”…
Tháng 10/2015, các hộ dân có đơn gửi nhắc lại vấn đề đã nêu. Tháng 11/2015 họ tiếp tục gửi đơn trình bày tình trạng lún nứt các công trình và kiến nghị xử lý các sự cố lún nứt để đảm bảo an toàn cho các gia đình. Tiếc thay, đơn trình bày và thỉnh cầu của họ đều theo gió bay đi? Ngày 24/10/2015 họ tiếp tục làm đơn nhờ cậy cơ quan báo chí, Bộ trưởng Bộ GTVT và Sở GTVT Ninh Bình giúp đỡ.
Ngoài việc trình bày các vấn đề liên quan đến việc lún nứt nhà ở và các công trình, họ bày tỏ: “Chúng tôi là những nông dân chân lấm tay bùn, không biết kêu ai nên chúng tôi làm đơn này kính mong ông Bộ trưởng cùng Sở GTVT Ninh Bình xem xét và giúp đỡ chúng tôi để Ban giải phóng mặt bằng và nhà thi công về đánh giá mức độ thiệt hại và đền bù cho chúng tôi như đã hứa.
Hé lộ sự thật
Phóng viên đến gặp dân tại chính các ngôi nhà, các công trình của gia đình họ đang bị ảnh hưởng bởi quá trình thi công tuyến đường kết nối đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình để tìm hiểu. Họ trình bày và hướng dẫn phóng viên đi từng nhà để chứng kiến những vết rạn nứt trên tường nhà, trần nhà, sân, tường bao… Ông Mai Văn Thắng còn hăng hái đề nghị phóng viên chứng kiến cảnh nước thấm qua mái bị nứt nếu ông bơm nước lên mái nhà.
Những hình ảnh về rạn nứt các công trình xây dựng, những bất cập khác khi thi công tuyến đường này như đường dây điện đi trên mái nhà và trên diện tích trong vườn có trồng cây… Phóng viên đã chụp ảnh lại nhưng không có tài liệu so sánh đối chứng thực trạng của những công trình ấy trước khi thi công, đành chờ các cơ quan có trách nhiệm trả lời. Việc đền bù giải phóng mặt bằng đối với gia đình nhà ông Mai Văn Thắng, Mai Văn Thi, theo họ thì còn có vấn đề cần giải quyết tiếp, nhiều diện tích đất của gia đình họ bị giải tỏa nhưng chưa được đền bù.