Nông dân nghèo điêu đứng vì"siêu lừa"
Theo hồ sơ vụ án, năm 1998 Hoàng Thị Đào đi XKLĐ tại tại Đài Loan, năm 2002 về nước, thông qua các mối quan hệ bà thường nhận tiền của các lao động để làm thủ tục đưa đi XKLĐ.
Đầu tháng 6/2012, Đào báo cho những người trong đường dây đưa người đi XKLĐ có đơn hàng tại nhà máy chế biến thực phẩm Hoá Đông (Đài Bắc), chuyên sản xuất bánh kẹo và đóng cơm hộp. Phí xuất khẩu 120 triệu đồng, trước mắt chỉ phải đóng gần 5 triệu tiền học nghề và tiền khám sức khỏe. Khoảng 35 lao động ở Quỳnh Lưu được Trần Thị Đức (trú tại phường Trường Thi, TP.Vinh) và Nguyễn Chiêu Dương (trú tại thị trấn Cầu Giát, Quỳnh Lưu) môi giới thu khoảng 350 triệu đồng nộp lại cho Đào.
Giấy biên nhận viết tay do Đào viết cho các gia đình có lao động muốn đi XKLĐ |
Ngoài ra, Đào còn tung tin tại Hà Lan có đơn hàng hơn 50 người với công việc trồng cỏ nuôi bò mức lương khởi điểm 1.000USD/tháng/người; tháng thứ hai là 1.500 USD/tháng/người. Tổng chi phí là 5.800USD/người, làm việc theo hợp đồng trong vòng 3 năm, chỉ cần đặt cọc 500 USD còn số còn lại thu sau khi có công việc. Những nông dân nghèo tại xã Tiên Điền (Nghi Xuân) và Quỳnh Lưu đã dồn số tiền tích cóp, cùng với vay mượn bạn bè, người thân, vay vốn ngân hàng để “xuất ngoại” đổi đời.
Ngày 29/7/2012, tại nhà riêng phường Cửa Nam Đào thu mỗi người lao động 500USD, khi nhận tiền có ghi “giấy biên nhận” viết tay với nội dung: “Hôm nay ngày…, Tên tôi là Hoàng Thị Đào có nhận chuyển giùm cho anh…. Số tiền 500 USD để làm thủ tục đi Hà Lan. Thời gian xuất cảnh từ 3-5 tháng. Sau thời gian trên nếu không đi được tôi hoàn trả lại số tiền trên. Kí tên”.
Dưới mỗi tờ biên nhận Đào đều ký nhận và hứa đến các ngày cụ thể nếu không bay được sẽ trả lại toàn bộ số tiền đã nhận |
Những người lao động được đưa ra Hà Nội khám sức khỏe nhưng không trả kết quả khám bệnh, sau đó bảo tất cả ra về sẽ có lịch bay sau 3-5 tháng. Đến ngày 12/1/2013 bà Đào gọi các lao động sang nhà bà và thu thêm mỗi người 1.300 USD để làm vida và mua vé máy bay, bà cũng viết giấy biên nhận bằng tay như những lần trước:“đã nhận thêm 1.300 USD, nếu đến ngày 20/3/2013 không đi được tôi hoàn trả số tiền trên”.
Bà Đào hẹn đến 9/2/2013 (Âm lịch) rồi ngày 24/2/2013 (AL) sẽ bay, bà sẽ thông báo trước hai ngày để học định hướng. Tuy nhiên, sau nhiều lần hẹn vẫn không có lịch bay, liên lạc qua 3 số điện thoại của bà Đà đều không liên lạc được, người dân tá hỏa tìm sang tận nhà riêng thì cửa đóng then cài. Không còn cách nào khác những người dân này phải làm đơn trình báo tới cơ quan công an.
Lẩn trốn 3 năm dưới "vỏ bọc" bán mỹ phẩm
Sau khi bán toàn bộ gia sản, Đào cùng chồng con vào Buôn Mê Thuật lẩn trốn, sau thời gian thấy yên ổn, Đào làm nghề bỏ mối mỹ phẩm tại thành phố kiếm sống. Lực lượng chức năng đã ráo riết vào cuộc xác minh nơi ở của Đào nhưng không có kết quả, tại địa phương không có người thân sinh sống.
"Trước đó, thông tin Đào từng có thời gian sinh sống làm ăn tại Trung Quốc và có thể nói tiếng Trung nên khả năng Đào trốn sang Trung Quốc cũng không loại trừ”, thiếu tá Vũ Quốc Bảo, đội trưởng Đội 3 (Phòng PC52 Công an Nghệ An) – tổ trưởng tổ công tác chia sẻ.
Những nạn nhân đã nộp tiền cho Đào đến Báo PLVN tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản của Đào sau khi Đào bỏ trốn |
Đầu năm 2016, qua thông tin nắm bắt được Đào xuất hiện tại Đắc Lắc các trinh sát đã tiến hành xác minh. Nhận thấy đối tượng là mối nguy cho nhiều người dân cần nhanh chóng bắt giữ để tránh gây hại cho những người khác.
Ngày 28/12/2015, Chuyên án mang bí số 116L được xác lập, các trinh sát được cử theo dõi và nắm bắt nơi ở cũng như các hoạt động của đối tượng. Chiều ngày 29/1/2015, tổ công tác của Phòng PC52 Công an Nghệ An phối hợp với Công an Đắc Lắc mật phục bắt giữ Đào ngay tại nhà riêng trước sự ngỡ ngàng của đối tượng.
Hoàng Thị Đào tại CQĐT |
Chiều ngày 27/2/2016, Hoàng Thị Đào được di lý từ Buôn Mê Thuật về Nghệ An bàn giao cho Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Nghệ An) để tiếp tục điều tra hoàn tất hồ sơ vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Các chiến sỹ trong tổ công tác dẫn giải cho biết, “Đào có tiền sử về cao huyết áp, thời điểm bắt giữ, đối tượng đã sốc phải được sự chăm sóc của cán bộ y tế, có lúc huyết áp lên đến 220mm Hg…”.
Theo lời khai trước đó của Hoàng Thị Đào tại CQĐT khi bị triệu tập chưa bỏ trốn thì đối tượng này cho rằng đã nộp tiền cho một người đàn ông tên Vương Đình Chính tại Đài Loan nhưng không xuất trình được giấy tờ hay tài liệu nào. Nhiều gia đình nông dân vì muốn thoát nghèo đã phải vay vốn ngân hàng, vay tiền lãi suất cao, bán gia sản, trâu bò… giờ đang nai lưng trả nợ.
Ba đối tượng cùng truy bắt trong đợt truy quét tội phạm di lý về nghệ An |
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu