- Theo tôi, cái này liên quan đến trình độ phát triển, liên quan đến tâm lý con người. Thử đặt câu hỏi, người phương Tây có như vậy không? Hoàn toàn không như thế, người dân tộc thiểu số cũng vậy, mua sắm cái gì cũng vừa đủ để tiêu dùng.
Tôi thấy, khi ăn để thừa không những lãng phí mà còn xa xỉ. Như ở phương Tây khi đi ăn đồ ăn tự chọn họ chỉ lấy vừa đủ, bao giờ cũng ăn hết nhưng người Việt nhiều khi lấy rất nhiều, ăn thì ít. Ở đây, vấn đề ở đâu, một là về trình độ phát triển xã hội, hai là về vấn đề tâm lý, các cụ ngày xưa có câu rất hay “no bụng đói con mắt”.
Cái đó thực sự rất lãng phí phải giải quyết từ góc độ quan niệm của người Kinh chúng ta. Người Trung Quốc bày ra nhiều nhưng ăn rất khỏe, người Việt Nam không ăn được nhiều, nhưng thời buổi hiện đại lại muốn có nhiều món đặc biệt ngày Tết.
Đặc biệt, ở miền Bắc cỗ Tết rất nhiều, trong 3 ngày Tết các cụ thờ tổ tiên, làm cơm để cúng. Người Việt quan niệm thừa mới là mạnh, là hay, như thế nó mới dư dả cả năm.
- Đây không phải là dấu hiệu phát triển, xã hội phương Tây họ cũng phát triển nhưng mà họ ăn vừa đủ, cho nên ăn với người phương Tây rất giản dị, không bao giờ bỏ phí. Người Việt Nam không phải dư dả, nhưng trong những dịp Tết thì ăn quá mức cần thiết.
Tất nhiên, khi đời sống phát triển họ cảm thấy được ăn nhiều hơn là đúng. Còn sự lãng phí, về mặt văn hóa là nó phi văn hóa, bởi tâm lý người dân cho rằng thừa ra mới sang trọng, nhưng tôi khẳng định hoàn toàn không đúng.
Việc này đổ cho trình độ dân trí cũng không đúng, có dân tộc thiểu số, họ ăn uống vừa phải, ý thức làm ra vừa đủ để ăn, có ý thức bảo vệ môi trường. Còn một số dân tộc, đặc biệt là dân tộc Kinh, lại có hiện tượng lãng phí, vì thế cần lên tiếng để thay đổi hành vi, thế nào là tốt, là đẹp, ăn thừa, để thừa không phải là lịch sự, sang chảnh.
Ngày thường thì chả có mà ăn, thậm chí có nhà còn cơm ăn không đủ, nhưng những ngày Tết thì phải dư dả, như vậy mới hay, mới tốt.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh: “ Không được phép rải tiền hoặc nhét tiền vào tay Phật” |
- Đi lễ chùa từ lâu là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Nhiều người thường đi lễ chùa vào các dịp lễ tiết hay ngày mùng 1, ngày rằm âm lịch. Trong số những lễ tiết đó thì Tết Nguyên đán là dịp rất quan trọng trong tiềm thức của người dân Việt Nam.
Tùy từng nơi, có thể Giao thừa xong sẽ lên chùa nhưng cũng có người đi chùa trong 3 ngày Tết, có người đi cho đến Rằm tháng Giêng… Và khi lên chùa như vậy là để cầu Phật, xin lộc đầu năm.
Những năm trước đây, có một số thanh niên quan niệm lộc đầu năm là các chồi non của cây cối nên đi bẻ cành, hái lộc phá hoại môi trường.
Lộc là biểu tượng của mùa xuân, của sự sinh sôi nảy nở, là ước muốn của người dân nước nông nghiệp. Lộc có thể hiểu là sức khỏe, công danh… nhiều người lên chùa để cầu xin những điều đó.
Từ xưa, khi lên chùa người ta cũng mang theo một chút tiền. Ông cha ta gọi tiền đó với tên rất giản dị tiền “giọt dầu” để cùng góp một phần nhỏ vào hoạt động của đền chùa. Như tôi đã nói, việc đưa một chút tiền lên chùa đã có từ lâu đời, ông cha ta thực hiện điều đó rất có văn hóa, có thể đưa tiền lên để vào hòm công đức hay đưa trực tiếp cho trụ trì gọi là đóng góp một phần cho chùa.
