Thầy đứng đắn thì không trò nào đưa tiền được
(Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng)
Thưa GS, có nhiều người cho rằng, nạn “phong bì” đã làm tình thầy trò ngày nay đã nhạt nhòa, không còn thiêng liêng như những thế hệ trước? Quan điểm của ông ra sao? Và học trò ngày nay sướng hay khổ?
Tuy nhiên không ít các bạn trẻ chưa có quyết tâm học cho tương lai của mình, phần đông còn học để thi, học vì gia đình, học vì bạn gái (!)
Từ hồi lớp 7, chúng tôi đã được học những người thầy giáo tài hoa như các thầy Hoàng Tụy, Lê Bá Thảo, Hoàng Như Mai, Trần Văn Khang, Trần Văn Giáp, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, họa sĩ Nguyễn Khang... Thật là chuyện hiếm có phải không các bạn, đúng là những thần tượng của thế hệ chúng tôi.
Tuy nhiên, có một người thầy mà tôi luôn nhớ. Đó là thầy dạy Toán trước đây của tôi và cũng là thầy của con gái tôi sau này, thầy Nguyễn Thương. Thầy thích dạy thêm vì lòng yêu nghề chứ không phải vì tiền, các con thầy đều thành đạt và giàu có. Một điều kỳ lạ là thầy dạy một lúc 5 cháu ở nhiều lớp khác nhau ngay tại nhà tôi.
Bọn trẻ rất hiếu động, nhưng khi nghe thầy nói: “Các cháu yên lặng nào” là các cháu im phăng phắc ngay. Thầy hỏi từng đứa học đến đâu rồi và thầy giảng lại kỹ càng phần lý thuyết rồi ra ngay bài tập cho từng cháu. Thầy đi tay không, trong tay không có quyển sách nào, nhưng thầy dạy rất hay và bài tập rất phù hợp với chương trình.
Sau này, hơn 50 năm dạy đại học, tôi chưa bao giờ nhận bất cứ một cái “phong bì” nào của sinh viên. Trong quá trình dạy học, sinh viên nào “đi phong bì”, tôi phê bình ngay. Cả việc chấm thi, hội đồng chấm thi để “phong bì” vào trong hồ sơ, tôi cũng không đồng ý. Bởi vì cái phong bì đó không phải tiền của Nhà nước mà là lấy từ túi của người bảo vệ luận văn. Thầy đúng đắn thì không trò nào đưa tiền được.
Về sự nhạt nhòa thì tôi không thấy, bởi sinh viên của tôi rất tình nghĩa, dù là đã học không nhiều và từ cách đây khá lâu. Tôi nghĩ rằng, trong lòng tất cả những học trò, miễn là đừng quên ơn các thầy cô của mình, từ những ngày thơ ấu cho đến lúc làm luận án sau đại học thì tình nghĩa đó sẽ theo chúng ta suốt đời.
Tôi vẫn căn dặn học sinh “hãy trung thực, đừng dối trá...”
(PGS Văn Như Cương)
Thưa PGS, là một người đã gắn cả cuộc đời mình với sự nghiệp “trồng người”, người thầy nào để lại cho ông ấn tượng sâu đậm nhất? Thời của ông, đi học có bị thầy “phạt” không, và ông có giận thầy không? Quan điểm của ông ra sao về “nạn đi thầy” ngày nay? Sự bày tỏ tình cảm với thầy cô hôm nay khác trước ra sao?
Thầy là người dạy tôi ngay từ năm đầu tiên tôi vào ĐHSP và trong những năm sau đó. Khi tốt nghiệp, tôi được giữ lại làm việc dưới sự hướng dẫn của thầy, kể cả khi thầy làm Hiệu trưởng Trường ĐHSP Vinh.
Năm thầy thọ 95 tuổi, tôi có làm bài thơ tặng thầy: “Thầy mãi là thầy của chúng con - Tấm gương soi sáng mọi tâm hồn - Cuộc đời gieo hạt trong như ngọc - Sự nghiệp trồng người đỏ tựa son. Hiệu trưởng quang minh, danh sáng mãi - Giáo sư thanh bạch, tiếng thơm còn - Chín mươi lăm tuổi: Bài thơ đẹp - Đức trọng, tài cao sánh núi non”.
Quả thật, tôi trân trọng tất cả những người thầy của mình, kể cả những thầy có lúc đã đánh tôi. Ở bậc tiểu học, tôi cũng đã đôi lần bị thầy đánh, nhưng không bao giờ oán trách gì, vì hồi bấy giờ việc thầy đánh trò là chuyện bình thường.
Hồi tôi đi học phổ thông thì chưa có ngày Hiến chương nhà giáo. Còn những ngày tết, ngày lễ thì chúng tôi cũng không biết và không nghĩ đến việc “đi” thầy, thậm chí cũng không có lấy một tấm thiếp chúc mừng hay một bông hoa tặng thầy, cô.
