Bệnh nhân nguy kịch, trạm y tế không bóng người
Ông Hoàng Văn Nhân (trú tại thôn Thái Xá 1, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết, sáng ngày 27/2, thấy cháu ruột của mình là Hoàng Văn Trường Phi (2 tuổi) lấm bẩn do nô đùa nên ông đã tắm cho cháu (bằng nước ấm). Một lúc sau, cháu Phi xuất hiện những biểu hiện lạ như mệt mỏi, da xanh tái, khó thở… nên ông Nhân cùng hàng xóm bế cháu lên Trạm Y tế xã Mỹ Lộc cấp cứu, điều trị.
Khi đưa cháu Phi đến Trạm Y tế xã lúc 11 giờ và thấy Trạm Y tế đóng kín cổng, ông Nhân kéo cổng đi vào phía bên trong để tìm nhân viên y tế. Tuy nhiên, lúc vào ông Nhân vẫn thấy toàn bộ các phòng làm việc, phòng bệnh đều khóa trái cửa, cả Trạm Y tế không một bóng người. Do không có số điện thoại để liên lạc với các y, bác sĩ nên ông Nhân nhờ nhiều người tỏa đi nhiều nơi để tìm các y, bác sĩ về cấp cứu, chữa trị cho cháu mình. Khoảng 30 phút sau thì chị Phạm Thị Trâm (37 tuổi, y sĩ), là người phụ trách kíp trực của Trạm tế xã mới có mặt tại cơ quan.
Ngay sau đó, chị Trâm đã đưa cháu Phi vào phòng bệnh, tiêm cho nạn nhân một lọ thuốc nhưng đã quá muộn, nạn nhân tử vong. Điều đặc biệt là gần 1 giờ sau khi nạn nhân được đưa đến cấp cứu và sau đó tử vong, bác sĩ Nguyễn Thế Nghĩa, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mỹ Lộc mới có mặt.
Gia đình xót xa trươc cái chết của bé Phi. |
Trước cái chết của cháu Phi, bức xúc vì khi đến Trạm xá cấp cứu nhưng không có y, bác sỹ trực, người nhà cháu Phi đã “quây” Trạm Y tế xã hơn 2 tiếng đồng hồ để yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ. Ông nội cháu Phi bức xúc nói: “Nếu Trạm Y tế xã Mỹ Lộc phân công người trực, kịp thời cấp cứu, chữa trị thì cháu tôi đã không tử vong”.
Được biết, cháu Hoàng Văn Trường Phi là con của vợ chồng anh Hoàng Văn Hùng (34 tuổi) và chị Nguyễn Thị Cảnh (30 tuổi, trú tại thôn Thái Xá 1, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cả hai vợ chồng đi lao động bên Thái Lan, gửi con nhờ ông nội chăm sóc.
Bị phản ánh nhiều nhưng vẫn không khắc phục?
Chị Phạm Thị Trâm - y sĩ, là người phụ trách kíp trực của Trạm Y tế xã Mỹ Lộc ngày 27/2 cho biết, sáng cùng ngày chị có đến cơ quan để trực nhưng gần trưa, chị đóng cửa, rời cơ quan để đi ăn cơm. Lúc gia đình cháu Phi đưa nạn nhân đến cấp cứu thì chị không hay biết. Lúc chị có mặt và thăm khám cho cháu Phi thì tim của nạn nhân đã ngưng đập, hai mắt giãn to.
Chị Trâm cho biết thêm: “Ngay sau đó tôi có tiến hành cấp cứu, tiêm cho cháu Phi một lọ thuốc Adrenalin”. Chị cũng cho rằng cháu Phi đã tử vong trước lúc được đưa tới Trạm Y tế xã và việc chị vắng kíp trực vào đúng giờ “G” là sự cố đáng tiếc, không mong muốn.
Lọ thuốc y sĩ tiêm cho cháu Phi. |
Theo một số người dân xã Mỹ Lộc thì đây không phải là lần đầu tiên Trạm Y tế xã Mỹ Lộc không có người trực. Trước đó đã từng có nhiều trường hợp tương tự. Người dân địa phương đã phản ảnh lên cả các cuộc họp Hội đồng nhân dân (HĐND) xã, nhưng các y, bác sỹ Trạm Y tế này vẫn chưa khắc phục.
Liên quan đến sự việc trên, bác sĩ Nguyễn Thế Nghĩa, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mỹ Lộc cho rằng, vào ngày thứ bảy, trên địa bàn xã có chương trình tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em nên nhân lực của cơ quan bị phân tán, kíp trực bị thiếu người. “Sự việc xảy ra là một sự cố đáng tiếc. Tôi đã giải thích, chia sẻ cùng gia đình nạn nhân. Còn về nguyên nhân tử vong thì có thể là do thời tiết quá lạnh, thể lực yếu nên nạn nhân bị ngừng tim đột ngột”, bác sỹ Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cũng thừa nhận do đặc thù ngành y tế cấp xã và nhiều yếu tố liên quan nên có thực trạng kíp trực của đơn vị đã không thực hiện tốt trong thời gian qua. “Điều này tại cuộc họp HĐND xã tôi đã nhận khuyết điểm”, ông Nghĩa thông tin./.