Ngày nay, có hòm công đức nhưng nhiều người không chịu để tiền vào đó, cứ đi đặt ở ban thờ này đến ban thờ kia, thậm chí nhét vào tay Phật, tạo ra một hình ảnh phản tín ngưỡng và không có văn hóa. Nhiều người đưa tiền lên chùa quá nhiều gây ra sự thái quá, không đúng mực. Thần linh đâu cần những cái đó, vấn đề là ở lòng thành và tâm thế.
Tâm thế đó là, trước khi đến đền, chùa ăn mặc chỉnh tề, tâm hồn thanh tịnh, thái độ nhẹ nhàng. Khi đưa tiền giọt dầu với thái độ cung kính, trân trọng. Ngay trong gia đình cũng thế thôi, vào các dịp giỗ chạp, người anh cả khi thay mặt cả gia đình cúng bái cũng chuẩn bị tâm thế rất kỹ càng, đó là sự thanh sạch về cả thể chất lẫn tâm hồn.
Theo quan niệm của dân gian, khi người ta có tâm thế như vậy mới cảm được thần linh.
- Trong đời sống ngày nay, kinh tế thị trường xô bồ nên có lẽ nhiều người cũng nghĩ thần linh cũng cần tiền. Đành rằng thờ cúng và gửi lễ là điều tốt nhưng gửi nhiều quá lại là “đút lót” cho người âm. Với quan niệm muốn “được việc” phải “cậy nhờ” là rất sai trong đời sống tín ngưỡng, bởi ở đó không có sự trục lợi.
Mặt khác, văn hóa tín ngưỡng cũng là một kiến thức cần được giáo dục, chúng ta đừng mang đời thực làm vẩn đục tín ngưỡng tốt đẹp vốn có của cha ông. Bởi thực tế những tín ngưỡng về tâm linh đều rất tốt đẹp nhưng sự biến tướng lại làm mất đi vẻ đẹp nguyên sơ của nó.
Ngày nay, người đi đền, chùa xô bồ, chen lấn, có những hành động mà cảm giác như ngoài nhà ga, bến tàu chứ không phải chốn thanh tịnh, linh thiêng. Thậm chí, việc mang cả đồ mặn lên chùa để cúng bái là không thể chấp nhận được.
Thần, Phật chỉ cảm động hành động tốt, việc làm tốt chứ không cảm động ai có nhiều của, ai có nhiều lễ… Có người nghèo lên chùa chỉ có hương hoa, tấm lòng thanh tịnh cũng rất được đánh giá cao.
- Thực tế, đốt vàng mã là quan niệm xã hội lâu đời, từ thời ông cha ta cũng đã có. Nhưng vấn đề là phải đúng mực. Trước đây, ông cha ta không đốt nhiều như vậy nhưng không hiểu tại sao bây giờ lại biến tướng đốt nhiều như thế. Nhiều người cứ quan niệm “trần sao âm vậy” nên mua hết nhà tầng, xe hơi, xe máy, máy bay, phi thuyền… bằng giấy đề đốt, lãng phí vô cùng.
Để giải quyết được vấn đề này, trước hết là ý thức của mỗi người nhưng chính các vị trụ trì cũng cần giải thích, góp ý và nói rõ lễ nào thì cần những loại vàng mã nào. Thậm chí, có thể nói, nếu đưa nhiều vàng mã hơn thì không đồng ý. Như tôi đã nói, sự thanh thản của tâm hồn mới thấu lên thần, Phật chứ không phải cứ mâm cao cỗ đầy, nhiều lễ vật mới được.
Theo các nhà văn hóa, người dân đến chùa không được đốt vàng mã, không mang đồ mặn; đặc biệt, không được phép rải tiền lẻ hay nhét tiền vào tay tượng. Bởi làm vậy là “hối lộ thánh thần”, ô uế cửa chùa.
Đó là điều tối kỵ và sai giáo lý nhà Phật. Nếu đi lễ ở đình, đền, miếu mạo, phủ có thể mang đồ mặn vào, có thể đốt vàng mã, nhưng cũng không được nhét tiền vào tay tượng. Thay vào đó, hãy để tiền vào hòm công đức.