Đơn giản là vì trong kháng chiến, chẳng có ai in thiếp mừng, và cũng chả có ai bán hoa. Về sau này khi đời sống khá giả hơn thì lại là chuyện khác. Không phải vì “phú quý sinh lễ nghĩa” mà vì ta có điều kiện để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn của mình.
Theo tôi, ngày Nhà giáo Việt Nam là một trong những truyền thống tốt đẹp của chúng ta. Tôi cho rằng những món quà gửi đến thầy cô giáo (một thiếp chúc mừng, một bó hoa, một món quà nhỏ...) đều biểu hiện cho tình cảm chân thật của học sinh và cha mẹ học sinh. Tôi không nghĩ rằng điều đó mang tính vụ lợi, hoặc là nếu có đi nữa thì cũng rất ít...
Ở trường tôi (Trường Lương Thế Vinh ), cá nhân từng phụ huynh hoặc học sinh không đến thầy cô giáo riêng lẻ để chúc mừng. Thường là một món quà của tập thể phụ huynh lớp và do Ban đại diện cha mẹ thay mặt cho lớp kính tặng. Vì thế không có tâm lí chơi trội để lấy lòng hay tâm lí sợ bị trù úm. Ban đại diện cha mẹ của trường nên phối hợp với nhà trường để có một ngày Nhà giáo Việt Nam thực sự có văn hóa và phù hợp với hoàn cảnh của từng địa phương.
Tôi vẫn căn dặn các em, hãy trung thực đừng dối trá, hãy vị tha đừng vị kỉ, hãy hòa đồng đừng đố kị, hãy cao thượng đừng thấp hèn, hãy độc lập suy nghĩ đừng a dua bầy đàn, hãy nói lời thanh cao đừng buông câu tục tĩu.
Nhiều người nói giới trẻ ngày nay đang biến chất và quay lưng lại với thuần phong mĩ tục của dân tộc, theo tôi thì không phải như vậy. Không thể bắt các em xem cải lương, dân ca hay tuồng chèo hàng ngày. Những giá trị đó thì ai cũng biết, cũng hiểu và tôn trọng nhưng nó không phù hợp với bọn trẻ. Thế nên đừng vì đó mà quy kết rằng các em quay lưng lại với truyền thống. Tuổi 70 của chúng tôi phải học tập nhiều ở tuổi 17 bây giờ.
“Phong bì” là một sự tha hóa người thầy
(Nhà giáo Đỗ Việt Khoa)
Tôi có thể khẳng định tuyệt đại đa số các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đều đã thu Quỹ Hội phụ huynh. Mức thu mỗi trường có khác nhau, thường thì từ 200.000 đồng trở lên, có trường thu hàng triệu đồng mỗi học sinh. Bản chất là núp bóng Hội phụ huynh. Hội trưởng Hội phụ huynh phần đông là do hiệu trưởng bày đặt sắp xếp.
Ngoài ra, lớp còn thu quỹ lớp riêng cũng một phần để chi “phong bì” thầy cô. Nhiều phụ huynh còn quà cáp “phong bì” riêng với thầy cô nữa. Tất cả những việc đó bây giờ rất phổ biến. Không ít giáo viên hồ hởi với việc nhận “phong bì” như thế.
Theo tôi, “phong bì” như thế là một sự tha hóa người thầy. Chuyện cứ đến 20/11 là các thầy cô giáo được “lên đời” điện thoại, thậm chí là xe cộ thì điều đó không hiếm.
Giáo viên đã không cưỡng nổi sự cám dỗ của đồng tiền. Trong mắt học trò, hình ảnh giáo viên chẳng còn trong sáng nữa. Thật lạ là các cấp quản lý giáo dục cho đó là tự nguyện, là xã hội hóa…và họ luôn làm ngơ cho tệ nạn đó. Vì thế báo chí phản ánh mãi thì tệ nạn đó vẫn không được xóa bỏ.
Tôi được biết những chuyện “phong bì” quà cáp như vậy không xảy ra ở các trường miền núi, vùng sâu. Càng gần đô thị lớn, tệ nạn này càng nhiều. Tôi muốn giáo giới hãy nhìn lại mình, dũng cảm rũ bỏ các tệ nạn học đường để thầy ra thầy.
Các em học sinh chắc cũng muốn thế mà thậm chí phụ huynh của các học sinh nên cần suy nghĩ vậy để không nhồi nhét tư tưởng vào đầu các em những tính xấu, những cạm bẫy xã hội để các em có thể phát triển được những ý thức độc lập và hình thành một hình ảnh người thầy trong sáng trong đôi mắt của các em.